Nhà lãnh đạo, nhà lí luận trẻ xuất sắc của cách mạng Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 08/07/2024 14:35
Những cống hiến to lớn
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ, sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng, được chứng kiến cảnh sống cực khổ của người dân dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm hình thành ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công, chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1927, ở tuổi 15, còn đang theo học ở trường Bưởi (Hà Nội), đồng chí đã hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua các phong trào đấu tranh yêu nước này, đồng chí đã bắt gặp và giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, ngày càng hiểu sâu sắc những tư tưởng lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm trên và đã giải đáp được những suy nghĩ, nguyện vọng, tâm tư tình cảm mà bấy lâu nay đồng chí vẫn ấp ủ trong lòng. Năm 1928, đồng chí bị đuổi học vì mật thám Pháp phát hiện đồng chí tham gia hoạt động cách mạng.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). |
Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ hội Bắc Kỳ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ than Đông Bắc - một trung tâm công nghiệp của Việt Nam lúc bấy giờ. Nhiệt huyết cách mạng, năng lực tổ chức phong trào, khả năng tuyên truyền cách mạng trong giai cấp công nhân của Nguyễn Văn Cừ sớm được thể hiện và đồng chí đã vượt qua những gian khổ, khó khăn của đời sống người công nhân vùng mỏ, gắn bó mật thiết với công nhân, tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ tinh thần yêu nước, trang bị bước đầu ý thức đấu tranh chính trị cho công nhân; gây dựng cơ sở trong phong trào công nhân. Nhanh chóng trưởng thành từ phong trào của giai cấp công nhân. Với hoàn cảnh thực tiễn và phong trào hoạt động cách mạng bí mật đầy khó khăn, nhưng qua tiếp xúc với công nhân và nông dân đã tôi luyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cừ trở thành người chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng kiên cường.
Chỉ sau một năm “vô sản hoá”, năm 1929, tuổi 17, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có số lượng công nhân tập trung lớn nhất nước ta. Tháng 6/1929, Ðông Dương Cộng sản Ðảng ra đời, đồng chí trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào đấu tranh của công nhân ở các mỏ than Vàng Danh, Mạo Khê đã phát triển mạnh mẽ, trong đó tiêu biểu là các hoạt động treo cờ, rải truyền đơn kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ở Mạo Khê (tháng 11/1929), gây tiếng vang lớn trong công nhân vùng mỏ.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Ðảng và đã tích cực tham gia thành lập các chi bộ Ðảng ở vùng mỏ.
Người cộng sản mẫu mực
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Mạo Khê, sau đó phát triển tổ chức cơ sở đảng trên toàn vùng mỏ, thành lập Đặc khu ủy mỏ, ra tờ báo Than. Ngay từ những số đầu tiên, tờ báo Than đã động viên, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng đứng lên đấu tranh chống chế độ áp bức bất công của thực dân Pháp, ủng hộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ngày 15/2/1931, trên đường đi công tác Cẩm Phả - Hồng Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam ở Nhà tù Hỏa Lò. Biết đồng chí là cán bộ Đảng phụ trách vùng mỏ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về Sở Mật thám Hải Phòng, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng moi tin tức nhưng chúng đều thất bại, sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) giam cầm. Mặc dù không đủ bằng chứng, nhưng Hội đồng đề hình Hà Nội vẫn xử đồng chí án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo.
Tại nhà tù Côn Đảo (từ năm 1931-1936), mặc dù dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt ý chí cách mạng của những chiến sĩ cộng sản, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí cán bộ trung kiên của Đảng biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Tại nhà tù, đồng chí đã được nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin như: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Hai sách lược của Đảng”, “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào công nhân”, “Nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin”… thắp sáng niềm tin vào tiền đồ thắng lợi của cách mạng.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và áp lực đấu tranh của Nhân dân ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do. Sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở về Hà Nội liên lạc với các đồng chí ở Trung ương thành lập ra “Ủy ban sáng kiến” nhằm khôi phục cơ sở và phát triển phong trào cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ ủy Bắc kỳ mở đầu cho thời kỳ khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời mở ra thời kỳ đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ và đưa Đảng ra hoạt động công khai.
Uy tín và tài năng của đồng chí đã được Đảng ta thừa nhận. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 25/8 đến 4/9/1937, đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. 6 tháng sau đó, với phẩm chất, trí tuệ và tài năng tổ chức đã được thể hiện của mình, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, họp từ ngày 29 đến 30/3/1938, đã bầu đồng chí làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, đồng chí đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa cách mạng nước ta vượt quan nhiều khó khăn, thử thách, kịp thời chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình trong nước và thế giới. Trong lịch sử Đảng ta, Nguyễn Văn Cừ là người giữ cương vị Tổng Bí thư ở độ tuổi trẻ nhất - khi đó đồng chí 26 tuổi.
Không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, Nguyễn Văn Cừ còn là một nhà lý luận, một cây bút trên mặt trận tư tưởng.
Cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Sang năm 1939, tình hình thế giới hết sức phức tạp, bọn tờ rốt kít đẩy mạnh chống phá Đảng Cộng sản, một số cán bộ nòng cốt của Đảng ta bị bọn “AB” chỉ điểm cho bọn mật thám bắt, trong nội bộ Đảng một số cán bộ có tư tưởng “tả khuynh” hay “hữu khuynh”. Để chấn chỉnh kịp thời những tư tưởng lệch lạc sai trái trên, tháng 7/1939, với bút danh Trí Cường đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích” là một tác phẩm lí luận cách mạng xuất sắc, đã chỉ đạo quần chúng cách mạng đấu tranh lột mặt nạ bọn tờ rốt kít phản động, thẳng thắn phê phán tư tưởng cải lương, thỏa hiệp dưới mọi màu sắc, đồng thời đưa ra nguyên lý phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng nhằm củng cố và xây dựng Đảng. Trong lời kết của tác phẩm “Tự chỉ trích” viết cách đây 85 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như đã để lại di huấn cho Đảng ta: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”(*). Và đến nay, tác phẩm “Tự chỉ trích” vẫn còn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Tháng 11/1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI. Trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng chí đã có những ý kiến chỉ đạo rất sắc sảo rằng chiến tranh thế giới xảy ra thì đế quốc sẽ nhảy vào phát xít hóa bộ máy thống trị Đông Dương, phải mau lẹ đưa các cơ sở Đảng của ta vào hoạt động bí mật và đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị đã đưa ra Nghị quyết nhấn mạnh: “Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, đồng thời thành lập Mặt trận dân tộc phản đế thay cho Mặt trận dân chủ”. Những quyết định đúng đắn kịp thời trên của Hội nghị Trung ương VI đã có vai trò quan trọng cho cách mạng nước ta trong thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945).
Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị quân thù xử bắn.
Trọn đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng vẻ vang do Ðảng lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ với 29 tuổi, hơn 13 năm tham gia cách mạng, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lí luận xây dựng Đảng, một tấm gương ngời sáng về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng của người cộng sản bất tử - đã dâng hiến cuộc đời cho độc lập của Tổ quốc, tự do dân tộc, lí tưởng quang vinh của Đảng. Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỗi cán bộ, đảng viên càng có thêm ý chí, quyết tâm, kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng, thống nhất ý chí và hành động, nêu cao khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr 645.