Thiếu căn cứ dẫn đến truy tố, xét xử có dấu hiệu oan sai
Pháp luật - Bạn đọc 22/07/2021 08:19
Như đã phản ánh, bác sĩ Lê Quang Huy Phương bị cấp sơ thẩm, TAND TP Huế kết án 3 tội danh: “Hiếp dâm”, “Cố ý gây thương tích”, “Giữ người trái pháp luật” (Tòa đã bác bỏ tội “Bắt người trái pháp luật” theo cáo trạng truy tố), với tổng mức án 6 năm 8 tháng tù, trong đó tội “Cố ý gây thương tích” chịu mức án 5 năm tù, tội “Hiếp dâm” chịu 1 năm 6 tháng tù, tội “Giữ người trái pháp luật” chịu 6 tháng cải tạo không giam giữ. Điều đáng nói trong vụ án này, căn cứ chính mà các cơ quan tố tụng TP Huế dựa vào để xử lí đối với bác sĩ Lê Quang Huy Phương, là bản dịch ghi âm mà chị Dương Huỳnh Thu Thủy chủ động bật máy ghi, lời khai của chị Dương Huỳnh Thu Thủy và hai bản kết luận giám định pháp y, của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong vụ án này cần phải xem xét căn cứ để các cơ quan tố tụng dựa vào đó, để kết tội bác sĩ Phương, đó là bản dịch ghi âm mà chị Thủy đã chủ động ghi ngay từ đầu. Theo bản dịch của Viện Ngôn ngữ học, từ giây 00 đến 00:39 có tiếng “sột soạt” và tiếng bước chân, chị Thủy cũng khai bật ghi âm trước khi lên cầu thang. Vậy một loạt câu hỏi đặt ra cần phải giải đáp: Tại sao được hẹn mang thuốc đến quán cà phê Nhà, nhưng chị Thủy không đến đó, mà lại đến thẳng phòng 203 là chỗ ở riêng tư của bác sĩ Phương? Tại sao trước khi lên cầu thang chị Thủy lại phải bật ghi âm, trong khi nhiều lần trước đó chị Thủy đến phòng 203, nhưng không bật ghi âm? Tại sao khi vào phòng 203 được khoảng 3 phút, chị Thủy lại chủ động sờ mó bộ phận sinh dục của bác sĩ Phương, nên bác sĩ Phương mới nói “Thả ra, thả ra. Anh không thích”? Tại sao từ phút thứ 48:30 đến phút thứ 49:00, có dấu hiệu chị Thủy trong tình trạng trần truồng chạy ra ngoài hành lang, lối lên tầng 3 chung cư, la hét, kêu cứu ầm ĩ? Với tình trạng vừa phẫu thuật đang phải đeo nẹp bụng, bác sĩ Phương có khả năng cởi quần áo của chị Thủy ra không? Tại sao bác sĩ Phương có 4 cuộc điện thoại ở các phút: 22:20 - 22:41, 23:13 - 23:41, 30:30 và 41:00 - 41:41, đặc biệt có cuộc điện thoại chị Thủy biết rõ bác sĩ Phương đang nói chuyện với bác sĩ Trang (người cùng đơn vị chăm sóc da), thì chị Thủy chỉ lắng nghe mà không hô lên kêu cứu, nếu cho rằng đang có nguy cơ bị bác sĩ Phương làm nhục?... Tóm lại, rất nhiều câu hỏi cần giải đáp để chứng minh sự thật khách quan, nhưng không được các cơ quan tố tụng của TP Huế thực hiện.
Bị cáo, bác sĩ Lê Quang Huy Phương trong phiên tòa sơ thẩm |
Nhiều căn cứ chứng minh chị Thủy chủ động và bác sĩ Phương không có hứng, hoặc ý đồ quan hệ tình dục với chị Thủy như: “Ngồi bên cạnh ni được này. Anh ngồi bên cạnh được ni, em đồng ý luôn” (chị Thủy nói vào Phút thứ 28:00); phút thứ 34:16 – phút thứ 34:50, thể hiện chị Thủy trong tâm trạng rất thoải mái vì chị Thủy nói: “Dạ đúng rồi. Có phải hai con ốc vít không, hai con ốc vít không (tiếng cười), hay là hơn hai con ốc vít xí…”. Rõ ràng, khi có nguy cơ bị “hiếp dâm”, thì không thể có tâm lí thoải mái như vậy được. Tại khung thời gian từ 01:03:00 đến 01:04:00, chị Thủy vui vẻ nói “Thôi không thích (cười), em muốn nghe anh nói”, tiếng của bác sĩ Phương “Cái biểu hiện răng mà lạ rứa?”, thì tiếng chị Thủy nói “Em không biết… Hiện tại chừ anh có thể đẩy em ra… nhưng em thích, em thích”. Có đoạn thể hiện bác sĩ Phương cảnh cáo chị Thủy, cụ thể ở khung thời gian 01:06:57, bác sĩ Phương nói: “Nhe anh nói này… Rứa em cứ kích thích con trai rứa mà em biết cái tính của họ mà, em không mong muốn anh làm chuyện gì hết, nhưng em cầm vào người rờ rờ vậy á, chỗ nhạy cảm nữa”…
Chỉ qua những hội thoại như trên phản ánh, câu hỏi đặt ra là, bác sĩ Phương có ý định quan hệ tình dục với chị Thủy không, có thực hiện các hành vi tình dục với chị Thủy không? Chắc chắn không. Vậy mà các cơ quan tố tụng ở TP Huế đều bỏ qua, không xét đến, hoặc căn cứ vào bản dịch thiếu sót, không đầy đủ của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và lời khai một phía của chị Thủy, để kết tội bác sĩ Phương “hiếp dâm” chị Thủy, kết án 1 năm 6 tháng tù về tội danh này, là không khách quan, không đủ căn cứ. Về tội danh “Giữ người trái pháp luật”, khẳng định là không có, bởi bác sĩ Phương hẹn mang thuốc đến quán cà phê Nhà, nhưng chị Thủy lại mang lên phòng 203 của bác sĩ Phương, là ý chí của chị Thủy, không hề bị bác sĩ Phương ép buộc, hoặc lừa phỉnh. Khi chị Thủy ra về, thì mọi việc diễn ra bình thường.
