Những “đặc sản” du lịch mới ở Nam Bộ
Văn hóa - Thể thao 14/09/2023 10:01
Gò Tháp - quen nhưng mới lạ
Về Đồng Tháp thăm Vườn quốc gia Tràm Chim hay làng hoa Se Đéc đã quá quen. Địa danh Gò Tháp tưởng nhớ Thiên Hộ Dương, hằng năm tổ chức lễ hội tưng bừng vào ngày 14/11 âm lịch ai cũng biết. Thế nhưng mới đây Công ty TNHH Đức An (TP Hồ Chí Minh) lập dự án đầu tư thành lập khu du lịch văn hóa sinh thái hoang dã với 4 khu chức năng như: Khu vui chơi giải trí có nhà hàng nổi. Khu xiếc thú sau khi tham dự các đền chùa và lễ hội dân gian. Khách thích khám phá có dịch vụ đi thuyền trên sông mục sở thị những hoạt động của cư dân vùng đầu nguồn. Đặc biệt của dự án là có “gói thầu” phục hồi sinh thái với các động vật bản địa của Đồng Tháp Mười có từ ngàn xưa.
Cổng vào di tích Gò Tháp |
Xuôi dòng sông Trẹm - khám phá đất phương Nam
Từ TP Hồ Chí Minh thẳng Quốc lộ 1A theo hướng chỉ đạo… của nhà thơ Xuân Diệu: Đất nước ta như một con tàu/ Mũi tàu ta đó, mũi Cà Mau. Tham quan Mũi Cà Mau cũng thú vị vì mỗi năm “Mũi tàu ta đó” cứ dài ra thêm trăm mét. Mỗi dòng sông của Cà Mau là tượng đài chứng tích. Sông Cái Tàu là nơi nhiều tàu Pháp đã bị nhấn chìm. Sông Tam Giang là mồ chôn tàu Mỹ với những chiến công huyền thoại của bộ đội đặc công. Sông Trẹm đôi bờ đêm đêm rậm rịch bước chân quân du kích và hi?n nay trở thành dòng sông du lịch để “mở kho tàng kiến thức”.
Sông Trẹm chỉ dài 43km nhưng là con sông xẻ U Minh ra thành hai nửa: Nửa dưới là U Minh Hạ, nửa trên là U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Xuôi dòng sông Trẹm là khám phá những kiến thức từ lâu nằm trong tiềm thức. Đầu trên rừng tràm, đầu dưới là rừng ngập mặn. Xuôi dòng sông Trẹm còn là ngược dòng lịch sử từ thuở cha ông đi mở đất đến những chiến công của hai thời kì chống Pháp, chống Mỹ và lịch sử hiện đại với sự trở mình của đất. Điểm đến cuối cùng là Lâm ngư trường sông Trẹm, nơi đây du khách được khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn đang được đầu tư khôi phục môi trường như thuở ban sơ với chim trời cá nước, mới đây còn nuôi cả khỉ, đà điểu…
Về Kiên Giang xem sếu “múa”
Tại tỉnh Kiên Giang, những cánh đồng cỏ bàng vùng Phú Mỹ, huyện Kiên Lương đang ngày càng thu hút các tổ chức quốc tế. Ít người biết rằng, những cánh đồng cỏ bàng ở Phú Mỹ mấy năm nay là ngôi nhà thứ hai của sếu đầu đỏ ở ĐBSCL, sau Tràm Chim (Đồng Tháp). Trước đây khu vực Kiên Giang có hơn 20.000ha đất cỏ hoang chạy dài từ biển Hà Tiên đến tận kênh Vĩnh Tế (An Giang), rất lí tưởng cho sếu về nghỉ dưỡng vì vừa có rừng tràm lại có cả rừng phòng hộ và những cánh đồng cỏ năn, cỏ bàng làm thức ăn.
Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim |
Tuy nhiên, do phong trào nuôi tôm phát triển vô tội vạ nên đồng cỏ cứ ngày càng bị thu hẹp dần. Đàn sếu trước đây có năm về 400-500 con, hơn cả ở Tràm Chim, thì nay chỉ lác đác vài con về mỗi năm. Đêm đêm đàn sếu còn khiếp vía bởi ánh đèn sáng rực từ những vuông tôm. Trước thực trạng đó, Hội Sếu quốc tế đã đầu tư dự án bảo tồn đồng cỏ bàng, khai thác theo kế hoạch, tạo việc làm cho người dân bằng nghề đan lát. Các sản phẩm của họ làm ra từ tấm đệm ngủ, phơi lúa, giỏ xách, nón… bán tại địa phương và hướng tới xuất khẩu, phục vụ du lịch.
Mùa khô, về Phú Mỹ xem sếu “múa”, ăn tôm, cá… đặc sản, lội trên đồng phèn, tham quan làng nghề đan lát, mua sản phẩm làm kỉ niệm. Ai yêu thích văn hóa còn có thể khám phá chùa chiền và sinh hoạt của người Khmer. Quả là tua du lịch tuyệt vời.
“Công viên nước hoang dã” ở An Giang
An Giang có rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn biên giới huyện Tịnh Biên rộng tới 845ha đã được Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn cảnh quan rừng tràm thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Đây là nơi cư trú của các loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật dưới tác động của chế độ thủy văn sông Mê Công. Theo quyết định của Chính phủ, chương trình hoạt động của khu cảnh quan này là sử dụng hợp lí các tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Khu du lịch sinh thái rừng Trà Sư An Giang |
Hiện nay rừng tràm Trà Sư vẫn thường xuyên đón khách du lịch vào tham quan. Đặt chân đến bìa rừng, khách được đưa bằng tắc ráng vào sâu bên trong. Đi sát mép tràm, du khách được chứng kiến cảnh lớp lớp chim non nằm trong tổ được mẹ mớm mồi. Ngoài trời bầy chim bay lượn. Cá, rắn, rùa… ẩn mình trong lớp thủy sinh dày đặc, nước trong xanh cá đớp mồi như cơm sôi. Leo lên đài Vọng cảnh phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh, dưới chân là rừng tràm bao la, xa xa là núi Cấm, núi Tô, núi Dài Lớn… chập chùng trong mây trắng.
Giữa rừng có lán trại, tum lá để khách nghỉ ngơi và thưởng thức những món đặc sản của chính khu bảo tồn mang lại. Có món cá lóc nướng lá sen, bốc mùi thơm lạ lùng. Muốn nghe câu vọng cổ cũng sẵn sàng được phục vụ… Trước khi về ghé chợ biên giới Tịnh Biên mua sắm hàng Thái Lan, Campuchia làm quà, ghé ngang núi Sam viếng Bà Chúa Xứ rồi tiếp tục cuộc hành trình nối tua đi Phnom Pênh (Campuchia).
Du lịch đâu chỉ là giải trí hay xua đi mệt mỏi, mà còn là khám phá và bổ sung kiến thức.