Thổn thức trái tim
Đời sống 30/10/2019 15:20
Tôi rất ân hận vì đã hứa ra Bình Định thăm bà nhân một lễ giỗ nào đó của ông và đến thắp hương cho người chị, người bạn, người đồng chí của tôi là chị Nguyễn Thị Kim Dung (em ruột của bà Nguyễn Thị Cầu) Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghĩa Bình và tỉnh Bình Định (sau chia tách Quảng Ngãi với Bình Định) đồng thời là ĐBQH cùng khóa VIII (1987-1992) với tôi. Tuy ở hai chiến trường khác nhau trong chống Mỹ, chị ở Trung Bộ còn tôi ở Nam Bộ nhưng chúng tôi rất chia sẻ với nhau về công tác vận động quần chúng phụ nữ, thanh niên… Những khó khăn riêng của người cán bộ nữ trong kháng chiến cũng như lúc hòa bình, một bên là gia đình chồng con, một bên là công việc của Đảng và Nhân dân giao phó. Cũng như tôi, chị (Kim Dung) được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về công lao đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đây là phần thưởng rất cao quý mà chúng tôi có được.
Tôi được may mắn hơn chị là tiếp tục tham gia 3 khóa Quốc hội tiếp theo là khóa IX, X và XI. Còn chị Kim Dung vẫn tiếp tục gắn bó với tổ chức Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Bình Định đến năm 1994 thì chị nghỉ hưu theo chế độ, như vậy là coi như chị đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Đoàn thể giao. Nhưng tôi nào có biết đâu trong con người của chị ngoài những vết thương do kẻ thù để lại trên cơ thể, chị còn một vết thương lòng khác rất lớn mà chị đã mang theo về cõi vĩnh hằng: Chị bị vu oan, cho rằng chị đã bênh vực người anh rể của chị là ông Dương Ngọc Chánh, cha đẻ của Dương Minh Trị, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Thanh tra viên chính của Bộ Y tế và của Liệt sĩ Dương Minh Ninh hi sinh sau khi cha mình bị cho là “trừng trị” vào năm 1968.
Về vấn đề của ông Chánh đã qua bao nhiêu đời của lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn chưa giải quyết thỏa đáng để đến hôm nay vợ của ông, bà Nguyễn Thị Cầu, mẹ của Liệt sĩ Dương Minh Ninh cũng ôm nỗi đau oan khuất về chốn tuyền đài.
Trở lại vấn đề chị Dung, trong thời gian làm ĐBQH, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định chị cũng có nhiều đơn khiếu nại về việc ông Phan Văn Năm, nguyên Trưởng Ban tuyển sinh tỉnh Bình Định vu khống chị gửi đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao về vụ minh oan cho ông Dương Minh Chánh, nhưng lại rơi vào im lặng. Riêng tôi, đọc rất nhiều bài báo, nhất là Báo Người cao tuổi và xem những phóng sự điều tra của Đài truyền hình Công an Nhân dân viết về ông Dương Ngọc Chánh, đọc rất nhiều văn bản trả lời, yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, như Công văn số 7518 CV/BTCTW ngày 12/4/2010 của Ban Tổ chức Trung ương báo cáo cho Văn phòng TW Đảng, trong đó đã có dẫn dẫn văn bản trả lời của những cơ quan chức năng là Tổng Cục I, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh làm rõ từ năm 2003.
Tại Công văn số 524/A35 ngày 22/12/2003 của Cục Bảo vệ chính trị I, Tổng cục I, Bộ công an (tài liệu là bản chính, hiện lưu trữ tại Ban Tổ chức Trung ương) và Công văn số 30-CV/BVTW ngày 12/2/2004 của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW đã kết luận “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Ngoài ra còn nhiều bằng chứng khác mà ông Phan Văn Năm đã “buộc tội” cho ông Chánh là đã “giết” các đồng chí (liệt sĩ): Lê Văn Có, hi sinh ngày 11/4/1969; liệt sĩ Nguyễn Thị Thính tên thường dùng là Nguyễn Thị Nhược, hi sinh ngày 26/3/1970; liệt sĩ Nguyễn Thị Khánh (Duyên) hi sinh ngày 19/11/1974 mà ông Năm buộc tội ông Chánh sai đàn em đánh lựu đạn hi sinh (đơn ngày 24/11/2016 của ông Năm). Trong khi đó, ông Chánh đã bị ông Ngưu sát hại từ ngày 14/7 năm Mậu Thân, tức ngày 7/8/1968 thì có thể “đội mồ” lên để giết chết các liệt sĩ nói trên hay không???.
