Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như “thần dược”: Người cao tuổi cần thận trọng kẻo “tiền mất, tật mang”!
Pháp luật - Bạn đọc 11/04/2024 09:18
Chiêu trò thổi phồng tác dụng sản phẩm?
Không chỉ quảng cáo sản phẩm như “thần dược”, dùng các giấy chứng nhận của FDA để “đánh bóng” sản phẩm mà các hãng thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn mượn danh MC, nghệ sĩ, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong và ngoài nước tư vấn và cam kết sẽ khỏi hoặc giảm bệnh trong vòng 3-4 tháng. Thậm chí có hãng còn sử dụng tiến sĩ, bác sĩ “rởm” để lừa người tiêu dùng.
Trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, youtube, các sản phẩm sữa tăng chiều cao được quảng cáo là dòng sữa phát triển chiều cao quốc dân, giúp bé cao lên 3-5cm sau 3-6 tháng sử dụng. Theo nội dung quảng cáo, sản phẩm sửa này được nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, có giấy chứng nhận của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, có 3 loại tem dán trên vỏ hộp… Tuy nhiên, sản phẩm chỉ được bán trên Hotline chứ không bán ở đại lí, sản phẩm đã sản xuất và đưa ra tiêu thụ từ nhiều năm nay (!?)
Tương tự là sản phẩm sữa hạt tiểu đường cũng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và có tác dụng khi người dùng liên tục sử dụng trong vòng 4 tháng sẽ hết bệnh tiểu đường.
Một sản phẩm dinh dưỡng được quảng cáo nhập khẩu từ Hoa Kỳ |
Ngoài các sản phẩm sữa hạt tiểu đường được sản xuất tại một số nhà máy đóng tại Hà Nam, Hà Nội,… còn có sản phẩm là dạng viên nén, viên nén bao phim, viên nang, cốm, bột, dung dịch… Theo kết quả kiểm nghiệm thì chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lí và vi sinh vật chứ không có bất kì kết quả nghiên cứu lâm sàng nào nên không có cơ sở để khẳng định các sản phẩm viên hạt tiểu đường chữa được bệnh tiểu đường.
Theo một chuyên gia đang công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi như trong video quảng cáo sản phẩm. Do đó người dân, nhất là người cao tuổi cần phải hết sức thận trọng khi lựa chọn cho mình thực phẩm dinh dưỡng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Ông Lê Huy Vinh, 80 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa thắc mắc: “Tôi bị tiểu đường gần 20 năm nay, bên cạnh thường xuyên khám và điều trị thuốc do cơ sở y tế chỉ định, chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao sẽ làm thuyên giảm bệnh tiểu đường, chứ chưa nghe thấy bệnh này được chữa khỏi. Việc các sản phẩm sữa hạt tiểu đường được quảng cáo rầm rộ và thổi phồng công dụng như vậy là không thể tin được. Nếu chữa được bệnh tiểu đường trong thời gian ngắn như vậy cần phải được đánh giá bằng công trình nghiên cứu khoa học lâm sàng xem sản phẩm có công dụng, tác dụng thật như đã quảng cáo không?”.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ?
Trên các trang mạng xã hội hiện nay còn xuất hiện các sản phẩm dinh dưỡng sữa “chữa tự kỉ” và được quảng cáo không kém phần “long trọng” như sản phẩm chữa bệnh tiểu đường, phòng chống đột qụy, tăng chiều cao… khiến cho người dân vô cùng bất an, lo lắng. Đặc biệt là người cao tuổi hiện nay mắc phải các chứng bệnh như xương khớp, tiểu đường, đột qụy… khá phổ biến và luôn có tâm lí bị bệnh thì “vái tứ phương” nhưng hệ lụy nếu tin tưởng, lựa chọn mua và dùng liệu có được an toàn? Do đó, rất cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sản phẩm có công dụng như quảng cáo hay không? Đơn vị nào chịu trách nhiệm sản xuất, đơn vị nào chịu công bố chất lượng? Nguồn gốc thành phần nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài hay mua trôi nổi trên thị trường nhằm lừa người tiêu dùng để trục lợi bất chính?
Dưới góc độ pháp lí, luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật. Nhưng quảng cáo sai lệch về thực phẩm bổ sung sức khoẻ trở thành thuốc thì nguy hại gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng con người. Sữa là thực phẩm bổ sung sức khoẻ nhưng khi quảng cáo thì biến thành sữa tiểu đường, đột qụy, tự kỉ,… là gian dối nhằm đánh lừa người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người yếu thế trong xã hội. Hành vi này bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
“Theo tôi, kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, kiếm tiền trên nỗi đớn đau về bệnh tật chính là bất lương và ở góc độ pháp luật nó tương đồng với sự lừa đảo. Từ những tư vấn không trung thực của các hãng thực phẩm này, người bệnh sẽ đánh mất cơ hội chữa bệnh hiệu quả”, luật sư Bùi Thị Kim Liên nêu quan điểm.