Sự khác nhau giữa các bản dịch ghi âm và những vi phạm khi xác định tỉ lệ tổn thương
Pháp luật - Bạn đọc 12/07/2021 16:18
Cùng một bản ghi âm, có 6 bản dịch nhiều chỗ khác nhau về nội dung
Như đã phản ánh, khi lên phòng 203 của bác sĩ Lê Quang Huy Phương, chị Dương Huỳnh Thu Thủy chủ động bật máy ghi âm, sau đó nộp bản ghi âm này cho Cơ quan điều tra và trở thành chứng cứ chính của vụ án. Thế nhưng, cùng một bản ghi âm, có 6 bản dịch thể hiện quá nhiều khác biệt về nội dung. Các bản dịch ở đây gồm: Biên bản làm việc ngày 24/9/2019 của Cơ quan điều tra; Biên bản làm việc ngày 9/4/2020 giữa Cơ quan điều tra, kiểm sát viên, bị hại và luật sư của bị hại (hai biên bản này trùng khớp một nội dung); Bản dịch kèm theo Kết luận giám định số 6906/C09 (P6) của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; Bản dịch kèm theo Kết luận giám định số 13/2020/TTTV,GĐDS, của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự; Bản dịch kèm theo Kết luận giám định số 8802/C09-P6 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (C09 Bộ Công an); Bản dịch kèm theo Kết luận giám định của Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.
Theo thống kê, có gần 50 chỗ khác nhau giữa các bản dịch, trong đó có những nội dung trái ngược nhau, hoặc có nội dung có lợi cho bị cáo nhưng có bản dịch không dịch đầy đủ. Từ giây 00:00 đến 00:39, bản dịch của Viện Ngôn ngữ học thể hiện, có tiếng “sột soạt” và tiếng bước chân. Điều này phù hợp với lời khai của chị Thủy, bật ghi âm trước khi đi lên cầu thang. Trong khi đó, các bản dịch khác không thể hiện có tiếng bước chân của chị Thủy. Giây thứ 00:44, các bản dịch: Biên bản làm việc ngày 24/9/2019 và ngày 9/4/2020, bản dịch ngày 26/12/2020 của C09 Bộ Công an dịch thiếu và sai câu nói của bác sĩ Phương, thể hiện “Cởi áo ra, ngồi xuống đây đã. Mau, sợ không?”. Trong khi các bản dịch: của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự; của C09, Bộ Công an, dịch bổ sung ngày 21/12/2020; của Viện Ngôn ngữ học thể hiện bác sĩ Phương nói: “Cởi áo khoác ni ra, ngồi xuống đây đã”.
Khoảng phút thứ 02:16, bản dịch lần đầu của C09 Bộ Công an dịch không đầy đủ câu nói của bác sĩ Phương “Để sau ni em đừng bao giờ có ý tưởng … nghe chưa?”. Trong khi các bản dịch: của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự; của C09, Bộ Công an, dịch bổ sung ngày 21/12/2020; của Viện Ngôn ngữ học, dịch khá đầy đủ “Để sau ni em đừng có bao giờ có ý tưởng đó trong đầu nghe chưa?”. Các bản dịch khác lại dịch thành “Để sau ni em đừng bao giờ có ý tưởng lần đầu hết nghe chưa?”. Từ việc dịch sai lời, Cơ quan điều tra mặc định bác sĩ Phương có ý định hiếp dâm chị Thủy, nên trong Biên bản ghi lời khai ngày 3/10/2019, điều tra viên và kiểm sát viên đều hỏi xoáy bác sĩ Phương, yêu cầu giải thích câu “… có ý tưởng lần đầu…”.
Bị cáo Lê Quang Huy Phương tại phiên tòa sơ thẩm |
Phút 04:00, các bản dịch: của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, của Viện Ngôn ngữ học dịch đầy đủ câu nói của bác sĩ Phương “Thả ra, thả ra. Anh không thích”. Bản dịch lần đầu của C09 Bộ Công an dịch không đầy đủ, thể hiện bác sĩ Phương nói “Anh không thích”. Bản dịch bổ sung ngày 21/12/2020 của C09, Bộ Công an đã bổ sung cụm từ “Thả ra…”. Các biên bản làm việc ngày 24/9/2019, ngày 9/4/2020 của Cơ quan điều tra không dịch câu nói của bác sĩ Phương. Do dịch không đầy đủ, Cơ quan điều tra không làm rõ sự thật khách quan, khi chị Thủy vào phòng của bác sĩ Phương khoảng 3 phút, chị Thủy chủ động sờ mó bộ phận sinh dục của bác sĩ Phương, nên bác sĩ Phương mới nói “Thả ra, thả ra. Anh không thích”. Câu nói này cũng thể hiện, ngay từ đầu bác sĩ Phương không hề có ham muốn tình dục với chị Thủy.
Phút 28:00, các bản dịch của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, của Viện Ngôn ngữ học đều thể hiện chị Thủy nói: “Ngồi bên cạnh ni được này. Anh ngồi bên cạnh được ni, em đồng ý luôn”. Trong khi đó, các bản dịch khác lại dịch thiếu câu “em đồng ý luôn” của chị Thủy. Vì vậy, các cơ quan tố tụng không làm rõ ý chí của chị Thủy, muốn mời chào bác sĩ Phương ngồi xuống cạnh mình…
Nói tóm lại, các bản dịch rất nhiều nội dung khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Các bản dịch của cơ quan chức năng bị dịch thiếu nội dung, trong đó nhiều nội dung có lợi cho bác sĩ Phương, thể hiện bác sĩ Phương không hề muốn quan hệ tình dục với chị Thủy. Trong khi đó, nhiều nội dung thể hiện ý chí của chị Thủy, mong muốn bác sĩ Phương quan hệ tình dục với mình, nhưng không được C09, Bộ Công an và Cơ quan điều tra TP Huế dịch ra. Trong khuôn khổ một bài viết, không thể nêu ra hết, nhưng những gì trình bày ở trên đã cho thấy, không có căn cứ để truy tố, kết tội bác sĩ Phương về hành vi “hiếp dâm”, như các cơ quan tố tụng của TP Huế đã làm với bác sĩ Phương.