Luật sư Đỗ Văn Nhặn đang tranh tụng trước Tòa |
Với tội danh “Cố ý gây thương tích”, mức án tuyên 5 năm tù là quá nặng, không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của bác sĩ Phương. Về căn cứ kết tội bác sĩ Phương “Cố ý gây thương tích”, các cơ quan tố tụng TP Huế dựa vào 2 bản kết luận giám định pháp y, của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bản Kết luận giám định pháp y về tình dục số 409-19/TD ngày 25/9/2019, được xác định vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể, ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT, cụ thể: Giám định khi bệnh nhân đang điều trị; Định tỉ lệ tổn thương cơ thể, dựa trên những thương tích bầm tím, xây xước da nông, mà những thương tích này chắc chắn không để lại sẹo… Do có sai phạm như vậy, nên tại Bản án sơ thẩm số 54/2021/HS-ST ngày 26/3/2021, Hội đồng xét xử không chấp nhận bản kết luận giám định này.
Thế nhưng, bản Kết luận giám định pháp y về cơ thể số 444-19/TgT ngày 5/11/2019, có những sai phạm rất nghiêm trọng khi kết luận tổ thương hai mắt của chị Thủy, lại không được xem xét đến. Văn bản số 16/2020/TTTVGĐDS ngày 21/9/2020 của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự xác định: Kết quả khám mắt ngày 20/9/2019, của Bệnh viện Mắt Huế có những bất thường, khi kết luận mắt phải sưng nề quanh hốc mắt, cương tụ, xuất huyết kết mạc, giác mạc trong, tiền phòng sạch, thủy tinh thể trong, thủy tinh dịch trong, đáy mắt chưa thấy bất thường… mắt trái giác mạc trong, tiền phòng sạch, thủy tinh thể trong, thủy tinh dịch trong, đáy mắt chưa thấy bất thường… Điều này cho thấy chấn thương mắt ở mức độ nhẹ, nên kết luận mắt của chị Thủy, mắt phải 5/10, mắt trái 6/10 là không phù hợp.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm |
Kết quả khám mắt ngày 17/10/2019 mâu thuẫn lớn với các kết quả khám trước đó, khi kết luận “hai mắt vẩn đục nhẹ dịch kính”, trong khi kết quả khám ngày 30/9/2019 và ngày 10/10/2019 đều xác định “mắt phải xuất huyết kết mạc, giác mạc trong, tiền phòng sạch”, kết quả khám ngày 10/10/2019 còn xác định “mắt trái chưa thấy bất thường”. Phân tích cho thấy, mắt của chị Thủy tổn thương ở mức độ nhẹ, không làm chảy máu vào dịch kính (thủy tinh dịch), hai mắt sau chấn thương 4 ngày cho phép loại trừ nguyên nhân dẫn đến vẩn đục dịch kính do chấn thương. Mặt khác, sau chấn thương 30 ngày, hậu quả của chấn thương ngày càng giảm nhẹ đi, nên kết luận tăng nặng là bất hợp lí. Vậy mà, bản Kết luận giám định pháp y về cơ thể số 444-19/TgT lại kết luận thương tích mắt cho chị Thủy đến 31%, hai mắt đều có thị lực 3/10, là không chính xác, thiếu khách quan. Được biết, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (mẹ đẻ bác sĩ Lê Quang Huy Phương) vừa có đơn đề nghị Bộ Y tế vào cuộc làm rõ.
Thừa nhận, bác sĩ Lê Quang Huy Phương có hành vi đánh chị Dương Huỳnh Thu Thủy (do bức xúc), nhưng xem xét tính chất, mức độ phải chính xác, khách quan mới đưa ra phán quyết công tâm, đúng pháp luật. Đề nghị cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét lại vụ án này, mức độ vi phạm tới đâu xử lí tới đó, tránh gây oan sai cho bác sĩ Lê Quang Huy Phương.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ là bản ghi âm và lời khai của “nạn nhân” (Kì 1) Bác sĩ Lê Quang Huy Phương, Trưởng đơn vị chăm sóc da, thuộc Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế bị Viện KSND TP ... |
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ là bản ghi âm và lời khai của “nạn nhân” (Kì 2) Kì trước, chúng tôi đã có bài phản ánh, phân tích bác sĩ Lê Quang Huy Phương không có khả năng và hành vi “hiếp ... |
Sự khác nhau giữa các bản dịch ghi âm và những vi phạm khi xác định tỉ lệ tổn thương Tạp chí Ngày mới Online ngày 1/7/2021 và ngày 2/7/2021 đăng bài: “Vụ bác sĩ Lê Quang Huy Phương ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên ... |