Du lịch vươn mình trong vận hội mới
Xã hội 21/11/2024 10:13
Bức tranh hửng sáng
Ngành du lịch góp công vào thành công chung. 10 tháng 2024, tổng doanh thu khoảng 690 nghìn tỉ đồng, tăng 18,4% so với 10 tháng 2023. Trong đó, đón 14,1 triệu khách quốc tế, tăng 41,3% so với cùng kì 2023. Hai chỉ số tương ứng với khách nội địa là 100,5 triệu lượt người và 1,8%. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phường vượt trội du lịch đóng góp lớn vào kết quả này.
Với 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng tới Hà Nội, tăng 37% so với cùng kì năm trước, trong đó chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản;... Thành phố đã đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch như tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỉ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024... TOP 10 thị trường có khách tới Việt Nam là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật, Úc, Ấn độ, Malaysia, Campuchia, Thái Lan.
Đồng bộ phát huy động lực
Thành công trên không chỉ do nỗ lực của 2024 mà còn được ươm mầm từ trước, nay nở hoa, kết trái. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam là đại diện duy nhất Việt Nam được xướng tên ở hạng mục “Cơ quan quản lí du lịch địa phương hàng đầu châu Á 2024”, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương. Cùng với đó là chuỗi công ty lữ hành, mạng lưới cơ sở lưu trú, các khách sạn mini, nhà nghỉ gia đình với đội ngũ tác nghiệp được đào tạo, thành thạo giao tiếp, đáp ứng đòi hỏi của du khách về ăn, nghỉ, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Cầu Vàng: Kiệt tác kiến trúc độc đáo trên đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng. |
Thực tế là điểm đến có nổi danh đến mấy, nhưng hạ tầng xập xệ, thiếu kết nối thì không thể níu chân du khách. Cơ sở hạ tầng tốt được ví như “thỏi nam châm mạnh” hút du khách đến vừa để khám phá và mong thụ hưởng những tiện ích đẳng cấp, đáng đồng tiền. Gần như đồng loạt, từ các trung tâm du lịch quốc gia đến các cơ sở cấp dưới đều hối hả xây các kiệt tác kiến trúc, kĩ mĩ thuật, tăng tiện ích, cung cách chuyên nghiệp…, nghe háo hức, tới ngỡ ngàng, ra về hỉ hả.
Mọi nguồn lực từ Nhà nước tới các doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội được huy động xây mới, tôn tạo cơ sở hạ tầng có gương mặt mới, kết nối cơ sở du lịch với các trung tâm kinh tế, thương mại, văn hoá, cũng mới…
Việc phát triển đồng bộ mạng lưới cao tốc, mở đường bay thẳng đưa các thành phố danh tiếng nước ngoài gần với Việt Nam rồi tới các điểm lõi du lịch nội địa, góp phần đưa nhanh, đưa nhiều bạn bè xa gần đến. Việc vịnh Cam Ranh luôn đông khách Nga; vài nghìn du khách Ấn Độ ào ạt đổ bộ vịnh Hạ Long… là vậy. Các du thuyền quốc tế siêu hạng đưa vài nghìn du khách tới bến bờ Việt Nam. Cáp treo nay phổ biến nâng bước chân du khách chinh phục các đỉnh cao, hòn lớn, thu vào tầm mắt muôn trùng non xanh, nước biếc.
Ninh Bình lồng ghép những yếu tố tâm linh khi nâng cấp di sản thiên nhiên, rạng rỡ Cố đô nghìn năm tuổi nay còn là trung tâm Phật giáo quốc tế. Du lịch Tuyên Quang có điểm nhấn là Lễ hội rước đèn Rằm Trung thu đặc sắc. Lai Châu nhờ hàng năm tổ chức Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Răng Cưa” đã đánh thức hùng vĩ của núi rừng. Quảng Nam có làng bích họa đầu tiên của Việt Nam, ấn tượng với những bức tranh tường sống động được phác họa bởi những bàn tay tài hoa của các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc, tạo nên làn sóng du lịch đến vùng quê kiên cường, anh dũng.
