Chùa Phước Sơn - Nơi đóng quân của Tiểu đoàn 307 thời chống Pháp

Văn hóa - Thể thao 11/03/2023 09:48
Có nhiều truyền thuyết về gốc tích của Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Một truyền thuyết tương đối phổ biến, cho rằng ông là con thứ 5 trong gia đình lái đò trên sông Vĩnh, phủ Ninh Giang (nay thuộc Hải Dương).
Thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), có vợ chồng ông lái đò tuổi đã cao mà chưa có người nối dõi. Một hôm ông bà bắt được một bào thiêng, trong đó có ổ trứng trắng. Ông bà liền mang ổ trứng về nhà, trải qua 9 mùa trăng, ổ trứng nứt vỏ, chín con rắn ra đời, ông bà lái đò nuôi và coi chín con rắn như những đứa con. Khi chín con rắn khôn lớn trưởng thành, năm đó đất nước có giặc, nhà vua lập đàn khấn cầu các thần linh giúp sức, lại sai sứ giả đi chiêu tập hiền tài. Nghe tiếng loa truyền, chín con rắn hóa thành chín chàng trai vào yết kiến nhà vua, xin tham gia tiễu trừ quân giặc. Chín anh em rắn nhất hô bách ứng, kéo theo cả thuồng luồng, thủy quái ra trận. Giặc tan, Hùng Vương truyền lệnh phong cho các chàng trai là chín ông Hoàng. Nhằm ngày 22/8 năm Bính Dần, chín chàng trai trở lại thành chín con rắn, về lại với dòng sông Tam Kỳ. Dân làng truy ơn lập chín ngôi đền thờ các dũng tướng, từ bến đò Tranh đến tận cửa biển Diêm Điền. Đền Đồng Bằng thờ người cha chèo đò, với duệ hiệu Trấn Tam Kỳ giang linh ứng, Vĩnh Công đại vương, Bát Hải Động Đình.
![]() |
Cổng chính đền Tranh, thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh ở xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. |
Một truyền thuyết khác kể rằng, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh là con trai thứ 5 của vua cha Bát Hải Động Đình, là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thủy bộ, được giao trấn giữ miền duyên hải sông Tranh, lập được nhiều công lớn nên được sắc phong Công hầu. Truyền thuyết này kể cả câu chuyện Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh bị hàm oan, phải dùng cái chết để chứng minh mình trong sạch.
Chuyện rằng, ông có cảm tình với người phụ nữ xinh đẹp, mà không biết người này là vợ lẽ của một viên quan. Người phụ nữ này vốn không hạnh phúc với chồng, nên đáp lại tình cảm của ông và không hề nói mình đã có chồng. Ông vẫn đinh ninh đó là tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Ngờ đâu viên quan biết chuyện, bèn vu cho ông quyến rũ vợ mình. Ông mắc hàm oan, bị đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Để chứng tỏ mình bị hàm oan, ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn.
Hồn ông trở lại quê nhà biến thành đôi bạch xà, được vợ chồng ông bà lão nông dân đem về nuôi nấng, coi như con cái trong nhà. Quan phủ biết chuyện ông bà lão nông dân hay mua gà về nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà lên cửa công, đòi phải giết đi đôi bạch xà. Vợ chồng lão nông thương xót, rập đầu xin thả đôi bạch xà xuống dòng sông Tranh. Khi đôi bạch xà được thả xuống dòng sông, lập tức chỗ đó trở thành dòng xoáy dữ dội.
Đời Thục Phán An Dương Vương, đất nước có giặc, nhà vua tập hợp thuyền bè chống giặc bên dòng sông Tranh. Nhưng giữa dòng có vùng nước xoáy, thuyền bè không sao qua được, lại có cơn giông tố nổi lên dữ dội. Nhà vua phải mời các vị bô lão đến lập đàn cầu đảo, thì sóng mới yên, quân sĩ ra trận thu được thắng lợi. Ghi công đức, Thục Phán An Dương Vương giải oan cho ông, phong là Giảo Long Hầu. Từ đó, ông nhiều lần hiển thánh linh ứng, dùng phép thuật giúp dân trừ tà, trừng trị những kẻ hại nước, hại dân.
Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh được thờ ở nhiều nơi, trong tất cả đền, phủ… nhưng có hai đền chính là đền Tranh, tọa lạc ở xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thời Lê - Nguyễn gọi là xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, là nguyên quán của ông, cũng như nơi ông hiển tích, trấn giữ miền sông Tranh và đền Kỳ Cùng, thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng xưa, nay thuộc TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Trong các buổi lễ, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh đều giáng ngự đồng, mặc áo lam thêu rồng và hổ phù, tay múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ, hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các quan lớn về, đều phải đợi đến khi Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh về chứng một lần, mới được đem đi hóa các đàn mã, sớ trạng.
Có một truyền thuyết khác cho rằng, Cao Lỗ, một danh tướng thời Thục Phán An Dương Vương, là hóa thân của Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Theo sử sách ghi, Cao Lỗ sinh ra tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, nhưng truyền thuyết lại cho rằng ông sinh ra tại Ninh Xá, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Truyền thuyết cho rằng, vào đời Hùng Vương thứ 18, Cao Lỗ đã là tướng tài của nước Văn Lang, được giao hợp nhất với quân Tây Âu Việt của Thục Phán, nhằm chống lại 50 vạn quân nhà Tần, do Đồ Thư cầm đầu tiến xuống phía Nam xâm lược Bách Việt…
Ông đem lòng yêu công chúa Mị Châu, con gái Thục Phán An Dương Vương, nhưng Mị Châu lại được gả cho Trọng Thủy, con của Triệu Đà. Cao Lỗ can ngăn An Dương Vương không gả Mị Châu cho Trọng Thủy. Vì vậy An Dương Vương đem lòng nghi ngờ Cao Lỗ. Sau khi Trọng Thủy lấy được bí mật về nỏ liên châu (nỏ thần) và bí mật quốc phòng của nước Âu Lạc, quân Triệu Đà lại tiến đánh Âu Lạc. Lúc này nỏ liên châu không còn phát huy được tác dụng, vì quân Triệu Đà đã có cách chống lại. An Dương Vương cho rằng Cao Lỗ để lộ bí mật quân sự, nên đày ông lên vùng biên ải. Sau khi được mở gông cùm, Cao Lỗ nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn…
Tuy nhiên, truyền thuyết này thiếu căn cứ tin cậy. Sự thật lịch sử ghi do bị nhà vua nghe lời gièm pha xa lánh, Cao Lỗ bỏ đi tìm nơi ở ẩn. Khi quân Triệu Đà đuổi đánh quân Âu Lạc, An Dương Vương thua chạy, Cao Lỗ còn xuất hiện đánh chặn quân Triệu Đà cho An Dương Vương chạy thoát, ông bị thương ở cổ liền buộc lại chạy tới Ái Mộ (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên) nghỉ ngơi, rồi chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu được ít lâu thì mất. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều người cho rằng, Cao Lỗ là hóa thân của Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Nhưng đây cũng chỉ là tư duy biểu kiến của một số người, không có căn cứ nào xác thực để chứng minh.
Trong các truyền thuyết kể trên, truyền thuyết thứ hai là đáng tin cậy và gần với bản văn nhất. Đạo Mẫu (còn gọi là Đạo Tứ Phủ) và tục hầu đồng, hát văn (diễn xướng) là văn hóa tín ngưỡng tâm linh riêng có của dân tộc Việt. Tuy nhiên, việc để có nhiều truyền thuyết về một vị Thánh, cũng cần nghiêm túc nghiên cứu để minh định cho rõ, tránh tình trạng “tam sao thất bản”.