Văn bản tư vấn của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự |
Trung tâm Tư vấn giám định dân sự khẳng định,
Trung tâm Pháp y Thừa Thiên – Huế vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc
Ngày 6/8/2020, Công ty luật TNHH MTV Tín Đạt có Công văn số 07/LS, kèm theo hồ sơ giám định và hồ sơ bệnh án của chị Dương Huỳnh Thu Thủy gửi Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, đề nghị tư vấn về hai kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Thừa Thiên – Huế. Ngày 21/9/2020, Trung tâm Tư vấn giám định dân sự có Văn bản trả lời số 16/2020/TTTVGĐDS gửi Công ty luật TNHH MTV Tín Đạt. Tại Văn bản này, Trung tâm Tư vấn giám định dân sự khẳng định: “Việc định mức độ tổn thương cơ thể của chị Dương Huỳnh Thu Thủy, tại Bản kết luận giám định pháp y số 409-19/TD ngày 25/9/2019, của Trung tâm Pháp y Thừa Thiên – Huế, là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể, ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT hiện hành vì: - Giám định tỉ lệ tổn thương khi bệnh nhân đang điều trị. - Định tỉ lệ tổn thương cơ thể dựa trên những thương tích bầm tím, xây xước da nông, mà những thương tích này chắc chắn không để lại sẹo. Thông tư số 20/2014/TT-BYT quy định, chỉ được tính tỉ lệ tổn thương cơ thể, nếu thương tích đó để lại sẹo da hoặc đứt gân, cơ. - Không trích dẫn Chương, Phần, Mục theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT, khi áp dụng để định tỉ lệ tổn thương cơ thể cho bị hại. - Bản kết luận giám định pháp y số 409-19/TD đề tên hai giám định viên tiến hành giám định, nhưng chỉ có chữ kí của một giám định viên. Vì những lí do này, Bản kết luận giám định pháp y số 409-19/TD ngày 25/9/2019 không có giá trị pháp lí.
Về kết luận tổn thương mắt, Văn bản số 16/2020/TTTVGĐDS của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự khẳng định: “… Mắt trái chảy máu kết mạc rất nhẹ, nhưng mức độ suy giảm thị lực lại xấp xỉ hoặc bằng mức độ suy giảm thị lực của mắt phải là bất hợp lí, trong khi mắt phải chảy máu kết mạc nặng hơn nhiều…”. Về nguyên tắc của chuyên khoa mắt, văn bản này cho biết, khi thị lực suy giảm, phải tìm ra nguyên nhân phù hợp, là tổn thương một hay nhiều bộ phận trong suốt, nếu không có nguyên nhân khách quan phù hợp, thì kết quả đo thị lực không được tin cậy.
Luật sư Đỗ Văn Nhặn nêu các căn cứ khẳng định kết luận của Trung tâm Pháp y Thừa Thiên – Huế là không khách quan, không đúng sự thật |
Văn bản còn cho biết, kết quả khám mắt ngày 17/10/2019 mâu thuẫn lớn với các kết quả khám trước đó. Kết quả khám mắt ngày 20/9/2019, hai mắt đều trong tình trạng “giác mạc trong, tiền phòng sạch, thủy tinh thể trong, thủy tinh dịch trong, đáy mắt chưa thấy bất thường”, nghĩa là chấn thương ở mức độ nhẹ, không làm chảy máu vào dịch kính (thủy tinh dịch). Tình trạng “thủy tinh dịch trong” ở cả hai mắt sau chấn thương 4 ngày, cho phép loại trừ nguyên nhân vẩn đục dịch kính do chấn thương. Do đó, Trung tâm Pháp y Thừa Thiên Huế kết luận chị Thủy bị chấn thương hai mắt, dẫn đến vẩn đục dịch kính, thị lực mắt phải 3/10, mắt trái 3/10, tổn thương 31%, là không đúng, không khách quan.
Các cơ quan tố tụng thành phố Huế đã căn cứ vào kết luận giám định không khách quan, trái pháp luật của Trung tâm Pháp y Thừa Thiên Huế, để khởi tố, truy tố, kết án bác sĩ Phương 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, là thiếu khách quan, quá nặng. Thiết nghĩ, cần phải giám định lại để làm căn cứ giải quyết vụ án. Với những phản ánh nêu trên, rất mong TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét lại vụ án một cách công tâm, đúng pháp luật, cần thiết phải hủy án để điều tra lại, tránh truy tố oan, sai đối với bác sĩ Lê Quang Huy Phương.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ là bản ghi âm và lời khai của “nạn nhân” (Kì 1) Bác sĩ Lê Quang Huy Phương, Trưởng đơn vị chăm sóc da, thuộc Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế bị Viện KSND TP ... |
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ là bản ghi âm và lời khai của “nạn nhân” (Kì 2) Kì trước, chúng tôi đã có bài phản ánh, phân tích bác sĩ Lê Quang Huy Phương không có khả năng và hành vi “hiếp ... |