Theo ghi nhận của chúng tôi, con đường đi vào vị trí khai thác mỏ đá nằm tại thôn 4, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vẫn còn nguyên bảng cảnh báo của lâm nghiệp: “Rừng là vàng nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý! ”. Vậy mà không hiểu tại sao cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho mỏ đá ngang nhiên hoạt động, khai thác rầm rộ. Đi sâu vào bên trong, tình trạng phá rừng khai thác đá diễn ra quy mô. Tại hiện trường, có rất nhiều máy khoan đá, máy múc, xe tải, máy nghiền... hoạt động tấp nập, khói bụi ngập tràn cả một khu vực. Hàng nghìn mét khối đá đang chờ để được vận chuyển.
Máy xúc của Công ty Xuân Thành đang hoạt động khai thác đá
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, đây là mỏ đá được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Xây dựng và Quản lý công trình giao thông tỉnh Kon Tum. Đến cuối 2016 thì chuyển nhượng lại cho Công ty Xuân Thành.
Mục sở thị cảnh tượng phá núi khai thác đá của Công ty Xuân Thành, điều chúng tôi băn khoăn là vì sao chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm không hay biết!?.
Cơ quan chức năng nói gì?Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016, truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị bàn về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng Tây Nguyên; kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái phép; kiên quyết chấm dứt tình trạng “hợp thức hóa” phá đất phá rừng, sang nhượng trái pháp luật.
Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi. Đối với các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cần xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, theo dõi tiến độ, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc trồng rừng thay thế theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Theo Giấy phép, ngày 26/12/2012 UBND tỉnh Kon Tum cấp cho Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum nội dung ghi rõ: "Được khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Địa điểm khai thác tại thôn 4, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Với diện tích khai thác là 4,15 ha và trữ lượng 517.600 m3. Trong giấy phép UBND tỉnh yêu cầu đơn vị không được phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, năm 2016 Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum đã chuyển nhượng Công ty Xuân Thành Gia Lai.
Sau đó đến năm 2017, xét đơn và hồ sơ UBND tỉnh Kon Tum đã hợp thức hóa việc chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum cho Công ty Xuân Thành, để công ty này tiếp tục khai thác đến năm 2020 trên đất rừng. Điều này trái với Thông báo 191/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái phép. Phải chăng đó là sự tiếp tay gián tiếp để “xẻ thịt” đất rừng đang hồi sinh?.
Ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: “Theo Luật Khoáng sản năm 2010, đối tượng rừng sản xuất được chuyển đổi sang mục đích khác, còn theo Thông báo số 191/TB-VPCP thì không được phép nếu vi phạm đất rừng. Về phía Sở, năm ngoái có đi kiểm tra, còn năm nay chưa đi nên không nắm được Công ty có khai thác sai vị trí, tọa độ hay không”.
Có thể do thiếu kiểm tra nên việc khai thác của Công ty Xuân Thành đã xâm phạm vào đất rừng, diện tích khai thác rộng lớn hơn. Ngoài ra, Công ty này đã đem máy múc cạp sâu vào diện tích có rừng để dọn đường cho việc nổ mìn khai thác đá. Nói như ông Tấn, việc cấp giấy phép lại cho Công ty Xuân Thành Gia Lai đến năm 2020 là không hợp lý với thông báo của Thủ tướng.
Công ty Xuân Thành là ai và vụ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản có đúng luật hay không?, Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc
Kiều Đình - Hà Ngọc - Hải Long