Mong muốn của người cao tuổi khi có con vướng vào vòng lao lí
Pháp luật - Bạn đọc 08/08/2024 08:58
Gia đình ông Kịch mong muốn, trong phiên toà sơ thẩm (lần 2), Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, tôn trọng và bảo vệ kết quả bản án sơ thẩm (lần 1) của TAND TP Cần Thơ để bảo đảm công bằng đúng pháp luật…
Ông Nguyễn Văn Kịch cho biết, Bản án sơ thẩm số: 01/2022/HS-ST ngày 7/1/2022 và Bản án phúc thẩm số: 531/2022/HS-PT ngày 11/8/2022, HĐXX chưa xem xét các vi phạm tố tụng mà các luật sư bảo vệ cho các bị cáo nhiều lần kiến nghị như: Hồ sơ sử dụng vốn đúng mục đích, hồ sơ định giá không có trong hồ sơ vụ án; Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế; Vi phạm tố tụng; Trả hồ sơ điều tra bổ sung…
Qua các nội dung gia đình ông Kịch đặt ra, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi trao đổi với luật sư Hà Huy Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết căn cứ pháp lí về các nội dung nêu trên.
Trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng?
Luật sư Hà huy Sơn cho biết: Căn cứ điểm d, k,l,m Điều 4 Thông tư liên tịch số: 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS:
d) Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật TTHS;
k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật TTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
l) Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án;
m) Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể;
Ông Nguyễn Văn Kịch tại phiên toà sơ thẩm xét sử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại Aribank - Chi nhánh Cần Thơ. |
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 296 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999; Căn cứ vào Khoản 5, Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2003; Căn cứ vào Khoản 1, Điều 12, Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004 về tổ chức điều tra hình sự; Căn cứ vào điểm b, Điều 23 Thông tư số: 28/2014/TT-BCA ngày 7/7/2014 của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự ngày 7/7/2014.
Tuy nhiên, căn cứ các cơ sở pháp lí nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Cần Thơ đã tiến hành khởi tố điều tra không phù hợp với Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2006 và 2009) trong giai đoạn từ 24/12/2015 đến 11/8/2022 do không có sự cho phép từ Bộ trưởng Bộ Công an; khởi tố vụ án nhưng không có yêu cầu từ Agribank Chi nhánh Cần Thơ và cũng không có yêu cầu từ Agribank Việt Nam.
Dưới góc độ pháp lí, nếu quyết định khởi tố điều tra không đúng thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Kết quả điều tra trái thẩm quyền này dẫn đến việc thu thập chứng cứ của vụ án không đúng trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật TTHS.
Hồ sơ sử dụng vốn đúng mục đích, kết luận định giá xác định thiệt hại hiện không có trong hồ sơ vụ án?
Theo luật sư Hà Huy Sơn: Điểm l, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật TTHS về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định: “Điều 4. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 2. Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự: l) Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Trong qua trình tiếp cận hồ sơ vụ án, luật sư của bị cáo Nhân đã có đơn đề nghị HĐXX thu thập thêm hồ sơ vì trong hồ sơ không thấy các tài liệu về thẩm định giá tài sản của Công ty Định giá Sài Gòn (Sagonap). Trong Biên bản phiên họp số: 04/BB-HĐĐG-2986 ngày 16/12/2020 của Hội đồng Định giá Trung ương nêu: “Kết luận của hội đồng... Đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm về kết quả định giá...” Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ thẩm định giá tài sản của Sagonap vẫn không có trong hồ sơ vụ án.
Hồ sơ thẩm định giá tài sản của Sagonap là căn cứ để xác định việc thẩm định giá có tuân thủ đúng các quy định pháp luật hay không, cũng như có giá trị pháp lí để sử dụng hay không?
Ngoài ra, toàn bộ giấy đề nghị giải ngân của Công ty Nông Thủy Sản Tây Nam đối với Hợp đồng tín dụng số: 01-/HĐTD.TN ngày 2/1/2012 không có trong hồ sơ. Trong các phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Nhân luôn khẳng định, Công ty Nông Thủy Sản Tây Nam đã sử dụng vốn đúng mục đích thể hiện qua các giấy đề nghị giải ngân, với nội dung ghi rõ mục đích và số tiền đề nghị giải ngân, là chứng cứ để chứng minh việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế?
Các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ đã áp dụng phương pháp tính giá trị thiệt hại bằng cách chênh lệch giữa giá trị giải ngân (bao gồm vốn gốc và lãi vay) và giá trị tài sản thế chấp, cho rằng đó là giá trị thiệt hại. Tuy nhiên, có thể thấy phương pháp này thiếu căn cứ và cơ sở để xác định thiệt hại.
Viện KSND TP Cần Thơ xác định, Công ty Tây Nam vi phạm pháp luật khi không đáp ứng đủ và đúng các điều kiện để vay vốn và các bị cáo đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn khi Viện KSND công nhận giá trị pháp lí của các hợp đồng vay vốn(!?). Theo quy định tại Điều 123 và Điều 131 của BLDS năm 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, còn bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
“Với sự mâu thuẫn trong việc, vừa xác định tội danh vừa công nhận giá trị pháp lí của hợp đồng, liệu các cơ quan tiến hành tố tụng TP Cần Thơ có hình sự hóa một quan hệ kinh tế đơn thuần? Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về tính hợp lí trong cách tiếp cận pháp luật còn ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan trong vụ án”, luật sư Sơn đặt vấn đề.
Được biết, ông Nguyễn Văn Kịch có đơn gửi Chánh án TAND TP Cần Thơ mong muốn, sắp tới đây, HĐXX sơ thẩm (lần 2) xem xét, tôn trọng và bảo vệ kết quả bản án sơ thẩm (lần 1) của TAND TP Cần Thơ để bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.