Nguyễn Thị Định: Người “chị cả”, nữ tướng tài ba

Nghiên cứu - Trao đổi 09/04/2025 10:54
Đã 50 năm kể từ mùa Xuân 1975, nhưng cảm xúc của CCB Trần Thanh Tùng về những ngày giải phóng Sài Gòn vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Ông Tùng cho biết, ông sinh năm 1954, tại xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 1972, tình nguyện nhập ngũ. Với 16 năm là người lính, được trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn 1975, là niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Ở tuổi 71, với dáng người mảnh khảnh, nhanh nhẹn và rất minh mẫn, ông Tùng vanh vách tường thuật lại cuộc hành quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn năm xưa: “Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, tôi được lựa chọn đi học đào tạo tại Trường Kĩ thuật mật mã của Bộ Tổng Tham mưu/Bộ Quốc phòng. Năm 1974, tốt nghiệp, biên chế về Ban Cơ yếu, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), đúng thời điểm đơn vị nhận lệnh “hỏa tốc” vào Nam chiến đấu.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Sư đoàn 325 là 1 trong 4 sư đoàn của Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch. Tôi làm nhiệm vụ cơ yếu nên tôi có cơ hội hiểu rõ mọi tình hình của đơn vị hoạt động của Quân đoàn 2.
![]() |
CCB Trần Thanh Tùng chụp ảnh ở Cát Lái, tháng 5/1975. Ông Trần Thanh Tùng (bên phải) và tác giả |
Hồi đó tôi thuộc ban Cơ yếu Sư đoàn, dịch thuật điện “mật” đi - đến phục vụ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325, chúng tôi làm việc suốt ngày đêm, nhanh chóng, kịp thời, chính xác mọi thông tin phục vụ tối đa cho Bộ Chỉ huy Sư đoàn. Đầu tháng 2/1975, Sư đoàn 325 đã có mặt ở vùng núi phía Tây Thừa Thiên Huế. Tháng 3/1975, Sư đoàn 325 nhận được “Mật lệnh” tiến công về đồng bằng giải phóng Huế theo đường 14. Ngày 5/3, đơn vị tôi bắt đầu nổ súng tham gia Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, cuộc tiến công với nhiều trận đánh diễn ra ác liệt giữa quân giải phóng với các lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Liên tục 20 ngày chiến đấu hết sức ác liệt, đến trưa 26/3, trước sức mạnh tấn công như vũ bão của ta, quân ngụy hoàn toàn vỡ trận. Sau khi giải phóng TP Huế một ngày, Sư đoàn 325 nhận ngay lệnh tấn công giải phóng Đà Nẵng. Nhận được lệnh bằng mọi giá “tử thủ Đã Nẵng” của Sài Gòn nhưng quân ngụy ở Đà Nẵng không thể cản nổi bước tiến công như sóng trào của quân ta. Ngày 29/3, các đơn vị của Sư đoàn 325 góp phần giải phóng Đà Nẵng. Ngày 7/4, tôi nhận điện mật và báo cáo cho Bộ Chỉ huy Sư 325 nội dung Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Văn): “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Toàn Sư đoàn 325 nhanh chóng lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
Tôi đi cùng xe Bộ Chỉ huy Sư đoàn, hành quân dọc quốc lộ, lần lượt đi qua các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, lúc này đã được giải phóng trong niềm vui bất tận của đồng bào ta. Đường đến Sài Gòn như đã được rút ngắn lại nên có cảm giác rất gần.
Chiều tối 26/4, Sư đoàn 325 được lệnh bắt đầu nổ súng thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các loại hỏa lực của ta từ các cứ điểm quanh Sài Gòn thi nhau nhả đạn chừng 1 giờ, giữa khói đạn mù mịt, xe tăng ta lao lên dẫn bộ binh xung phong. Tôi được cơ động bằng xe con cùng với Tư lệnh Sư đoàn Phạm Minh Tâm và Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dương. Xe lúc này tháo bạt, tôi nhìn rõ từng đoàn quân giải phóng dũng mãnh, ào ạt tiến công về hướng Sài Gòn - Gia Định. Mỗi chiến sĩ được phát một người một lá cờ Giải phóng, lòng rạo rực niềm vui bất tận, mọi người đứng dậy cả lên, phất cao cờ mặc cho tiếng súng và khói đạn bom mù mịt. Trưa 30/4, thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Sở chỉ huy Sư đoàn 325 có mặt ở Cát Lái, những phút giây vỡ òa bộ đội ta ôm nhau vật lộn mà gào lên cười, khóc vì quá đỗi hạnh phúc, sung sướng.
Tháng 11/1976, Trần Thanh Tùng lại tiếp tục cùng Sư đoàn 325 sang giúp nước bạn Lào diệt Phỉ, xây dựng chính quyền tại Tỉnh Savanakhet. Tháng 10/1978, Sư 325 được lệnh về Cam Lộ. Tháng 12/1978, hành quân vào An Giang. Ngày 1/1/1979, Sư đoàn lên Tịnh Biên, vượt kênh Vĩnh Tế, tiến công tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri. Ngày 7/1/1979, đơn vị tôi có mặt tại tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia. Tháng 3/1979, Sư đoàn 325 trong đội hình Quân đoàn 2 lại được lệnh cấp tốc ra đánh giặc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Tháng 10/1979, ông được đi học sĩ quan cơ yếu, ra trường công tác tại Sư đoàn 344, Binh đoàn 12.
Năm 1988, Trần Thanh Tùng được nghỉ chế độ mất sức 65%, cấp hàm đại úy, Trưởng ban Cơ yếu Sư đoàn 344. Về lại quê nhà, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên. Năm 1989, theo lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, gia đình ông vào vùng kinh tế mới Sông Hinh lập nghiệp. Tại đây, ông tham gia công tác địa phương làm Phó bí thư, Bí thư Chi bộ thôn 3 khóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Hai Riêng (2007-2012). Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.
Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng cho biết: “Bác Trần Thanh Tùng, vợ là bà Kiều Thị Lương là gia đình làm kinh tế giỏi cấp huyện, nuôi con cháu thành đạt, gương mẫu. Ông còn tích cực vận động bà con hiến đất, góp tiền, vật liệu, nhân công trong xây dựng nông thôn mới”.
Nhờ sự chăm chỉ lao động, gia đình ông Tùng hiện có căn nhà khang trang, hơn 5ha đất rẫy, trồng đủ loại cây ăn trái, có ao cá, trại gà, thu nhập ổn định mỗi năm hơn 200 triệu đồng, luôn tiên phong trong mọi phong trào của địa phương.
Đại tá Phạm Tây, Chủ tịch Hội CCB huyện Sông Hinh cho biết thêm: “Đồng chí Tùng là một CCB tiêu biểu về giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực tham gia các phong trào của Hội, giúp đỡ anh em đồng đội khó khăn, là người làm công tác hòa giải ở cơ sở rất hiệu quả”.
Con đường từ Sông Hinh về TP Tuy Hòa như ngắn lại, bởi trong tôi vì những hình ảnh của đoàn quân giải phóng năm xưa hùng dũng tiến về phía Nam qua lời kể của ông Tùng; cũng như hình ảnh ông Tùng, CCB, NCT vượt khó làm giàu, góp phần xây dựng quê hương mới ngày thêm giàu đẹp, văn minh.