Ông Trang... “khùng”!
Tuổi cao gương sáng 01/01/2025 11:16
Vượt khó nuôi con ăn học thành tài
Không ít lần trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Trang thường tâm sự: “Tôi từng tham gia du kích, lực lượng mật trong kháng chiến chống Mỹ. Vì cuộc sống nghèo khổ, nên vào năm 1990, tôi và vợ dìu dắt các con từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tới thị trấn Tràm Chim này kiếm sống. Tới quê mới, với hai bàn tay trắng, không người thân thích, không một cục đất cắm dùi, gia đình tôi cất một cái chòi lá bên cạnh dòng kênh Cỏ Bắc - giáp ranh giữa huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông để khai hoang, làm thuê, làm mướn nuôi thân, lập nghiệp”.
Lúc bấy giờ, vùng đất Tam Nông còn gọi là Khu Tư này rất khó sinh sống vì bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc dày đặc. Xứ này từng được mệnh danh: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”. Hằng ngày, vợ chồng ông cắt từng cọng rau muống, nhổ từng cọng bông súng, làm cỏ thuê, cắt lúa mướn, thả lưới, cắm câu, đặt lờ, lọp... để kiếm gạo nuôi con; đồng thời khai mở và chuyển vụ được 5 công ruộng canh tác nuôi sống gia đình.
Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông thăm vườn sầu riêng của ông Trang. |
Bà Được (vợ ông Trang) ngồi kế bên cho biết: “Khổ lắm chú ơi. Hằng ngày, tôi với ông nhà ra đồng làm lúa phải nấu cơm mang theo ăn với muối cụt. Nhiều hôm, ông ăn không nổi, bảo tôi mua đường thẻ thay muối ăn với cơm, để dành tiền nuôi con ăn học”.
Nhấp một ngụm nước trà nóng, ông Trang tiếp lời vợ: “Vợ chồng tôi luôn tâm niệm, dù khó khăn, cực khổ đến mấy cũng phải cố gắng nuôi các con ăn học. Bởi vì, đời mình do dốt nát mà nghèo khổ thì phải làm sao cho con cái có kiến thức, để không phải chịu cảnh nghèo khó như ba má nó chứ…”.
Với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, sau những tháng năm dài miệt mài lao động cật lực và biết tính toán làm ăn, chi xài tằn tiện nên cuộc sống của gia đình ông cũng dần dần ổn định, các con đều được cắp sách tới trường cùng với bạn bè trang lứa. Ông Trang nhớ lại: “Lúc đó, nhà chưa có điện, chỉ thắp đèn dầu cho con học. Năm nào con tôi học cũng khá, giỏi, được thầy cô quý mến, bạn bè thương yêu. Từ nhà tới trường hơn 3 cây số. Nhà nghèo không tiền mua nổi một chiếc xe đạp. Lúc trời mưa trơn trượt phải đưa rước bằng xuồng”. Bà Được tiếp lời: “Thấy ba má khổ sở, vất vả… thằng Hùng, đứa con lớn phải nghỉ học đến 3 lần ở nhà phụ ba má nuôi các em. Nhưng, nhờ bà con thân tộc, thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ, vì Hùng học rất giỏi và ngoan hiền nên cháu nó mới trở lại trường học tiếp”.
Nhờ được chăm sóc, giáo dục chu đáo, các con ông Trang đều chăm chỉ học tập và lần lượt thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Ông Trang ngậm ngùi: “Suốt mấy năm học đại học, các con tôi phải thường xuyên ăn mì gói thay cơm. Biết ba má phải làm lụng vất vả nên các con tôi luôn chăm ngoan, nỗ lực học tập và đạt được thành tích tốt”.
