Sự “im lặng” đáng sợ (!?)
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2021 09:09
Theo người dân địa phương, không dừng ở những sai phạm đã nêu trong bài báo, mà một số cán bộ ở đây tiếp tục được “phát lộ” thêm nhiều sai phạm. Ban lãnh đạo thôn, Bí thư Chi bộ Bạch Thị Lan và Trưởng thôn Nguyễn Xuân Cơ không tổ chức họp dân, đã “tự tung, tự tác” thu tiền sử dụng đất dôi dư tại 3 dự án: Dự án đường HL4, Dự án đường 276, kênh tiêu Nội Duệ, Dự án đất dân cư dịch vụ 6,6 ha ở cửa Tây, Ao Vối và tiền bồi thường đất ruộng ở các dự án khác, với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng, nhưng không chi trả cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Câu hỏi đặt ra là số tiền này hiện nay ở đâu? Liệu có lặng lẽ “đội nón ra đi”, còn dân mất đất thì trắng tay?.
Chưa hết, các cán bộ thôn còn khuất tất trong việc tự ý lập hồ sơ đền bù thu hồi đất khu chợ thuộc Khu dân cư trong thôn, diện tích trên 2.000m2, nhưng thu chi ra sao thì người dân đâu có biết?
Chợ dân sinh thôn Duệ Đông đầu tư bạc tỉ xây dựng xong, nhưng nay “hoang vắng”. (Ảnh chụp ngày 23/9/2021). |
Từ năm 2013 đến năm 2018, nhiều chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng của thôn gồm: Cổng làng, ba nhà hiếu, nhà chứa quan họ, chợ dân sinh,… tự thu hồi đất, tự giải tỏa đền bù, chợ làm xong hiện đang bỏ hoang. Thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Cơ, Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng thôn là người chủ trì. Bất cần hồ sơ thiết kế kĩ thuật, dự toán, phê duyệt của cấp có thẩm quyền, một số hạng mục đã phải phá dỡ làm lại. Điển hình là cổng làng xây dựng vi phạm hành lang giao thông phải phá đi, làm lại, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Thực tế chi phí bao nhiêu, người dân không được biết, bởi vai trò giám sát cộng đồng ở Duệ Đông là không có cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Một số diện tích đất ruộng thu hồi trước năm 2009, được trả lại 10% đất dịch vụ, số diện tích đất này cũng “ đội nón” ra đi, người dân đành chịu, không được biết (!?).
Ngay cả tiền quỹ, Ban lãnh đạo thôn cũng sử dụng hết sức tùy tiện. Bà Bạch Thị Sang, làm kế toán 30 năm, thuộc diện hiếm có, khi nghỉ chuyển giao cho Trưởng thôn Nguyễn Văn Lâm số tiền tới 9 tỉ đồng. Cộng với các khoản thu khác, tổng số tiền quỹ thôn có hơn 10 tỉ đồng. Trừ số tiền đầu tư vào các công trình xây dựng hạ tầng, vốn đối ứng,.. tiền quỹ thôn được thông báo còn lại hơn 3 tỉ đồng, còn số tiền đi đâu, dùng vào việc gì, người dân không được biết? Do vậỵ, suốt từ năm 2018 đến nay việc bàn giao Trưởng thôn cũ và mới vẫn chưa xong, bởi thu chi trước đó không minh bạch. Ban lãnh đạo thôn Duệ Đông còn “làm phúc” cho một số doanh nghiệp, bằng cách mang tiền quỹ của dân cho vay(!) như: Công ty Bình Phương vay 1,1 tỉ đồng, công ty Vạn Xuân vay 770 triệu đồng. Cơ chế vay, trả thế nào người dân cũng không hay biết(!?).
Có thể nói, sai phạm trong quản lí đất đai, tài chính ở thôn Duệ Đông có tính hệ thống, kéo dài nhiều năm, bị người dân tố cáo liên tục lên các cấp chính quyền, nhưng không rõ vì lí do gì mà chậm được xem xét, xử lí. Mặc dù UBND thị trấn Lim, UBND huyện Tiên Du đã có kết luận bằng văn bản, nhưng kết luận rồi tình hình vẫn “lặng im”, liệu có “ma lực nào cản ngăn” để rồi làm cho qua chuyện? Người dân tiếp tục gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng vẫn vô vọng (?) Họ chỉ còn biết “ngửa mặt kêu trời”!.
Phải chăng số cán bộ lãnh đạo thôn Duệ Đông đang thách thức người dân trong thôn, thách thức dư luận? Nguy hiểm hơn, vừa qua, một số cán bộ, đảng viên tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đã bị một số phần tử xấu phản ứng “ném đá”, rải tờ rơi xuyên tạc, bôi nhọ, hành xử côn đồ theo kiểu “xã hội đen”…
Chiều 30/9/2021, phóng viên làm việc với Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Cơ và Trưởng thôn Nguyễn Văn Hoan (hai nhân vật chính trong các vụ sai phạm) tại trụ sở thôn Duệ Đông. Khi được hỏi về những vụ việc người dân tố cáo và báo chí phản ánh, ông Cơ và ông Hoan “vô tư” trả lời gọn lỏn: “Chẳng có chuyện gì, chẳng qua là sự bịa đặt”. Báo chí bịa đặt, tại sao các ông không phản ứng lại báo chí? Chuyện đình đám là vậy mà các ông tảng lờ chuyển sang chuyện làng, chuyện xóm? Tại sao các ông không dám đối thoại với người dân và trả lời cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí năm 2016? Liệu có sự “bảo kê” nào cho những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo thôn Duệ Đông, hay do “ma lực” của đồng tiền, để rồi bất chấp kỉ cương, pháp luật dẫn đến “quá mù ra mưa”?!.
Thiết nghĩ, cần phải có loại “vaccine” chống tham nhũng, tiêu cực cực mạnh mới giải quyết được căn bệnh “trầm kha” về quản lí đất đai, tài chính ở thôn Duệ Đông, thị trấn Lim.