Trở lại vấn đề của chị Nguyễn Thị Kim Dung - người đồng chí mến yêu của tôi, thật là oan cho chị, chị được Đảng, Nhà nước khen thưởng công lao rất xứng đáng, Nhân dân tín nhiệm bầu chị vào Quốc hội khóa VIII, là Ủy viên Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH và chị được nghỉ hưu theo đúng chính sách thì hà cớ gì mà ông Năm dám tố cáo (không phải là báo cáo) vì báo cáo như ông nói thì phải do cơ quan nào yêu cầu, còn ở đây ông đơn phương kí tên là “người viết” rồi gửi cho Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam, đồng gửi cho Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương… và gửi đài tiếng nói Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Pháp Luật, xã Mỹ Đức… với nội dung đề nghị “xử lí những người có liên quan đến vụ án Dương Ngọc Chánh”:
- Sa thải Dương Minh Trị, con trai của Dương Ngọc Chánh ra khỏi Sở Y tế Bình Định.
- Cho chị Nguyễn Thị Kim Dung thôi giữ chức Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Bình Định, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Định.
Dẫu biết rằng trong chiến tranh việc sai sót là khó tránh, là nỗi đau xót khôn nguôi, huống chi giết oan một người có công (báo tin có giặc càn) thì trở thành “người chỉ điểm cho giặc càn” thì tội lỗi không đo đếm được. Hơn nữa, theo lẽ thường, đối với vợ con người bị giết hại sẽ căm phẫn, hoặc cầu an trái lại bà Cầu (vợ ông Chánh) vẫn nuôi dạy năm người con trong tình trạng mẹ góa con côi, bà vẫn động viên con đi theo con đường cách mạng, tiếp nối sự nghiệp của ông cha, của quê hương Mỹ Đức anh hùng và tin Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ minh oan cho ông Chánh. Dương Minh Trị chẳng những không “bị đuổi” ra khỏi Sở Y tế Bình Định mà còn nén đau thương tiếp tục học hành phục vụ trong ngành y tế cho đến tuổi nghỉ hưu.
Đáng kính trọng hơn là Dương Minh Ninh cha mất mới 11 tuổi đầu đã được mẹ Cầu nuôi dạy đến năm 1980 chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra đã tiếp bước anh trai xung phong vào bộ đội và Dương Minh Ninh đã ngã xuống nơi chiến trường, máu của Ninh đã tô thắm thêm cho màu cờ Tổ quốc.
Bằng chứng đã quá rõ ràng, xin các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến xã Mỹ Đức vì công lí, đạo lí và pháp lí hãy xem xét và giải quyết đến nơi, đến chốn trả lại sự công bằng cách “giải oan” cho ông Dương Ngọc Chánh, để xã hội thêm tin tưởng Đảng ta thật công bằng, cán bộ ta thật sự là người đày tớ trung thành của Nhân dân như Bác Hồ đã dạy.
Riêng đối với ông Phan Văn Năm, tuy ông và tôi cũng chưa có dịp gặp nhưng với tuổi tác và độ dày thành tích chống Pháp, chống Mỹ của ông từ năm 1945-1975 tôi không thể không trân trọng, quý mến. Tuy nhiên, sẽ quý hơn, trọn vẹn hơn là ông nên nói lại cho đúng sự thật, đừng vì lòng tự ái hay tư thù mà tố cáo oan cho người đã khuất như ông Chánh và bà Dung nghỉ hưu khi hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.
Mặc dù có nhiều văn bản kết luận của các cơ quan hữu quan ở Trung ương nhưng địa phương cứ đùn qua đẩy lại không biết ông có nghe không? Ông là ai mà cản trở cho đàn em, con cháu làm việc đến vậy hả ông Năm? Tôi thật lòng mong ông sống vui, sống khỏe và làm cái gì đó để khi nào ông có nhắm mắt xuôi tay cũng trọn nghĩa vẹn tìnhn
(*) Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa xã hội của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, IX, X, XI