Những dấu hiệu cố ý sai phạm của ông Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế
Pháp luật - Bạn đọc 16/08/2021 14:56
Kết luận giám định “hai trong một”
Liên quan đến vụ án, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mẹ bác sĩ Lê Quang Huy Phương có đơn tố cáo gửi Thanh tra Bộ Y tế, nêu rõ những sai phạm của ông Nguyễn Hoài An, giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đơn bà nêu, gia đình bà đã hai đời làm nghề y chữa bệnh cứu người, nên bà không thể chấp nhận cách làm sai phạm của ông Nguyễn Hoài An, khiến con trai bà là bác sĩ Phương bị kết án có dấu hiệu oan sai. Quan điểm của bà là không xin tội, không chạy tội, bác sĩ Phương sai đến đâu phải chịu trước pháp luật đến đó, nhưng không chấp nhận oan sai.
Một loạt sai phạm tại Bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 409-19/TD ngày 25/9/2019. Đây là bản giám định pháp y lần đầu, làm căn cứ để Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bác sĩ Phương. Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế quy định, kết luận giám định pháp y về thương tích lần đầu thực hiện theo “Mẫu số 1a”, kết luận giám định pháp y về tình dục lần đầu thực hiện theo “Mẫu số 3a”. Như vậy, đây là hai loại giám định khác nhau, được thực hiện theo quy trình khác nhau và thể hiện ở hai mẫu kết luận khác nhau, được Bộ Y tế quy định rất rõ. Thế nhưng, ông Nguyễn Hoài An lại gộp cả hai vào làm một, là trái với quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Hoài An trình bày tại phiên tòa sơ thẩm |
Đương nhiên, giám định về tình dục thì không có dấu vết xâm hại, vì bác sĩ Phương không hề có hành vi hiếp dâm chị Thủy. Thay vào đó, ông An lấy 9 vết bầm tụ máu, xây xước da nông để kết luận tỉ lệ thương tích là 9%. Điều này hết sức vô lí, vì thời điểm giám định lần đầu, ngày 21/9/2019, chị Dương Huỳnh Thu Thủy đang điều trị vết thương gồm: một số vết bầm tím (mặt, cổ, ngực, lưng, hai tay, hai chân), sưng nề phần mềm và xuất huyết kết mạc mắt phải. Những vết thương này sau một thời gian điều trị sẽ hết, không để lại sẹo hay di chứng, nhưng lại được ông An chấp nhận mỗi vết bằng 1%, 9 vết bằng 9% thương tích, là trái với quy định tại Bảng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích, kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế. Theo đó, những vết thương để lại sẹo mới được tính phần trăm tổn thương cơ thể.
Việc ông An cho tiến hành giám định khi bệnh nhân đang điều trị cũng trái pháp luật. Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, việc giám định được thực hiện vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 21/9/2019, khi đó chị Thủy đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Về nguyên tắc, giám định là đánh giá hậu quả di chứng do thương tích để lại sau khi điều trị. Khi bệnh nhân đang điều trị, chắc chắn không có cơ sở để đánh giá chính xác hậu quả di chứng của thương tích.
Luật sư Hoàng Văn Hướng đang phân tích những sai phạm |
Nghiêm trọng hơn cả, ông An tiến hành giám định thương tích khi không có hồ sơ bệnh án của đối tượng giám định. Theo quy định, hồ sơ giám định phải gồm có: Hồ sơ bệnh án điều trị tại bệnh viện; Các kết quả xét nghiệm; Một số tài liệu khác như Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể... Tuy nhiên, hồ sơ giám định lần đầu chỉ có Quyết định trưng cầu giám định, không có các tài liệu khác kèm theo. Quy trình giám định pháp y, kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế quy định, hổ sơ giám định phải có Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định. Đúng ra, khi thấy hồ sơ gửi giám định không đầy đủ, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, thu thập đầy đủ hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định, nếu yêu cầu không được đáp ứng, phải trả lại hồ sơ cho cơ quan trưng cầu và nêu rõ lí do. Thế nhưng, ông An không thực hiện đúng nguyên tắc này, mà vẫn tiến hành giám định, là trái với quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Giám định tư pháp, trái Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế, về nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.
Luật sư Đỗ Văn Nhặn trình bày luận cứ |
Bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 409-19/TD đề tên hai giám định viên gồm: Nguyễn Hoài An và Lê Tự Hùng. Thế nhưng chỉ có chữ kí của ông Nguyễn Hoài An. Như vậy là trái với Khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp, quy định bản kết luận giám định có từ hai thành viên trở lên, bắt buộc các thành viên phải kí vào Bản kết luận giám định.
