Rộn rã khi về Cao Phong - xã NTM nâng cao

Đời sống 01/06/2023 10:24
Sư Tuệ là một cán bộ lão thành cách mạng tài ba, giàu nghị lực, kiên cường, quả cảm. Hoạt động trong thời kì đen tối, ông cùng nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Bình và các đồng chí Hải Thanh, Trần Cung, Nguyễn Văn Đài... họp bàn, tổ chức và thành lập Chiến khu Đông Triều (còn có tên gọi Đệ Tứ chiến khu hay Chiến khu Trần Hưng Đạo) đi theo con đường khởi nghĩa vũ trang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra.
Thuở niên thiếu, Nguyễn Kiên Tranh trốn nhà đi làm thợ sắp chữ, rồi tham gia quyên tiền ủng hộ cuộc bãi công nhà máy sợi Nam Định nên bị mật thám bắt tù giam 18 tháng. Ra tù, ông làm đủ nghề, sau đó đi tu, làm sư bác ở chùa An Nông (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chùa Nứa (chùa Đông Phan). Ông mang danh Sư Tuệ từ chùa Phương Mỹ (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) do mượn thẻ của ông sư Tuệ ở chùa Đông Phan, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Thời kì này, ông viết kịch, làm thơ, rồi về trụ trì chùa Vạn Tuế (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Năm 1936, ông tham gia vận động cách mạng, nuôi chí đánh Tây, làm nhiều việc thiện, việc nghĩa, tuyên truyền về tự do - bình đẳng - bác ái.
![]() |
Sư Tuệ và vợ là Lê Thanh Nhuần, hai cán bộ cách mạng Chiến khu Đông Triều. |
Từ 1938 đến cuối 1944, ông nhiều lần bị địch bắt và được trả tự do, quay về vùng Đông Bắc tiếp tục hoạt động cùng Nguyễn Bình, Hùng Phong, Đỗ Duy Phúc (Một Lộc), Vũ Đình Thiệp... họp bàn thế trận, quyết định thành lập Đội du kích cách mạng đầu tiên vào ngày 20/4/1945 tại làng Hổ Lao. Tiếp đó, cùng đồng chí Vũ Đình Thiệp, Nguyễn Xuân Dung, Lê Thanh Nhuần, Nguyễn Thị Lũy, Lê Kim Thiều... thành lập hơn 50 Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời khắp các thôn, xã. Ngày 15/8/1945, tại sân vận động Đông Triều diễn ra cuộc mít tinh lớn, Sư Tuệ tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng huyện Đông Triều.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Sư Tuệ làm Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh huyện Kinh Môn (Hải Dương). Huyện ủy Kinh Môn đứng ra làm lễ thành hôn cho Sư Tuệ với Lê Thanh Nhuần, một hoa khôi du kích, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc, Tiểu đội trưởng cứu thương của chiến khu.
Ngày 8/6/1945, ông và các đồng chí của mình trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở huyện Đông Triều, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của cả nước giành chính quyền từ tay Nhật, gây tiếng vang lớn, tạo tiền đề tiến tới giải phóng toàn bộ Khu Đông Bắc và vùng duyên hải Bắc Bộ. Cùng giai đoạn này, Sư Tuệ, Nguyễn Bình và các đồng chí ra sức tuyên truyền vận động Nhân dân, một số nhà sư, thanh niên yêu nước thành lập Du kích cách mạng, Đội Ký Con, Đội Thủy quân Bạch Đằng (tiền thân của Hải quân cách mạng Việt Nam), dùng binh vận lấy Kinh Môn (Hải Dương), chiếm phủ Thủy Nguyên (Hải Phòng) rồi mở rộng đấu tranh giành chính quyền, giải phóng vùng Đông Bắc trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra. Sự ra đời Chiến khu Đông Triều mãi mãi là mốc son rực rỡ trong trang sử vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh và cả vùng Đông Bắc.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ - Sư Tuệ (người ngồi) tại Chiến khu Đông Triều, tháng 6-1945. Ảnh tư liệu của gia đình bà Kim Tuyên (con gái đồng chí Nguyễn Văn Tuệ) |
Trong công tác dân vận, binh vận, Sư Tuệ đi vận động các tầng lớp Nhân dân vùng lên đấu tranh chống Nhật, diệt phỉ và Việt gian bán nước, phá kho thóc chia cho người nghèo, vận động quyên góp tiền, thóc gạo nuôi quân và thu vũ khí của địch, lập công binh xưởng sản xuất vũ khí thô sơ cho quân ta chiến đấu. Ngoài tài năng về tổ chức, vận động, xây dựng lực lượng cách mạng, Sư Tuệ còn đặc biệt có tài sáng tác, ứng biến thơ ca, chinh phục lòng người, đối đáp bằng thơ với kẻ thù, bọn Việt gian khuất phục, quy hàng. Sau khi thành lập Đội du kích cách mạng, Sư Tuệ sáng tác “Quân ca” phỏng theo bài “Cùng nhau đi hồng binh”, phổ biến cho du kích.
Cuối năm 1946, sau khi ở tù về vì bị kẻ xấu tố cáo, gia đình ông tản cư về xã Toàn Thắng (nay là xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) vừa tăng gia sản xuất, vừa làm nghề cắt tóc dạo, hàn nồi. Tại đây, ông gặp nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Ngô Tất Tố... cùng tản cư. Từ đây, cụ và nhà thơ Tú Mỡ là một cặp đôi xướng họa thơ rất ăn ý trong suốt những năm tháng hai cụ còn sống.
Đến năm 1960, các đồng chí Trần Huy Liệu, Hà Kế Tấn, Nguyễn Đức Thắng, Văn Tân, Trần Quyết, Hải Thanh là các bạn tù chính trị với Sư Tuệ biết rõ cảnh ngộ và nỗi oan của cụ liền viết tâm thư gửi lên đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Cụ liền được xem xét, phục hồi danh dự, được vào làm việc tại Sở Văn hóa Hà Nội.
Vậy là, sau 15 năm “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, Sư Tuệ được giải oan. Cụ được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến. Ngày 10/11/1965, cụ được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam khi đã 55 tuổi; được Bộ Thủy lợi cấp đất làm nhà bên công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Năm 1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày chiếc áo cà sa của Sư Tuệ (nay trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) có một phố mang tên Sư Tuệ. Chùa Bắc Mã, nơi Sư Tuệ đặt làm trụ sở thời kì bí mật trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia, là dấu ấn sâu sắc nhất cuộc đời cụ.
Trong khoảng 60 năm (1935 - 1996) trước khi qua đời (1997), cụ vẫn đều đặn làm thơ và để lại một di sản văn học với hơn 11.000 bài thơ, văn, phú, kịch, xướng họa, câu đối, trong đó có nhiều bài thơ Hán Nôm, dịch thơ Hán Nôm,...
Trong tập “Thơ Sư Tuệ”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành 2023, các con ông chọn giới thiệu khoảng 300 bài, chia làm 4 phần. Nhân dịp kỉ niệm 78 năm Ngày thành lập Chiến khu Đông Triều (8/6/1945 - 8/6/2023), sự ra đời tập “Thơ Sư Tuệ” là một kì tích đối với gia đình, một món quà vô giá dành cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, các lực lượng vũ trang vùng Đông Bắc nói chung, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều nói riêng...