Tỉnh Thái Nguyên: Ai “bảo kê” cho hàng loạt sai phạm đất đai ở TP Thái Nguyên?
Pháp luật - Bạn đọc 20/11/2019 08:57
Hàng loạt sai phạm
Như đã nói, gần 1.000 trường hợp đất vườn, đất trồng lúa, hoa màu… đã được chuyển đổi mục đích, nhưng tới 410 trường hợp không có trong kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt trong năm 2016-2018.
Cụ thể, tại tổ 37 phường Phan Đình Phùng có 3 khu dân cư tự phát, tự chuyển đối đất, tự xây dựng. Trong đó có hàng chục ha đất nông nghiệp được ‘hoá phép’ thành đất ở.
Trường hợp hộ ông Phạm Minh Tuấn có 2 thửa đất, mỗi thửa rộng vài nghìn mét vuông trên địa bàn 2 phường Gia Sàng và Phan Đình Phùng có nguồn gốc từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Những diện tích đất này, sau đó tách ra mỗi thửa, với hàng chục sổ đỏ đất ở đều mang tên cá nhân để xây nhà hàng loạt bán như một dự án kinh doanh nhà được cấp phép. Chính quyền địa phương biết, nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.
Tại tổ 17 phường Thịnh Đán, một mảnh đất có diện tích rộng 8.584,4 m2 của hộ bà Nguyễn Thị Thu Hà (Nguyễn Mai Toại) được UBND TP Thái Nguyên cấp sổ đỏ năm 2003, trong đó có 3.452,7 m2 đất ở, còn lại 4.924,4 m2 đất nông nghiệp.
San lấp đất trái phép tại tổ 17, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên |
Thửa đất rộng trên 8.000 m2 trong đó có cả diện tích đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi hiện đã san lấp, xây dựng và đấu nối hạ tầng phục vụ việc phân lô bán đất nền tại tổ 17 phường Thịnh Đán.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, toàn bộ diện tích đất ở trên đã được chuyển sang tên cho bà Lương Hà Giang. Từ đây, toàn bộ diện tích 8.584,4m2 được san gạt mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phân lô bán đất nền trên cả phần diện tích đất nông nghiệp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau đó, các chủ đất phân lô, bán nền. Mặc dù đã chuyển đổi đất lúa sang đất để xây nhà nhưng trên biểu quản lý vẫn thể hiện đất lúa.
Ngoài việc để một số cá nhân tự ý san lấp, chuyển đổi đất lúa, đất trồng hoa mau, tại xã Thịnh Đức, UBND tỉnh Thái Nguyên còn cho bà Phạm Thị Ba, thường trú tại xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 20 năm để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 249, tờ bản đồ số 3, diện tích 8.035,6 m2,. (Việc này là trái với quy định luật đất đai năm 2013). Sau đó, diện tích đất hồ được xây kè, nằm thọt lỏm trong khuân viên biệt thự đang xây dựng của nhà bà Nguyễn Thị Thấm, cũng như con đường bê tông xã hội hóa chạy quanh nhà bà Thấm có đúng được các cơ quan chức năng cho phép xây dựng?
Hồ nước và con đường bê tông xã hội hóa chạy quanh nhà bà Thấm |
Loanh quanh?
Liên quan đến việc trên, đầu tháng 10/2019, phóng viên Báo Ngày mới đã làm việc với ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên và ông Trần Hoài Nam, Chánh Văn phòng UBND TP Thái Nguyên. Ông Tiến cho biết: UBND TP cho người dân thuê 1 cái "ao" có diện tích khoảng hơn 8.000m2, chứ không phải hộ bà Thấm (Theo ông Tiến 8.000m2 chỉ gọi là ao-PV). Việc cho thuê được UBND TP thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc xây tường bao quay hồ cá và khu đất nhà bà Thấm có thể do hai bên cùng thỏa thuận hợp tác để nuôi cá. Dự án đường bê tông được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước 70%, còn Nhân dân góp 30%. Dự án này do UBND xã Thịnh Đức làm chủ đầu tư. Đường "xã hội hóa" tới đâu, có vào khu đất nhà bà Thấm hay không thì cần phải xem lại hồ sơ dự án mới biết". Theo ông Nam: Trong năm 2016-2018, TP Thái Nguyên đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho gần 1.000 hộ, trong đó đất nông nghiệp sang đất khác là 322 hộ. Số hộ có đất vườn tạp, nông nghiệp khác sang đất khác là 656 hộ, với tổng diện tích khoảng 27,5 ha. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được tuân thủ theo quy định Luật Đất đai. Cũng trong thời kỳ 2016-2018, TP Thái Nguyên cấp phép cho 8.500 giấy phép xây dựng nhà cho các hộ gia đình. Phát hiện 52 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó phường Phan Đình Phùng 5 trường hợp.UBND phường Gia Sàng là 2 trường hợp. Riêng đối với phường Thịnh Đán, một số hộ gia đình đã tự ý đồ đất, san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp. Việc này UBND phường Thịnh Đán đã xử phạt về hành chính… Tại buổi làm việc, phóng viên đề nghị ông Nam cung cấp các văn bản quy định của TP về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… và việc cấp phép quy hoạch khu dân cư.
Nhiều công trình xây dựng tại phường Phan Đình Phùng |
Tuy nhiên, đến nay UBNTP Thái Nguyên vẫn chưa cung cấp tài liệu văn bản liên quan, mặc dù phóng viên đã nhiều lần yêu cầu được cung cấp văn bản tài liệu để đưa tin, làm rõ những sai phạm trên. Trước sự việc trên nhiều người hoài nghi có điều gì khuất tất, hay có một cá nhân nào đang bao che cho hàng loạt sai phạm đất đai ở thành phố Thái Nguyên?
Hé lộ người “bảo kê”
Trước đó, ngày 18/9/2019, PV nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0986883xxx với nội dung: Yêu cầu được làm rõ vì sao Báo điện tử Ngày mới lại viết bài tỉnh Thái Nguyên: Cần làm rõ những “uẩn khúc” đằng sau công trình dạng biệt phủ với động cơ, mục đích gì?… Viết phải kiểm tra thông tin … PV có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công chúng biết đúng luật hay không đúng luật?…. và sẽ theo vụ việc này đến cùng … sẽ kiện Tổng Biên tập ra Tòa... Sau khi tra danh bạ số điện thoại từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, số điện thoại trên là của một lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên(!?).
Cũng theo diễn biến này, quá trình tìm hiểu của PV đã phát hiện ra một sự thật: Thời điểm hiện tại, ngay tại tổ 37 phường Phan Đình Phùng có tới 3 khu dân cư tự phát. Còn nếu trên cả địa bàn TP Thái Nguyên, có tới hàng trăm khu dân cư như vậy. Trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp được ‘hoá phép’ thành đất ở. Sau đó được phân lô, bán nền.
Và, một sự “trùng hợp ngẫu nhiên” là những sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai nói trên phần lớn diễn ra trong thời kỳ ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên - phụ trách lĩnh vực đất đai từ năm 2016 đến nay.
Xây dựng tràn lan tại phường Gia Sàng |
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy: Từ năm 2016 - 2018, TP Thái Nguyên cho chuyển đổi 978 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng có tới hơn 400 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất “không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên và Thanh tra Chính phủ cần làm rõ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, cũng như tính minh bạch trong việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Thái Nguyên thời gian qua nhằm kiểm soát việc xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước nếu có, cũng như ngăn chặn việc làm phá vỡ quy hoạch chung của TP Thái Nguyên đang diễn ra.
Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin.