Sao “quên” quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp người cao tuổi?
Pháp luật - Bạn đọc 30/06/2023 08:52
Tài sản hợp pháp của 2 DN tạo dựng trong gần 20 năm
Ông Nguyễn Văn Tiến, sinh 1955, chủ DNTN Tiến Thành và bà Thái Thị Kim Lanh, sinh 1963, chủ DNTN Hồng Lập, phản ánh: Năm 2003, UBND tỉnh Kiên Giang cho DNTN Tiến Thành thuê diện tích đất 478.250m2 và DNTN Hồng Lập thuê diện tích đất 480.497m2 đất tại ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương để trồng tràm, nuôi cá nước ngọt; 2 DN liền kề nhau.
Lúc đầu, 2 DN nhận đất đất hoang, sau đó lên bờ bao khu đất và lên liếp. Đặc điểm của khu đất này là nằm trong vùng lõi không có đường vào, nên 2 DNTN Tiến Thành và Hồng Lập có Tờ trình ngày 20/8/2003, về việc xin đường dẫn nước và thoát nước cho trang trại, gửi UBND huyện Kiên Lương; Phòng Nông lâm ngư nghiệp huyện Kiên Lương; UBND xã Phú Mỹ, với nội dung: “DNTN Tiến Thành và DNTN Hồng Lập được các cấp cho thuê đất để trồng tràm và nuôi cá tại khu vực ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương cách kênh HT6 500m nên cần có kênh dẫn nước và thoát nước. Nay, 2 DN chúng tôi lập tờ trình này gửi đến qúy cấp xem xét cho chúng tôi được sử dụng hai lô đất còn trống nằm trong khu quy hoạch cấp cho dân (dài khoảng 500m, rộng khoảng 40m, giáp kênh HT6 như nêu trên) để đào hai kênh tháo và dẫn nước, phục vụ cho sản xuất của hai trang trại chúng tôi. Qua tờ trình này kính mong qúy cấp xem xét giúp cho chúng tôi có được hai phần đất để đào kênh nói trên”.
Vì bị múc ngang phần diện tích đất con đường đi, nên chủ DNTN Hồng Lập buộc phải cho bắc cầu cây để đi tạm. |
Ngày 25/8/2003, UBND xã Phú Mỹ kí: “Chấp thuận cho 2 DNTN Tiến Thành và Hồng Lập đào kênh dẫn nước vào để tiến hành đầu tư sản xuất, nhưng 2 DN trên chỉ được phép sử dụng đường kênh dẫn nước để sản xuất chứ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đường kênh sử dụng vào mục đích công cộng. Kính chuyển Phòng Địa chính huyện và UBND huyện xem xét giải quyết”.
Ngày 28/8/2003, Phòng Địa chính - Giao thông - Công nghiệp huyện Kiên Lương kí chứng chuyển: “DNTN Tiến Thành và Hồng Lập có thuê đất trồng tràm và nuôi cá tại khu vực ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ do không có đường dẫn nước để canh tác. Kính chuyển UBND huyện Kiên Lương xem xét, giải quyết”.
Ngày 29/8/2003, UBND huyện Kiên Lương “Chấp thuận ý kiến phê duyệt của UBND xã Phú Mỹ”.
Được chấp thuận, 2 DN tiển hành múc đất làm kênh, phần đất múc để lên bờ tạo thành 2 đường đi riêng, nay là con lộ lớn để xe cơ giới chạy ra vào DN, đã được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ghi nhận vào biên bản (lần 1) tháng 8/2014 và đã điều chỉnh trên sơ đồ vị trí tổng thể; Thanh Tra Sở TN&MT ghi nhận (lần 2) tháng 3/2021 là đường đi công cộng.
Khi có đường dẫn nước, đường đi, 2 DN lên bờ bao, lên liếp, cất trang trại, đầu tư đầy đủ các phương tiện, tập trung trồng tràm và chăm sóc tràm, trong hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn mọi mặt và tốn rất nhiều kinh phí đầu tư. Có thể thấy, đây là những tài sản hợp pháp của 2 DN tạo dựng trong gần 20 năm qua cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Bộ và tỉnh đồng thuận công nhận tài sản hợp pháp của 2 DN
Theo Báo cáo số: 354/BC-STNMT ngày 21/10/2021, của Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang: Đối với kiến nghị xem xét việc sử dụng đất của DNTN Tiến Thành và Hồng Lập: DNTN Tiến Thành và DNTN Hồng Lập được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án trồng tràm nuôi cá đồng từ năm 2003; đến năm 2019 qua kết quả thanh tra, UBND tỉnh ra các Quyết định số 590, 591/QĐ-UBND ngày 14/3/2019 thu hồi đất của 2 DN trên (DNTN Tiến Thành diện tích 478.250, 5m2 - thực tế 553.502m2”, DNTN Hồng Lập diện tích 480.497m2 - thực tế 558.494m2), sau đó ông Nguyễn Văn Tiến (chủ DNTN Tiến Thành) khiếu nại (riêng DNTN Hồng Lập không khiếu nại).
Vụ việc được Bộ TN&MT rà soát và có ý kiến tại Văn bản số: 5550/BTNMT-TTr ngày 6/10/2020. Theo đó, Bộ TN&MT kiến nghị UBND tỉnh thu hồi Quyết định số: 590/QĐ-UBND ngày 14/3/2019 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất đối với DNTN Tiến Thành; trường hợp phải thu hồi đất của DN Tiến Thành để thực hiện dự án thì thực hiện việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; việc xử lí đối với DNTN Hồng Lập thực hiện tương tự như DNTN Tiến Thành.
Thực hiện văn bản trên, ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số: 933, 934/QĐ-UBND, thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 590, 591/QĐ-UBND ngày 14/3/2019 về việc thu hồi đất đối với DNTN Tiến Thành và Hồng Lập. Hiện nay, quyết định thu hồi đất của 2 DN đã bị hủy bỏ, 2 DN được tiếp tục sử dụng đất theo dự án đầu tư ban đầu, việc sử dụng đất của 2 DN là đủ điều kiện để xem xét bồi thường tài sản trên đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, không bồi thường về đất theo Khoản 1, Điều 76, Điều 88 của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, đối với việc thực hiện quy hoạch Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, UBND huyện Giang Thành xem xét về nhu cầu sử dụng đất của dự án, trường hợp thật sự cần thiết thu hồi đất của 2 DN thì lập thủ tục thu hồi đất và xem xét bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
Từ cơ sở trên, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang kiến nghị UBND tỉnh giải quyết như sau: “Đối với DNTN Tiến Thành và DNTN Hồng Lập, giao UBND huyện Giang Thành rà soát lại nhu cầu sử dụng đất của Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, trường hợp thật sự cần thiết thu hồi đất của 2 DN để thực hiện dự án, thì chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các ngành có liên quan lập thủ tục trình UBND tỉnh xem xét thu hồi đất; việc thu hồi có xem xét bồi thường tài sản trên đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, không bồi thường đất cho 2 DN theo Khoản 1, Điều 76, Điều 88 của Luật Đất đai năm 2013. Trong thời gian chưa thu hồi đất của 2 DN, UBND huyện Giang Thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Phú Mỹ và Ban Quản lí Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ giám sát việc sử dụng đất của 2 DN, trường hợp phát hiện sử dụng đất không đúng mục đích dự án (trồng tràm; nuôi cá đồng) thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét xử lí đúng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Có thể thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Kiên Giang cùng nêu: Quyết định thu hồi đất của 2 DN đã bị hủy bỏ; 2 DN được tiếp tục sử dụng đất theo dự án đầu tư ban đầu; việc sử dụng đất của 2 DN là đủ điều kiện để xem xét bồi thường tài sản trên đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, không bồi thường về đất theo Khoản 1, Điều 76, Điều 88 của Luật Đất đai năm 2013. Thực tế này thể hiện Bộ và tỉnh đồng thuận công nhận tài sản hợp pháp của 2 DN trên đất của 2 DN đang sử dụng. Thế nhưng, UBND huyện Giang Thành lại có quan điểm khác...
Bất cập từ việc UBND huyện Giang Thành trả lời đơn
Cuối năm 2022, có một số người đo đường đi vào 2 DN, rồi đưa máy cuốc vào múc đứt hai con đường đi nói trên, nói là để thi công công trình đê bao khu bảo tồn, khiến không thể ra vào DN bằng xe được nữa. Hai DN yêu cầu đắp trả lại con đường đi như cũ; và trong lúc chờ sự việc được giải quyết, bà Lanh, chủ DNTN Hồng Lập cho bắc cầu bằng cây để đi tạm. Nhưng chiếc máy cuốc trở lại phá dỡ cầu cây; và ngày hôm sau (22/12/2022) UBND huyện Giang Thành mời đại diện 2 DN ra xã Phú Mỹ làm việc. Tại buổi làm việc, Giám đốc khu bảo tồn chủ trì buổi làm việc, cho lập biên bản yêu cầu hai DN không được cản trở việc thi công công trình, tự làm cầu đi tạm.
Tờ trình xin đường dẫn nước và thoát nước cho trang trại. |
Cho rằng đây là việc làm không đúng, ngày 1/12023, bà Lanh có đơn phản ánh, kiến nghị gửi UBND huyện Giang Thành nhờ can thiệp. Ngày 21/2/2023, Giám đốc Công ty Khu Bảo Tồn mời 2 DN làm việc, 2 DN có cung cấp giấy tờ đầy đủ và có yêu cầu trả lại hiện trạng đường đi cũ cho DN.
UBND huyện Giang Thành có Văn bản số: 57/UBND-BQLLSCPM ngày 24/2/2023, trả lời đơn của bà Lanh: “Nội dung đơn: Việc thi công công trình Đê bao và cống đập giữ nước thuộc khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đã múc đê bao đứt ngang lối đi vào DN của bà mà không thông báo cho biết trước làm gây ảnh hưởng đến việc quản lí, sử dụng đất trồng tràm của DN, do đó bà yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét bắc cầu đi lại, vận chuyển phương tiện vào DN.
Qua kết quả thẩm tra, xác minh và thu thập các giấy tờ có liên quan đến việc yêu cầu của bà Thái Thị Kim Lanh (chủ DN Hồng Lập), UBND huyện Giang Thành trả lời cho bà Lanh cụ thể như sau: Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện tổ chức thi công công trình Đê bao và cống đập giữ nước thuộc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ được 14,2km/19km, trước và trong khi thực hiện thi công, huyện đã phê duyệt Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và tuyên truyền rộng rãi cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tại thời điểm thi công công trình đê bao có múc ngang phần diện tích đất (chiều ngang 7m x dài 9m = 63m2 giáp đường kênh HT6) do DN tự tạo lối đi dẫn vào khu đất mà DN thuê trồng tràm. Diện tích đất trên là của Ban Quản lí Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ được UBND tỉnh Kiên Giang giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CV 86140 ngày 19/5/2020.
Do đó, việc bà Thái Thị Kim Lanh (chủ DN Hồng Lập) phản ánh là chưa đúng và yêu cầu của bà là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Tuy nhiên DN cần tạo lối đi vào để phục vụ cho việc sản xuất thì phải trao đổi thống nhất với Ban Quản lí Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ và phải có văn bản cụ thể, nói rõ phương án, cách thức thực hiện trình đến UBND huyện để được xem xét. UBND huyện Giang Thành trả lời cho bà Thái Thị Kim Lanh được biết”.
Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ và thực tế phản ánh trên đây, cho thấy có nhiều dấu hiệu bất cập trong nội dung trả lời của UBND huyện Giang Thành.
Một, thừa nhận việc thi công công trình đê bao có múc ngang phần diện tích đất (chiều ngang 7m x dài 9m = 63m2 giáp đường kênh HT6) do DN tự tạo lối đi dẫn vào khu đất mà DN thuê trồng tràm. Sao UBND huyện Giang Thành không nói gì đến “phần diện tích đất (chiều ngang 7m x dài 9m = 63m2 giáp đường kênh HT6) do DN tự tạo lối đi”, đã được hình thành do 2 DN tự đầu tư thực hiện theo đúng như UBND huyện Kiên Lương “chấp thuận ý kiến phê duyệt của UBND xã Phú Mỹ”ngày 29/8/2003?
Hai, tài sản (tiền, công sức của 2 DN đầu tư làm kênh, làm đường đi) trên phần diện tích đất (chiều ngang 7m x dài 9m = 63m2 giáp đường kênh HT6), đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Kiên Giang cùng khẳng định: “2 DN được tiếp tục sử dụng đất theo dự án đầu tư ban đầu; 2 DN là đủ điều kiện để xem xét bồi thường tài sản trên đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại”. Nhưng nay, làm đường đi trên đã bị ngang nhiên phá hại. Vậy lấy cơ sở nào để “xem xét bồi thường tài sản trên đất, chi phí đầu tư vào đất” khi Nhà nước thu hồi đất của 2 DN đang sử dụng? UBND huyện Giang Thành biết rõ quan điểm trên đây của Bộ và tỉnh đối với tài sản trên đất của 2 DN, nhưng lại không xem xét để có kết luận đúng về hành vi thể hiện dấu hiệu xâm hại tài sản hợp pháp của 2 DN? Mà UBND huyện Giang Thành có văn bản trả lời: “Việc bà Thái Thị Kim Lanh (chủ DN Hồng Lập) phản ánh là chưa đúng và yêu cầu của bà là không có cơ sở để xem xét giải quyết”?
Ba, 2 DN đã cung cấp đầy đủ giấy tờ (trong đó có Tờ trình có nội dung chấp thuận của UBND huyện cho 2 DN làm kênh, tạo đường đi để phục vụ cho việc sản xuất) và việc làm đường đi để phục vụ cho việc sản xuất đã được 2 DN thực hiện hoàn tất từ năm 2003. Sao nay UBND huyện Giang Thành lại có quan điểm: “DN cần tạo lối đi vào để phục vụ cho việc sản xuất thì phải trao đổi thống nhất với Ban Quản lí Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ và phải có văn bản cụ thể, nói rõ phương án, cách thức thực hiện trình đến UBND huyện để được xem xét”?
Bốn, căn cứ hồ sơ, UBND huyện Giang Thành biết: Việc thi công công trình đê bao có múc ngang phần diện tích đất (chiều ngang 7m x dài 9m = 63m2 giáp đường kênh HT6) do DN tự tạo lối đi dẫn vào khu đất mà DN thuê trồng tràm, chính là “múc ngang phần diện tích đất” của “Đường kênh sử dụng vào mục đích công cộng”; biết, UBND tỉnh ra Quyết định số: 933, 934/QĐ-UBND ngày 8/4/2021 nói trên, khẳng định:“2 DN được tiếp tục sử dụng đất theo dự án đầu tư ban đầu”; và biết không có quyết định thu hồi đất của 2 DN đang quản lí, sử dụng hợp pháp, mà đất này đang bị xâm hại, sao lại không có biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại này, mà cho là “DN phản ánh không đúng?!
Văn bản số 57/UBND-BQLLSCPM ngày 24/2/2023 của UBND huyện Giang Thành trả lời đơn của bà Thái Thị Kim Lanh, chủ DNTN Hồng Lập. |
Nguyện vọng của chủ DN cao tuổi
Chủ DNTN Tiến Thành là ông Nguyễn Văn Tiến, sinh 1955 và chủ DNTN Hồng Lập là bà Thái Thị Kim Lanh, sinh 1963, cùng lên tiếng: DNTN Tiến Thành và DNTN Hồng Lập hoạt động từ năm 2003, trong khi khu bảo tồn mới được UBND tỉnh cấp giấy năm 2020. Việc khu bảo tồn phá bỏ hai con đường đi vào DN mà không thông báo cho chúng tôi là không hợp lí (không muốn nói là không hợp pháp); chúng tôi yêu cầu khắc phục trả lại đường đi cho DN còn hoạt động hơn 30 năm nữa.
Vừa qua có xảy ra việc cháy rừng của 2 DN. Nguyên nhân bị cháy là do khu bảo tồn để nước trong khu vực bị khô cạn nên rừng tràm của khu bảo tồn cháy rồi lan qua rừng 2 DN, đề nghị nhanh chóng khắc phục để khu vực có đủ lượng nước tránh cháy rừng tiếp tục, bảo vệ 50% cây tràm còn lại.
Xin nói rõ thêm: Năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, 2 DN Tiến Thành và Hồng Lập có hơn 1.000 công tràm xanh nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn này. Năm 2021, khu bảo tồn bắt đầu hoạt động, trước khi hoạt động Khu bảo tồn đã biết UBND tỉnh hủy bỏ quyết định thu hồi đất của 2 DN và 2 DN được sử dụng đất theo dự án đầu tư ban đầu; đầu tiên múc đê bao vòng quanh, do vướng các hộ dân nên việc đắp đê bao kéo dài chưa giữ được nước mà còn làm khu vực khu bảo tồn khô cạn, nguy cơ cháy rừng rất lớn, nhất là vào mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 4 khô hạn. Kế tiếp, việc cắt đứt hai con đường xe vào 2 DN, gây rất nhiều khó khăn đời sống sinh hoạt của chúng tôi. Là DN thì phải thuận tiện công nhân ra vào làm việc, kể cả việc khai thác tràm, rồi không chở tràm ra được, đặc biệt là khi có cháy rừng thì xe chữa cháy không vào tới nơi để dập lửa được.
Biết được sự đe dọa đó, 2 DN rất lo lắng, hoang mang sợ sẽ ảnh hưởng tài sản nên từ đầu năm 2023, 2 DN đã yêu cầu sự quan tâm của các cấp và đã lường trước những hậu quả hôm nay nhưng vẫn không tránh được.
“Doanh nghiệp Tiến Thành và doanh nghiệp Hồng Lập đã hoạt động từ năm 2003, trong khi khu bảo tồn mới được UBND tỉnh cấp giấy năm 2020. Việc khu bảo tồn phá bỏ hai con đường vào doanh nghiệp mà không thông báo cho chúng tôi là không hợp lí, yêu cầu khắc phục làm lại cho chúng tôi vì doanh nghiệp còn hoạt động hơn 30 năm nữa. Nguyên nhân hai doanh nghiệp bị cháy là do khu bảo tồn để nước trong khu vực bị khô cạn nên rừng tràm của khu bảo tồn cháy rồi lan qua hai doanh nghiệp, đề nghị nhanh chóng khắc phục để khu vực có đủ lượng nước tránh cháy rừng tiếp tục, bảo vệ 50% tràm còn lại.Hậu quả cháy 2 doanh nghiệp là do khu bảo tồn không còn nước để chữa cháy, phương tiện đường thủy không vô được, còn đường bộ xe không chạy vô doanh nghiệp được nên cũng không đưa phương tiện chữa cháy kịp thời cho chúng tôi. Kết quả rừng tràm của khu bảo tồn cháy lan qua làm tổn thất 50% tràm của 2 doanh nghiệp, đề nghị khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp”, chủ DN Hồng Lập bức xúc, nêu nguyện vọng.
Từ nguyện vọng của người cao tuổi - ông Nguyễn Văn Tiến và bà Thái Thị Kim Lanh nêu trên, nên chăng các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang cần xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.