Quận Lê Chân, TP Hải Phòng: Người dân tố nhiều sai phạm khi thu hồi đất
Pháp luật - Bạn đọc 07/08/2018 09:55
Lá đơn tố cáo của hơn 100 hộ dân
Theo đơn kêu cứu khẩn cấp được gửi tới Báo Ngày mới Online (Báo Người cao tuổi) mới đây, các hộ dân phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho biết: Từ năm 2003 đến nay, để thực hiện các dự án thu hồi đất phục vụ vào an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng, các dự án kinh doanh thương mại quy định tại các Điều: 61, 62, 73 Luật Đất đai năm 2013, UBND quận Lê Chân ban hành hàng loạt quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khi thu hồi đất của các hộ, gia đình thuộc phường Vĩnh Niệm.
Khi Hải Phòng được Thủ tướng công nhận là Đô thị loại 1 (vào năm 2003), HĐND, UBND thành phố có hàng loạt nghị quyết, quyết định chuyển đất nông nghiệp sang đất ở và đất phi nông nghiệp, thể hiện tại các Quyết định: số 3049/QQĐ-UBND ngày 29/12/2005, số 2640 ngày 31/12/2009, số 2970 ngày 25/12/2014, số 01 ngày 16/6/2017, quy định về giá đất ở, đất phi nông nghiệp của 7 quận trên địa bàn thành phố. Do đó, đất của các hộ dân cũng được quy hoạch, chuyển mục đích sang đất ở, đất phi nông nghiệp. Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài mà có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất, thì được bồi thường về đất theo giá đất ở”. Vậy nhưng, UBND quận Lê Chân, khi thu hồi đất của người dân, lại chi trả theo giá đất nông nghiệp, với mức từ 60.000 - 100.000 đồng/m2.
Người dân phường Vĩnh Niệm cho rằng, UBND quận Lê Chân cố tình làm trái quy định của Nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân khi thu hồi đất để trục lợi, xây dựng dự án “ma” để chiếm đoạt đất của người dân phục vụ cho việc san lô, bán nền.
Người dân bức xúc vì việc giá đất bị đền bù thấp và quá trình cưỡng chế có nhiều vi phạm
Bà Trần Thị Trà, tổ 22, khu 3, phường Vĩnh Niệm bức xúc: “Diện tích đất nhà tôi đang ở là 1.200m2. Quận Lê Chân ra Quyết định số 741 giải tỏa, thu hồi để làm dự án 4,3ha, thực chất là phân lô bán nền. Nhà tôi đã bị cưỡng chế 3, 4 năm nay rồi, nhưng tôi thấy có sự bất hợp lí trong việc thu hồi đất và đền bù, nên không đồng ý giao đất. Vì thế, họ đã gây nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt để ép nhà tôi phải giao đất như: cắt điện, nước từ ngày 18/5/2018; đường ống nước cũng bị phá. Giờ cả nhà tôi, 15 người phải sống trong cảnh đi xin điện, nước của hàng xóm. Nguồn thu nhập chính của nhà tôi là từ việc trồng hoa màu, nhưng giờ hoa màu bị họ phá hết…”.
Bà Trà cho rằng, có nhiều sai phạm và khuất tất trong việc thu hồi đất và cưỡng chế GPMB. Cụ thể, việc ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân ra Quyết định số 741 là trái thẩm quyền. Đất nhà bà Trà có sổ đỏ từ năm 1993 là đất nông nghiệp, nhưng từ năm 2003, khi Hải Phòng được công nhận đô thị loại 1, xã Vĩnh Niệm trở thành phường Vĩnh Niệm thì đất được chuyển đổi thành phi nông nghiệp và đất ở. Lẽ ra, quận Lê Chân phải thực hiện chuyển đổi đất khu vực này theo những Nghị quyết chuyển đất nông nghiệp sang đất ở và đất phi nông nghiệp, mà HĐND thành phố đã ban hành. “Chúng tôi cho rằng đó là âm mưu để chiếm đoạt đất của dân” - bà Trà bày tỏ. Từ năm 2016, dù đã nhiều lần gửi đơn lên quận, phường, thành phố nhưng đều không được giải quyết, nên hiện bà Trà đã làm đơn tố cáo gửi lên Trung ương.