Điều đáng nói, Bản kết luận giám định pháp y số 409-19/TD là căn cứ để Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bác sĩ Lê Quang Huy Phương, gây nên vụ án có dấu hiệu oan sai. Tại phiên tòa sơ thẩm, Bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 409-19/TD bị TAND TP Huế bác bỏ bằng bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông An trình bày, việc giám định khi đó bị áp lực của xã hội, nếu kết luận 0% thì làm sao sống nổi ở cái đất này. Thật khó chấp nhận lối giải thích này. Người thực hiện giám định pháp y, có ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của con người, vậy mà chỉ vì áp lực xã hội dẫn đến làm trái, kết luận sai khiến một bác sĩ vướng vòng lao lí!?
Luật sư Trương Quốc Hòe nêu bằng chứng chị Thủy vẫn tham gia thi tay nghề mà không cần đeo kính |
Bản giám định tổn thương về mắt vừa trái pháp luật, vừa sai sự thật
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bác sĩ Phương, có lẽ do thấy căn cứ khởi tố chưa chắc chắn, ngày 7/10/2019, Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung. Ngày 5/11/2019, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 444-19/TgT, kết luận về tổn thương mắt đối với chị Dương Huỳnh Thu Thủy với tỉ lệ thương tích 31%. Tuy nhiên, Bản kết luận giám định này thể hiện vừa trái pháp luật, vừa sai sự thật. Ông An cho giám định bổ sung khi hồ sơ không đầy đủ, chỉ có “Bản trích sao hồ sơ bệnh án”. Trong khi đó, theo quy định phải là “Bản sao hồ sơ bệnh án” (bản phô tô bệnh án có đóng dấu xác nhận của cơ sở chữa bệnh), thì mới đầy đủ. Việc ông An kết luận giám định dựa vào “Bản trích sao bệnh án”, rõ ràng trái với quy định của pháp luật.
Bản kết luận giám định số 444-19/TgT kết luận tỉ lệ tổn thương đối với 2 mắt của chị Thủy bằng 31%, thị lực của cả hai mắt còn 3/10, vừa không chính xác, vừa sai sự thật. Bằng chứng, tại bệnh án về mắt ngày 23/9/2019, số vào viện 88945, mô tả: “Thủy tinh thể trong, thủy tinh dịch trong, tiền phòng sạch”. Phiếu khám bệnh vào viện ngày 17/9/2019 ghi: “... Xưng nề phần mềm mắt (P)...”. Phiếu gửi khám chuyên khoa ngày 10/10/2019 thể hiện: “... MP (mắt phải): Xuất huyết dưới kết mạc; MT (mắt trái): chưa thấy bất thường...”. Có nghĩa là chỉ có mắt phải bị thương tích, sưng nề phần mềm, các bộ phận trong suốt của mắt không bị tổn thương, không ảnh hưởng đến thị lực, đủ cơ sở loại trừ nguyên nhân gây “vẩn đục nhẹ dịch kính cả hai mắt” do bị đánh vào ngày 17/9/2019. Thực tế, sau khi có kết luận giám định, thì chị Thủy vẫn dự thi tay nghề điều dưỡng, không đeo kính vẫn làm bài thi dài 12 trang giấy A4, với số điểm 9,25; hằng ngày chị Thủy vẫn đi bộ qua đường, vẫn đi xe máy từ nhà đến Bệnh viện và ngược lại, với quãng đường khoảng 9 - 10km; vẫn làm việc bình thường, vẫn chăm sóc bệnh nhân mà không cần phải đeo kính!?
Bằng chứng chị Dương Huỳnh Thu Thủy vẫn tham gia thi tay nghề mà không cần đeo kính |
Kết luận giám định bổ sung ngày 5/11/2019 không khách quan, trái pháp luật, dẫn đến hậu quả bác sĩ Phương bị các cơ quan tố tụng TP Huế truy tố, xét xử, kết án tăng nặng (bị xử phạt 5 năm tù) về tội “Cố ý gây thương tích”, nâng từ Khoản 1 lên Khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bà Lan cho biết, Thanh tra Bộ Y tế đã chuyển đơn của bà đến Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, để giải quyết theo pháp luật. Đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết vụ việc khách quan, xử lí sai phạm của ông An đúng quy định của pháp luật.
Thiếu căn cứ dẫn đến truy tố, xét xử có dấu hiệu oan sai Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online đã có 3 bài phản ánh, phân tích các tình tiết, căn cứ khẳng định ... |