"Thôn tính" xong Luyện cán thép Gia Sàng: Công ty Thái Hưng “bẻ kèo” ngoạn mục?
Pháp luật - Bạn đọc 17/12/2019 10:31
Liên quan đến vụ việc này, những ai quan tâm đến số phận của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đều biết rõ: Chỉ 6 tháng sau thương vụ ký kết bàn giao tài sản giữa Công ty CP luyện thép Gia Sàng với Công ty CP Thương mại Thái Hưng (viết tắt là Công ty Thái Hưng), thép Gia Sàng một lần nữa phải đóng cửa với lý do dễ dàng được dự đoán trước khi tái sản xuất, bởi nhà đầu tư gần như chỉ “làm động thái” khôi phục để che mắt người dân mà thôi.
Một góc Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng trước lúc bàn giao |
Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi, đằng sau việc hợp tác đó có thực chất là vực dậy tên tuổi cho Thép Gia Sàng hay chỉ là bước khởi động cho thương vụ khác của Công ty Thái Hưng.
Và, mục đích ấy đã lộ ngay trước bàn dân thiên hạ sau đó, khi Công ty Thái Hưng lại xin chuyển đổi lô đất 22,6ha từ đất công nghiệp sang đất ở để xây dựng khu đô thị, khu dân cư.
Nay, toàn bộ nhà máy đã thành khu đô thị, khu dân cư mới |
Sẽ chẳng đáng nói nếu như tất cả những việc làm trên đều đúng cam kết và đúng quy định pháp luật. Nghĩa là nhà đầu tư thực hiện dự án di dời, cải tạo nâng cấp nhà máy cán thép Gia Sàng lên 500.000 tấn/năm theo đúng như Văn bản số 1102/TH ngày 2/10/2017 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, các sở, ngành liên quan của Công ty Thái Hưng về việc “đề nghị thực hiện dự án”. Càng đúng hơn, nếu như tỉnh Thái Nguyên không “vội vã” ra văn bản giao đất cho Công ty Thái Hưng triển khai thực hiện dự án xây dựng khu đô thị ngay trên mảnh đất của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng khi mà doanh nghiệp này đến giờ vẫn chưa thể phá sản theo luật, mà thực hiện đúng quy trình đấu thầu…
Văn bản đề xuất dự án của Công ty Thái Hưng |
Lật lại lịch sử sẽ thấy: Sau khi chuyển sang cổ phần hóa, Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng rơi vào cảnh nợ nần, thiết bị cũ, hỏng không thể sản xuất, bị ngân hàng siết nợ với con số hàng trăm tỷ đồng.
Tìm lối ra cho doanh nghiệp, sau nhiều cuộc họp bàn thảo, tỉnh Thái Nguyên và các ngành chức năng, ngân hàng… đã đi đến thống nhất bán đấu giá tài sản Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng để trả nợ; đồng thời tìm nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết với ngành sản xuất thép để khôi phục nhà máy.
Theo đó, một trong những điều kiện tiên quyết để trúng đấu giá tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra lúc bấy giờ (năm 2016) là nhà đầu tư trúng đấu giá ngoài việc đảm bảo các yếu tố về tài chính, chuyên môn thì phải cam kết đầu tư xây dựng, cải tạo, khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Trong Đề xuất dự án đầu tư gửi tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng, Công ty Thái Hưng nêu rõ: “Tháng 7 năm 2016 Công ty Thái Hưng đã tham gia mua đấu giá tài sản Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thông qua Chi cục Thi hành án dân sự TP Thái Nguyên và trúng đấu giá theo Thông báo số 219/TB-ĐGTS ngày11/7/2016 của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Thực hiện đúng các cam kết về điều kiện khi tham gia đấu giá: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương. Ngay sau khi nhận bàn giao tài sản, Công ty Thái Hưng đã lập dự án chi tiết về việc xây dựng sửa chữa cải tạo và khôi phục sản xuất, đồng thời thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án”.
Trong “Phương án di dời Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng” những nhà đầu tư khẳng định “Dự án nâng cấp, cải tạo và di dời nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng đến địa điểm phù hợp với quy hoạch và nâng cấp công suất từ 12.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 300 cán bộ công nhân viên của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã và đang nghỉ chờ việc như hiện nay.”
Cũng trong văn bản này đã thể hiện rõ: “Một yêu cầu được các bên có quyền lợi liên quan đến khối tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh Thái Nguyên đưa ra là: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất.”
Văn bản cũng khẳng định: “Công ty CP Thương mại Thái Hưng là doanh nghiệp trúng đấu giá và có thể đáp ững được các yêu cầu nói trên, cam kết sau khi mua được toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất sẽ không tháo dỡ tài sản là thiết bị, tư liệu sản xuất mà tiếp tục đầu tư để tái sản xuất thép cán…”.
Các nội dung được nhà đầu tư cam kết |
Căn cứ trên những cam kết rõ ràng ấy, ngày 6/12/2016 Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CC436768 và CC436767 cho Công ty CP Thương mại Thái Hưng để công ty tiếp tục thuê đất diện tích 214.020,1m2 mục đích sử dụng xây dựng nhà máy cán thép và 5.759,3m2 mục đích sử dụng làm sân thể thao phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, trên thực tế thì sau hơn 3 năm, đến thời điểm này có thể dễ dàng nhận ra: Doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng là Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã “bẻ kèo” ngoạn mục đối với người lao động, các cơ quan chức năng và tỉnh Thái Nguyên.
Hiện tại, “Đề xuất dự án đầu tư” vẫn chỉ nằm trên giấy… đề xuất. Thậm chí, toàn bộ phần tài sản là khung, xưởng, thiết bị trong dây chuyền sản xuất cũ của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sau khi được tháo dỡ để…dành đất xây nhà ở, cũng đã bị phân tán đến nhiều nơi. Địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng công suất 500.000 tấn/năm cũng vẫn đang là… dự kiến(!?)
Có thể thấy, việc Công ty Thái Hưng sau khi “thôn tính” xong Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, có được quyền về tài sản và quyền sử dụng đất đã “bẻ kèo” ngoạn mục đối với người lao động, các cơ quan chức năng và tỉnh Thái Nguyên. Điều khó hiểu là, không những không có những chấn chỉnh cần thiết về việc làm trái cam kết, dường như địa phương còn “tạo điều kiện” cho nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện các ý đồ kinh doanh sau đó.
Về các nội dung liên quan đến vụ việc này, Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục phân tích ở những bài viết sau.