Tỉnh Lạng Sơn: Cần làm rõ tính pháp lí tại Dự án Bến xe phía Nam
Pháp luật - Bạn đọc 21/03/2018 11:11
Tỉnh “ưu ái” cho doanh nghiệp…
Ngày 5/8/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Lạng Sơn đến năm 2025, trong đó UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng bến xe liên tỉnh phía Nam tại khu vực ga Yên Trạch, quy mô 3 - 5ha.
Khu đất của các hộ dân bị thu hồi thực hiện dự án
Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận đăng kí Dự án đầu tư Bến xe phía Nam TP Lạng Sơn cho Công ty CP Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn, diện tích đất dự kiến sử dụng 44.242m2, trong đó diện tích đất bến xe 38.482m2; diện tích đất tái định cư tại chỗ 5.760m2, với quy mô đến năm 2017 đạt tiêu chuẩn bến xe loại 3 và bến xe tải; năm 2019 đạt chuẩn bến xe loại 1. Ngày 19/4/2012, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Văn bản số 309/UBND-KTN đồng ý địa điểm xây dựng Bến xe phía Nam TP Lạng Sơn, diện tích khoảng 4,5ha như đề nghị của Sở Xây dựng.
Việc xây dựng bến xe phải tuân thủ theo Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT, ngày 12/12/2012 của Bộ Giao thông Vận tải, ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về bến xe khách: Bến xe khách loại 1 diện tích tối thiểu khoảng 15.000m2; Bến xe khách loại 3 chỉ có tổng diện tích tối thiểu là 5.000m2. Thế nhưng, UBND tỉnh Lạng Sơn, lại “ưu ái” cho Công ty CP Vận tải ô tô Số 2 Lạng Sơn để thực hiện dự án đầu tư Bến xe phía Nam TP Lạng Sơn, với mức phê duyệt lên đến 4,5ha.
Ngày 18/2/2013, UBND huyện Cao Lộc ban hành các quyết định thu hồi đất của 8 hộ gia đình, cá nhân tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, để thực hiện Dự án Xây dựng bến xe phía Nam TP Lạng Sơn. Ngày 28/2/2013, UBND huyện Cao Lộc ra Quyết định số 321/QĐ-UBND, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án.
Thậm chí, trong các quyết định, văn bản, kế hoạch… UBND huyện Cao Lộc ban hành thu hồi 46.418,4m2 đất, vượt 1.418,4m2, dù trước đó đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt 4,5ha. Được biết, trong các văn bản và quy định của pháp luật, khu tái định cư không thể nằm trong bến xe. Nếu có khu tái định cư trong bến xe, sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân đi lại, sinh hoạt.
Những căn cứ pháp lí bị bỏ ngỏ
Ngày 23/10/2015, UBND huyện Cao Lộc mới ra Quyết định số 3421/QĐ-UBND, phê duyệt phương án tái định cư và thu hồi đất để thực hiện dự án, thì việc bố trí tái định cư chưa theo quy định tại Điều 42 Luật Đất đai năm 2003: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất, để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ… Trường hợp không có khu tái định cư, thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường, thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền đối với phần chênh lệch đó”.
Theo đó, khi UBND huyện Cao Lộc thực hiện việc thu hồi trong đó có đất ở khiến cho cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng phải di chuyển chỗ ở, thì UBND tỉnh Lạng Sơn phải lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi UBND huyện Cao Lộc thu hồi đất. Yêu cầu chung của khu tái định cư là được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn, phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp UBND huyện Cao Lộc không có khu tái định cư, thì cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi được bồi thường bằng đất ở theo quy định.
Theo Điều 42 Luật Đất đai năm 2003, Chính phủ đã quy định chi tiết việc tái định cư tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (từ Điều 33 đến Điều 38). Việc lập và thực hiện dự án tái định cư được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP. Đặc biệt, tại Điều 35 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, quy định cụ thể về “Điều kiện bắt buộc đối với khu tái định cư” như sau: “1. Khu tái định cư phải xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng. 2. Khu tái định cư phải được sử dụng chung cho nhiều dự án. 3. Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu tái định cư phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.
Có thể thấy, khi UBND huyện Cao Lộc ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng Bến xe phía Nam TP Lạng Sơn”, trong đó có đất ở, thì trong địa bàn huyện Cao Lộc phải có sẵn khu tái định cư đã được UBND tỉnh Lạng Sơn lập và thực hiện. Khu tái định cư này phải được sử dụng chung cho nhiều dự án và đã được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc UBND huyện Cao Lộc thu hồi đất ở của 8 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển nhà ở, mà bố trí tái định cư ngay tại dự án là không đúng với quy định của pháp luật. Khi UBND huyện Cao Lộc ra quyết định thu hồi, thì khu tái định cư chưa được hình thành và chỉ phục vụ cho 1 dự án là vi phạm về điều kiện bắt buộc đối với khu tái định cư.
Phóng viên Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới đăng kí làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh, ông Phùng Quang Hội, Chánh văn phòng đùn đẩy: “Các anh cứ xuống UBND huyện làm việc trước đã…”.
Báo điện tử Ngay mới đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc xem xét lại toàn bộ vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.
Nguyễn Hải