Nguy cơ mất hơn 33 tỉ đồng vì “sập bẫy” mượn tiền!
Pháp luật - Bạn đọc 20/01/2024 08:05
Cho mượn tiền với“niềm tin” vào nhân viên ngân hàng
Bà Loan cho biết: “Theo lời kể của cháu Tuyền, ngày 23/10/2019, Nguyễn Thị Thu Hiền (em họ Tuyền) giới thiệu Vy mượn tiền của Tuyền. Do Hiền và Vy là chị chồng em dâu, nên Hiền tin giới thiệu Vy cho Tuyền. Cùng ngày Vy gọi điện thoại hỏi và mượn 100 triệu đồng của Tuyền, lãi suất 3%/tháng, giao dịch bằng tiền mặt. Vy kí giấy mượn tiền và nói là mượn bỏ vào tiết kiệm để đạt chỉ tiêu của ngân hàng. Thời điểm đó, Vy là giao dịch viên tại một ngân hàng ở Bình Dương.
Sau lần đó, Vy mượn thêm của Tuyền vài lần nữa, với lí do là để bỏ vào tiết kiệm, bảo lãnh cho bạn mượn, mượn cho chị Hai của Vy... Số tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đều có kí giấy nợ, nhưng mỗi lần Vy kí giấy nợ cho Tuyền đều rất vội vã (không có chữ kí hoặc thiếu họ tên).
Tháng 2/2020, Vy nói với Tuyền là được lên bộ phận tín dụng làm, nắm danh sách khách đáo hạn rất nhiều, nên hỏi Tuyền có nhiều tiền không để vào làm với Vy. Tin Vy nên Tuyền đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do Tuyền đứng tên tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương thế chấp để có vốn làm đáo hạn với Vy.
Vy lên danh sách khách đáo hạn cho Tuyền trong một tháng, tới ngày khách đáo hạn, Tuyền chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt cho Vy và Vy chuyển khoản tiền lãi trước cho Tuyền; thời gian đáo hạn được cố định là 20 ngày.
2 trong nhiều giấy mượn tiền. |
Tuyền và Vy làm được vài tháng, thì Vy nói với Tuyền: Khách càng ngày càng nhiều, nên Tuyền chạy thêm nguồn tiền để giữ khách vì nó sợ mất mối. Tuyền tin Vy nên tiếp tục thế chấp thêm sổ đỏ ở phường Định Hoà, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là 3,5 tỉ đồng để làm đáo hạn với Vy. Vy vẫn trả lãi cho Tuyền đúng hẹn, chỉ có gốc là không đưa lại mà Vy ngày càng vay nhiều hơn. Vy vẫn nói khách càng nhiều nên lãi lấy được bao nhiêu Tuyền chuyển lại cho Vy không đủ thì Tuyền mượn thêm gia đình, bạn bè”.
Chiêu trò dùng mác “Đại gia”...
Cũng theo bà Loan: “Tháng 5/2020, Vy nói với Tuyền có khách hàng VIP đã làm ăn bên ngân hàng Vy 20 năm, với khoản vay lên đến vài chục tỉ đồng. Khách này tên là Phạm Thanh Phong. Vy nói ông Phong muốn mượn Tuyền 2 tỉ đồng trong vòng 3 tháng. Lần đầu có một khoản mượn lớn như vậy cho một người, nên Tuyền hơi đắn đo. Vy trấn an: Ông này ở công ty lớn, làm ăn lâu năm bên ngân hàng rất thân với giám đốc và rất uy tín. Thấy Tuyền chưa tin, Vy nói Vy đứng ra bảo lãnh khoản vay này cho ông Phong. Tuyền tin Vy, về bàn và thế chấp căn nhà của ba Tuyền đang ở lấy 2 tỉ đồng tiền mặt đưa cho Vy.
Từ thời điểm đó, cứ cách vài tuần, Vy nói ông Phong mượn vài trăm, mà cứ đúng đến ngày tới tiền lãi thì ông Phong lại mượn hoặc trả lãi ngày hôm trước, hôm sau kiếm cớ mượn lại với số tiền nhiều hơn. Cuối cùng không lấy được đồng lãi nào Tuyền phải bù tiền túi vào.
Ông Phong mượn ngày càng nhiều, Tuyền thì tiền có hạn dù gom hết tiền lãi mỗi lần Vy đưa cũng không đủ đưa cho ông Phong mượn, nên Vy kêu Tuyền mượn tiền bên ngoài với lãi suất cao.
Tháng 4/2021, Tuyền thấy không ổn: Tuyền làm ăn với Vy không thu được lợi nhuận gì mà tiền Tuyền có bao nhiêu Vy đều mượn hết. Thậm chí Tuyền còn mắc nợ ngân hàng và bên ngoài rất nhiều, nên Tuyền nói với Vy là bây giờ có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, còn nếu cứ bắt Tuyền phải chạy tiền ngoài thì Tuyền không làm nữa và thu hồi tất cả số tiền Vy đang mượn của Tuyền về. Vy sợ Tuyền thu hồi tiền lại nên không kêu Tuyền chạy tiền nữa”.
“Tặng xe” có giá trị lớn
Liên quan đến vụ việc, chị Tuyền cho biết thêm: “Tháng 5/2021, biết tôi không muốn đưa thêm tiền vô nữa, Vy vẫn hỏi mượn tiền tôi và đưa ra lãi suất cao, nhưng tôi không làm. Thấy không dụ được tôi, tháng 6/2021, Vy nói có một người khách tên Phi, vì tôi đã giúp cho mượn tiền nhiều lần nên muốn tặng Tuyền một chiếc Mercedes để tỏ lòng biết ơn và mong hợp tác lâu dài với tôi. Tôi rất bất ngờ, ai lại tặng món quà lớn như vậy nên không nhận. Vy yêu cầu nhận bằng được, vì Vy biết tôi rất thích chiếc xe này. Vy nói: “Người ta cho thì chị cứ lấy có gì đâu mà sợ. Với lại ông ấy muốn tặng chị coi như quà sinh nhật tháng 10 trước của chị”. Tôi không biết phải làm sao thì Vy báo với tôi, ông Phi đã đặt cọc chiếc xe. Sau khi thông báo cho tôi việc đã đặt cọc chiếc xe có giấy cọc của hãng xe để chứng minh thì Vy nói là ông Phi muốn mượn 900 triệu đồng.
Chưa kịp vui mừng, tôi đã phải chạy tiền để đưa cho Vy vì theo Vy nói chuyện này không thể từ chối vì đã nhận xe của người ta và số tiền cho mượn này không được nhận lãi. Tôi nghĩ, người ta cho mình chiếc xe 2 tỉ đồng mà mượn 900 triệu đồng, không lẽ không cho nên tôi lại đưa tiền cho Vy.
Ngày 17/6/2021, Vy nói với tôi là ông Phi đã thanh toán hết tiền xe bên hãng Mercedes rồi, kêu tôi coi ngày lấy xe.
Ngày 19/6/2021, Vy báo tôi là ông Phi không mua xe đó cho tôi nữa mà mua chiếc khác đắt tiền hơn. Tôi hỏi sao lại mua mắc tiền hơn, thì Vy nói là chiếc kia đúng màu nội thất chị thích đẹp hơn, sang hơn. Rồi lại kêu tôi cho ông Phi mượn 500 triệu đồng để bù vào tiền chênh lệch hai chiếc xe, vì ông đi gấp quá không đem theo đủ. Tôi không đồng ý. Tôi nói nếu không có đủ tiền thì đâu cần lấy chiếc mắc tiền hơn làm gì? Tôi cho Vy biết, bây giờ không ai cho mượn tiền nữa vì tôi đã mượn người ta quá nhiều còn chưa trả nên không thể mượn thêm”.
Nguyện vọng của người cao tuổi
Bà Loan bức xúc: “Từ sự việc trên, mà tôi và cháu Tuyền đang là nạn nhân. Thống kê số tiền Tuyền đã đưa cho Vy là: 33.182.000.000 đồng. Đến nay đã gần 4 tháng, Tuyền cho tôi biết là không liên lạc được với Vy.
Mặt khác, do tin tưởng Vy nên tôi đã đem hết tài sản dành dụm cho tuổi già của mình để Tuyền đưa cho Vy. Bây giờ do tuổi cao sức yếu, không ai nương tựa, mà tài sản cũng mất hết, tôi cũng không biết phải sống như thế nào (?!) Tôi buộc phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết để giúp cho Tuyền và tôi lấy lại được tiền”.
Để có thêm thông tin về vụ việc trên, ngày 18/1/2024, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi trực tiếp đến ngân hàng nơi chị Võ Đặng Yến Vy làm việc; đại diện ngân hàng tiếp, ghi nhận nội dung và sẽ báo cáo Giám đốc ngân hàng trả lời theo quy định.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi gửi toàn bộ nội dung vụ việc đến các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết nguyện vọng trên đây của người cao tuổi là bà Phạm Thị Kim Loan; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi là bà Loan và bạn đọc theo quy định.