Không còn lạ nhưng các tour về nguồn vẫn hút khách. Từ ngày Bảo tàng Điện Biên dựng bức tranh tròn chiến thắng, khách thập phương càng háo hức tới địa danh từng làm chấn động địa cầu. Tới Củ Chi, được lách mình khó nhọc xuống miệng hầm ngụy trang bí mật, lom khom theo vệt sáng lờ mờ địa đạo tới các hội trường, trạm y tế, lớp mẫu giáo, bếp ăn… du khách đã tự lí giải về sức mạnh của một thời, một thế hệ đã chiến đấu và chiến thắng.
Việc mở rộng giao thương mại quốc tế, nhất là từ khi bùng nổ các hiệp định thương mại tự do; cao trào thu hút đầu tư nước ngoài được tiếp sức bằng làn sóng chuyển dịch đầu tư các nước khác vào Việt Nam, kéo nhiều bè bạn quốc tế đến. Chớp cơ hội này, chủ nhà đã làm vui lòng đối tác “Mời anh đến thăm quê tôi….”
Xúc tiến du lịch quảng bá tiềm năng, xây dựng, phát triển thương hiệu; định hướng phát triển thị trường, sản phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, vận động, tìm kiếm cơ hội, nguồn lực đầu tư…; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và phục vụ quản lí nhà nước; phối hợp quảng bá du lịch vùng, liên vùng, quốc gia. Hoạt động này khi tổ chức riêng, lúc phối hợp với xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa… ở trong, ngoài nước, nhân các sự kiện ngoại giao. Tác nghiệp xúc tiến nay bằng phương tiện kĩ thuật mới, do lớp người mới, vừa nhanh lại rộng, do cơ quan chuyên trách, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú… cùng làm.
Khi làng nghề được tôn vinh, phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nở rộ, đã mở ra du lịch làng nghề, khởi phát từ đất trăm nghề - Hà Nội, sau lan ra các địa phương. Du khách ta hay tây đều muốn tận mắt nhìn những bàn tay khéo, công cụ thô sơ cho ra những sản phẩm thủ công mĩ nghệ từ những chất liệu đồng đất quê ta, nhâm nhi những ẩm thực thơm thảo, ngọt lành cũng hương quê.
Ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tới miệt vườn Nam Bộ, không chỉ ngợp với sông rạch, rừng cây chằng chịt, tàu thuyền xuôi ngược, chim trời, cá nước, ẩm thực, chợ nổi trên sông mà còn được thưởng ngoạn văn hóa miền Tây...
Những kĩ xảo tạo ra sự hấp dẫn trong các trò chơi tại các khu du lịch nước ngoài như thủy cung, hang động người xưa, tuyết rơi, sân băng… nay đã “nhập cảnh” vào ta.
Ông bà, cha mẹ từng đi đây đi đó đều mong cho con cháu có ngày tiếp bước. Con cháu thành đạt muốn báo đáp, thu xếp để bậc tiền nhân đi dối già. Lẽ chăng du lịch còn môi trường là để sum vầy các thế hệ khi mà nhịp sống thời thượng dần dà làm rạn vỡ.
Thật khó mô tả hết tiềm năng du lịch chứa đựng công lao bao thế hệ kết tinh thành những tài nguyên vô giá.
Thẳng tiến
Dẫu còn nhiều việc phải hoàn thiện, song với những gì đạt được có thể tin du lịch sẽ thẳng tiến. Quy hoạch du lịch thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam sẽ thành điểm đến hấp dẫn, có triển vọng trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng xanh; điểm đến có tiềm năng hàng đầu thế giới. Năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, tăng 8 - 9%/năm. Đến 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tăng 4 - 5%/năm. Năm 2025 đóng góp 8 - 9% GDP; đến 2030, con số đó là 13 - 14%.
Muốn vậy, cần phục hồi, giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa; tập trung vào thị trường khách quốc tế trọng điểm, mới; khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển, đảo; hình thành 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang chính, 11 trung tâm; phát triển nhân lực, ưu tiên chất lượng cao.