Ông Trang dự buổi sinh hoạt Tổ nghề nghiệp trồng sầu riêng. |
Tiên phong trồng sầu riêng và biệt danh ông Trang “khùng”
Đến nay, các con của ông Trang đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định và có mức thu nhập khá. Ông Trang cho biết: “Hơn 8 năm trước, khi các con có việc làm và cuộc sống ổn định, tôi mới bày tỏ ý nguyện với các con là tôi rất ham làm vườn, trồng cây. Các con tôi đều ủng hộ, động viên tôi chuyển đổi 12 công đất ruộng đào rãnh, lên mô đất lập vườn trồng cây sầu riêng. Tôi có mấy đứa em ở tỉnh Tiền Giang trồng sầu riêng, sau khi coi đất ở Tràm Chim, mấy em trả lời: “Đất này trồng sầu riêng tốt lắm”. Thời gian đầu trồng, bà con cô bác thấy tôi cải tạo đất trồng sầu riêng, ai nấy cũng chê cười. Có người còn nói: “Thằng này khùng điên, đất này mà trồng sầu riêng cái gì, trồng được yết gì”. Tôi cũng mỉm cười chứ biết nói sao giờ? Trong đầu tôi nghĩ, nếu mà lên cây sầu riêng này mà không đạt thì tôi sẽ trồng cây khác”.
Với 12 công đất, ông Trang trồng được 215 gốc sầu riêng giống Ri6. Mỗi cây sầu riêng được trồng cách nhau 7m và hàng cách hàng cũng 7m. Ông Trang chia sẻ: “Đầu tiên trồng xuống cây chưa được phát triển, nhưng từ 6 tháng trở lên tôi bón phân hữu cơ thì thấy cây phát triển cũng tốt. Lúc cây tốt lên thì trưa nắng nó xỉu. Thấy vậy, tôi điện thoại hỏi đứa em, nó bảo: “Không sao đâu anh ơi, chiều là nó mát lại hà vì cây đang ra lá non”. Cây sầu riêng là loại khó tính, chăm sóc cũng khó lắm, khi mình trồng và chăm sóc kĩ thì rất suôn sẻ. Điều kiện chăm sóc tốt, sầu riêng sẽ cho trái trong 15 năm. Giai đoạn cho trái sung nhất là từ 7 tới 10 năm. Tôi có ước muốn là lập vườn sầu riêng này thành điểm du lịch cộng đồng để mọi du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm”.
Sau hơn 8 năm chăm sóc theo phương pháp bón phân hữu cơ, vườn sầu riêng của ông Trang cho thu hoạch lứa trái đầu tiên với gần 8 tấn. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 35.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Trang lãi khoảng 200 triệu đồng; ngoài ra còn tặng cả trăm kg trái sầu riêng cho bà con, bạn bè. Vụ sầu riêng thứ hai, ông Trang thu hoạch hơn 16 tấn trái, bán cho doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ, với giá 58.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Trang lãi trên nửa tỉ đồng. Vụ sầu riêng thứ ba đang cho trái và chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn một mùa nữa bội thu. Ông Trang và anh con thứ Nguyễn Văn Tâm, kĩ sư nông nghiệp chăm sóc vườn sầu riêng và tích cực tham gia Tổ nghề nghiệp trồng sầu riêng thị trấn Tràm Chim.
Trong chuyến thăm vườn sầu riêng của gia đình ông Trang, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao hiệu quả của vườn sầu riêng và chúc mừng chủ vườn Nguyễn Văn Trang. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ sớm triển khai nâng cấp, mở rộng, láng nhựa mặt đường cặp kênh ranh Thanh Bình - Tam Nông, đoạn từ cầu kênh Cỏ Bắc đến ranh xã Phú Cường tạo điều kiện cho các hộ dân nơi đây phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời, gợi ý chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ nhà vườn trồng cây ăn trái như: Sầu riêng, dừa, mít,… thành lập các Hội quán trồng cây ăn trái, đăng kí mã vạch, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định vững bền cho bà con…
Bây giờ, ở tuổi ngoài 70, ông Trang, bà Được đã có cuộc sống sung túc, ổn định; các con đều có việc làm, thu nhập ổn định và trở thành công dân hữu ích cho gia đình và xã hội. Hằng ngày, ông Trang vừa chăm sóc vườn sầu riêng mà mình yêu thích, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương; còn bà Được bán bánh, kẹo, nước giải khát… Thật hạnh phúc và cũng là phần thưởng cao quý sau những năm dài lao vào trận chiến tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng chính đôi tay, khối óc và tinh thần vượt khó vươn lên, với biệt danh “ông Trang khùng”!