Xây dựng giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 02/04/2024 11:42
Từ khi nước ta tiến hành đổi mới, văn hóa và con người Việt Nam đã có nhiều mặt tiến bộ đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần khá hơn trước; giáo dục phát triển mạnh về quy mô, số lượng, mạng lưới, trình độ học vấn; con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin đa dạng và nhiều chiều, từ đó mà kiến thức và nhận thức nhiều mặt đã nâng lên.
Vấn đề con người và quyền con người được quan tâm hơn, thể hiện cả trong Cương lĩnh, trong Hiến pháp và luật pháp. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc được giữ vững; các phong trào xóa đói giảm nghèo, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở… đạt những kết quả đáng ghi nhận; các ấn phẩm văn học nghệ thuật phát triển về số lượng, quy mô phát hành, phong phú về đề tài và phương thức thể hiện…
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp. Nạn tham nhũng, tiêu cực chưa bị đẩy lùi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, trong đó có cả cán bộ cao cấp, lãnh đạo, quản lí. Tệ nạn tiêu cực xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xây dựng giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam |
Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Đương nhiên có lí do từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho cơ chế ấy mà quan trọng là việc tự rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên không thường xuyên liên tục, không tiên phong, gương mẫu…
Để khắc phục tình hình nói trên, việc trước tiên là tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị. Đại văn hào Macxim Gorky từng nói, đối với ông, khi nghe nói văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn là Tổ quốc lâm nguy. Về tầm sâu xa, ông nói đúng. Nếu Tổ quốc lâm nguy mà văn hóa còn bền vững, cả dân tộc đoàn kết sẽ giữ được Tổ quốc; còn nếu văn hóa lâm nguy thì chẳng những mất Tổ quốc mà có khi còn mất cả dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về văn hóa đã nhấn mạnh vấn đề cốt lõi, trung tâm là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Tinh thần ấy thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết, từ tên gọi đến mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý đề luôn bám chắc mục tiêu chủ yếu trong quá trình xây dựng văn hóa, trong đó vấn đề xây dựng con người có nhân cách là cốt lõi.
Con người Việt Nam phải là những con người yêu nước. Trong xây dựng văn hóa cần quan tâm thường xuyên việc xây đắp lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nhờ đặc điểm này của văn hóa Việt Nam mà chúng ta đã giữ được nước, giành được độc lập sau bao nhiêu lần bị kẻ thù mạnh hơn rất nhiều đến xâm lược và đô hộ; nhờ đó chúng ta không bị đồng hóa qua một nghìn năm Bắc thuộc.
Ngày nay cũng cần phải lấy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc làm bàn đạp và chỗ dựa để tiến lên, phát triển. Trong thế giới hội nhập, với cuộc tiếp biến văn hóa ở quy mô toàn cầu, chỉ có phát triển mới tồn tại một dân tộc thực sự độc lập.
Trong quá khứ, người Việt Nam đã biết yêu thương, đùm bọc nhau, nhất là mỗi khi có khó khăn, sóng gió, hoạn nạn. Điểm mạnh nhất của văn hóa Việt Nam là văn hóa giữ nước. Điểm chưa mạnh (nếu không muốn nói là điểm yếu) là văn hóa phát triển.
Môi trường văn hóa là nơi con người sống và chịu sự tác động của nó trong quá trình hình thành nhân cách. Gia đình, cộng đồng, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách. Cần phải có nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, trong đó, những người lao động được tôn trọng, không bị phân hóa giàu nghèo bất hợp lí, không bị lợi ích nhóm (theo nghĩa xấu) chi phối, có cơ chế quản lí tiên tiến, đủ sức hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, cần một nền chính trị dân chủ thấm đẫm văn hóa “dân là gốc”, trong đó, dân thật sự là chủ, làm chủ, quyền lực là của Nhân dân, cán bộ là những người hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Đó là điểm quan trọng nhất về xây dựng văn hóa chính trị. Không thực hiện thành công điều đó thì không thể có chủ nghĩa xã hội hiện thực được.
Trong nền chính trị ấy, cần có Đảng là Bộ tham mưu chiến lược, là một Đảng chân chính, trong sạch, “đạo đức và văn minh”. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã có chủ trương xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Kế thừa và tiếp tục phát triển tinh thần ấy, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã lưu ý các đặc trưng của một nền văn hóa Việt Nam là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Các hoạt động văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng con người, hình thành nhân cách. Trung ương cũng đã có Nghị quyết về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo. Theo đó, phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang xây dựng nhân cách, phát triển năng lực; phát triển một nền giáo dục mở, gắn với xã hội học tập. Đây là quan điểm đối mới rất quan trọng, và đúng hướng, phù hợp với xu thế khách quan.
Trong các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật là bộ phận tinh tế nhất, là con đường ngắn nhất để đến với trái tim. Yêu cầu đối với các loại hình văn học nghệ thuật là tạo ra và lan tỏa các giá trị nhân văn. Quyển sách, bài hát, bản nhạc, một chương trình sân khấu, một bức tranh, một lễ hội… là quan trọng. Tuy nhiên, đó mới là sản phẩm “trung gian”, còn sản phẩm cuối cùng, mục đích cao nhất là nó tác động tích cực cho việc xây dựng nhân cách, tạo ra trí tuệ, đạo đức, năng lực và làm phong phú tâm hồn con người.
Thông tin truyền thông cũng là một loại hoạt động văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của con người, vừa tham gia xây dựng nhân cách, thông qua việc phát hiện, tôn vinh, làm lan tỏa các giá trị nhân văn; lên án, cô lập, loại trừ cái xấu, cái ác.
Văn học nghệ thuật và thông tin truyền thông đều phải có trách nhiệm chiến đấu để chống lại cái xấu, cái ác. Nhà văn vừa là thư kí thời đại, vừa là kĩ sư tâm hồn, phản ánh hiện thực với lòng nhân ái.
Đặc điểm của loại lao động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật mang đậm dấu ấn của cá nhân người nghệ sĩ và tính sáng tạo cao. Nếu không có Nguyễn Du, không có Lép-tôn-xtôi thì nhân loại mãi mãi không có “Truyện Kiều”, không có “Chiến tranh và hòa bình”. Vì vậy, tôn trọng sự tự do và tôn vinh sáng tạo của người nghệ sĩ chính là tạo điều kiện cho các kiệt tác ra đời.