Khuyến khích tinh thần tự học
Giáo dục 21/11/2024 09:35
Tự học không phải là không cần đến sự giảng dạy, giáo dục của cha mẹ, thầy cô hay bất kì ai. Tự học trước hết là tinh thần biết chủ động, tiếp thu có chọn lọc những tri thức được dạy ở người học. Tự học còn là ý muốn tự tìm tòi, khám phá để mở rộng, tăng thêm sự hiểu biết ngoài kiến thức được dạy, hoặc ngoài những kiến thức đã biết của người học. Nói như vậy, tự học nghĩa là từ nhu cầu cho đến hành động phải xuất phát từ bên trong người học, do người học thực hiện. Người ta vẫn thường nói: Biển học vô bờ. Đã thế, ngoài kiến thức trong sách vở được học từ các trường lớp thì người học còn cần phải có những trải nghiệm từ thực tế, tự đúc rút ra những bài học cho bản thân. Trong khi đó, không phải ai và lúc nào cũng có thể được đến trường lớp để học, và cũng hiếm có ai dành thời gian cả đời cho việc đến trường lớp để học. Vì vậy, chỉ có con đường tự học mới giúp mỗi người được học tập suốt đời, mới có thể không ngừng mở mang hiểu biết, có kiến văn sâu rộng từ lí thuyết đến thực hành, từ trong sách vở đến thực tế ngoài đời sống.
Người có tinh thần tự học dĩ nhiên sẽ thấy việc học là niềm vui, là cần thiết, mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Người có tinh thần tự học không chỉ có khả năng khắc ghi kiến thức một cách sâu sắc, lâu bền hơn mà còn sớm hình thành được những kĩ năng thực hành, sự vận dụng lí thuyết vào hoạt động thực tiễn một cách thường xuyên, kịp thời. Có được tinh thần tự học, mỗi người cũng sẽ trở nên chủ động, năng động, tự tin, sáng tạo hơn khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Bởi vậy, người có tinh thần tự học sẽ dễ và sớm hiện thực hóa được ước mơ, mục tiêu của mình trong cuộc đời!
Tinh thần tự học ở mỗi người không phải tự nhiên mà có, phần lớn đó vẫn là kết quả có được từ cách giáo dục của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Muốn mỗi người có tinh thần tự học, thì từ gia đình cho đến trường học, xã hội phải giáo dục con người sống có ước mơ, lí tưởng cao đẹp. Từ nhỏ, trẻ phải được giáo dục nhận thức đúng đắn về mục đích học tập trước hết là cho bản thân, vì bản thân, và khi bản thân có trở nên tốt đẹp thì mới có thể thực hiện được những trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn, cao cả hơn. Mỗi người, nhất là cha mẹ, thầy cô phải thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, chuyên môn, về tinh thần tự học; cần sử dụng những phương pháp giáo dục, giảng dạy tích cực nhằm kích thích trí tò mò, hứng thú tự khám phá những điều mới lạ, óc sáng tạo ở người học; cần có những hình thức khuyến học phù hợp, kịp thời; thực hiện công bằng, trung thực trong đánh giá, xếp loại người học;… Làm được những điều đó mới có thể biến việc học trở thành nhu cầu tự thân, phát huy được tối đa nội lực của người học.
Đã có nhiều tấm gương sáng về tinh thần tự học như Mạc Đĩnh Chi, Hồ Chí Minh. Cũng có người tự học để vượt lên nghịch cảnh của bản thân như Nick Vujicic; hay tự học để có thể tạo ra những máy móc, vật dụng hữu ích trong lao động, sản xuất hằng ngày như một số nông dân đã làm. Ngược lại, nhiều người có đầy đủ điều kiện nhưng lại không muốn đi học hoặc học một cách bị động, đối phó; người lại tự mãn, cho việc học, sự hiểu biết của mình như thế đã là quá đủ… Thực tế cho thấy để làm được bất cứ điều gì, chúng ta đều phải học; học tập là việc làm suốt đời và người có tinh thần tự học mới trở nên vững vàng, đủ sức tỏa sáng!