Không riêng gia đình bà Trà, những nhà trong diện giải tỏa nhưng chưa bàn giao đất, do không đồng ý với phương án và giá đền bù thì đã bị cắt điện, nước. Nhiều người dân cho hay: Quận bảo làm dự án bệnh viện, trường học, hồ nước thải... dân tin thì cứ giao đất, nhưng hiện chỉ thấy phân lô bán nền. Nhiều hộ dân ở đây đang sinh sống trên mảnh đất có sổ đỏ của mình, nhưng quận đã làm bìa đỏ sang tên cho người khác ngay trên chính mảnh đất đó.
Bà Hà Thị Lợi bật khóc tức tưởi: “Diện tích nhà tôi là 231m2. Trước đó, quận bảo lấy đất để làm mương hoàn trả cho mương tưới tiêu cho cả khu cánh đồng Cửa Trại, phường Vĩnh Niệm, đã bị lấp đi để san lô bán nền. Thế nhưng, từ ngày ấy mương cũng không làm, mà lại biến thành cái gọi là Dự án 4,3ha. Họ chỉ trả nhà tôi theo giá đền bù đất nông nghiệp là 100.000 đồng/m2, cộng thêm các khoản đền bù tài sản trên đất và hỗ trợ việc làm, tổng cộng được 600.000 đồng/m2. Tôi không đồng ý giao đất với mức đền bù ấy, thì tối 29/5, họ quây kín nhà tôi. Đến 4 giờ sáng ngày 30/5 thì cưỡng chế. Họ đe dọa, nếu đồng ý giao đất sẽ cho 1 lô tái định cư. Nếu không, sẽ mất trắng. Con tôi sợ bị mất trắng nên phải đồng ý giao đất ngay trong đêm đó, rồi sang nhà tạm lánh ở. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy họ nói năng gì đến suất tái định cư”.
Bà Trần Thị Trà cho hay: “Hiện còn 34 hộ nữa cũng trong tình cảnh như nhà tôi. Họ cưỡng chế nhà tôi trước, nhưng tôi chỉ chấp hành bàn giao đất nếu đó đúng là chủ trương của Nhà nước, có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền và phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, đồng thời giá đền bù phải theo giá đất ở. Hải Phòng là đô thị loại 1, vậy giá đền bù khi thu hồi đất ở tính từ ngày 1/7/2018 phải là 40 triệu đồng/m2”.
Chính quyền quận Lê Chân nói gì?
Ngày 3/7, UBND quận Lê Chân có buổi làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi. Ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho hay: Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân và bà Trần Thị Trà, quận Lê Chân đã tổ chức đối thoại 3 lần với các hộ dân. Tuy nhiên, bà Trà tiếp tục có đơn khiếu nại, UBND quận đã mời bà Trà và các công dân có đơn để làm việc.
Lãnh đạo quận Lê Chân làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi liên quan đến những tố cáo của người dân
UBND quận Lê Chân đã xét giao 1 lô đất ở, có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư và bán 1 chung cư cho gia đình bà Trà, đồng thời chủ trương giao đất cho bà Nguyễn Thị Liên (là vợ liệt sĩ và là mẹ bà Trà) theo diện chính sách; đồng ý để hộ bà Trần Thị Trà được mua thêm 1 căn hộ chung cư, để giải quyết khó khăn về nhu cầu nhà ở (do bà Trà có 2 người con đã có gia đình đang ở cùng). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Trà vẫn chưa chấp hành việc bàn giao đất phục vụ dự án công cộng của thành phố, vì cho rằng mức giá đền bù người dân 100 nghìn đồng m2 theo giá đất nông nghiệp, sau khi thu hồi xong san lô, bán nền cho các nhà đầu tư với giá từ 20 đến 35 triệu đồng/m2. Việc kiến nghị về bồi thường đất nông nghiệp theo đơn giá đất ở của các hộ, là hoàn toàn không có cơ sở để tính toán bồi thường.
Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân nói với phóng viên: Vài ngày tới, quận sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân về vấn đề thu hồi đất, GPMB Dự án khu tái định cư 4,3ha, sẽ mời phóng viên tham dự. Thế nhưng, cho đến nay, đã bước sang tháng 8, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin gì về buổi đối thoại này.
Hiện Thanh tra Chính Phủ đang làm rõ những nội dung đơn thư tố cáo của các hộ dân tại quận Lê Chân. Các ban ngành tại TP Hải Phòng cũng đang tiếp tục làm rõ những băn khoăn của người dân. Mong rằng, những tố cáo của người dân sẽ sớm được làm sáng tỏ, mọi sự việc sẽ minh bạch trước pháp luật.
Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.
Trường Sang