Phát huy tiềm năng và giá trị của văn hóa để thúc đẩy sự phát triển
Nghiên cứu - Trao đổi 08/01/2022 10:18
Nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa còn chưa đầy đủ
Xây dựng, phát triển văn hóa sẽ nảy sinh những giá trị mới của nền văn hóa theo hướng chân, thiện, mĩ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, khoa học, nhân văn, dân chủ, tiến bộ vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người, tạo điều kiện và cơ hội cho con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể lực và năng lực thẩm mĩ. Đảng ta định hướng rất rõ trong văn kiện các Đại hội đại biểu toàn quốc, nhất là từ Đại hội lần thứ XI, XII, XIII về tính định hướng chiến lược lâu dài xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời gian qua ở một số địa phương, có những chủ trương, quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội. Một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có mặt gia tăng. Việc quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hoá có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa tự giác, thường xuyên thực hiện việc nêu gương trước quần chúng.
Bên cạnh đó, một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp đáng lo ngại, có mặt nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lí tưởng, đạo đức, nhân cách con người và thực hiện công bằng xã hội. Thiếu chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ và sâu sắc, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.
Ngoài ra, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chưa vững chắc. Mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. Công tác quản lí xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa độc hại du nhập vào nước ta. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng văn hóa, xây dựng con người chưa thường xuyên, chặt chẽ. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế kết quả chưa tương xứng. Nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, con người chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ.
Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh
Để văn hoá trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kì mới cần phải khai thác các di sản như những tài nguyên, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lí của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Xây dựng một số môi trường văn hóa trên cơ sở sớm hình thành hệ giá trị văn hóa quốc gia và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ để tạo hành lang pháp lí và loại bỏ được các rào cản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Đồng thời tập trung lãnh đạo để công nghiệp văn hóa Việt Nam có bước phát triển đột phá gắn với việc phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa, nhằm khai thác và phát huy mạnh mẽ những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam gắn với công nghệ hiện đại thành các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao và phát hiện, đào tạo bồi dưỡng và phát huy các tài năng văn hóa của đất nước. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại; xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mĩ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lí và đạo lí xã hội.
Cùng với đó đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá, ở cả trung ương và địa phương. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mĩ. Nâng cao đời sống văn hoá của Nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng của văn hoá các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân.