Người cao tuổi kháng cáo bản án sơ thẩm, mong Tòa cấp phúc thẩm khách quan, công tâm
Pháp luật - Bạn đọc 30/10/2024 10:43
Nguồn gốc ngôi nhà, thửa đất
Bà Phạm Thị Mơ, 63 tuổi cho biết: Năm 1987, gia đình bà cùng 4 hộ cán bộ, công nhân khác được cơ quan bố trí cư ngụ tại ngôi nhà số 13 (nay là 19), đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Đà Lạt. Đây là nhà cấp 4 vắng chủ, 1 tầng, nền xi măng, không cổng, không hàng rào, không sân, lối ra đường đi chung với bất động sản liền kề (thửa 34). Nguồn gốc nhà là của bà Nguyễn Thị Nghiêm, cất lại trên thửa đất số 64, hiện là thửa 33 (1.216,7m2) do nhà cũ đã bị bom đánh sập hoàn toàn vào năm 1968.
Vì nhà xây đáp ứng nhu cầu cho 1 gia đình, nay ở tới 5 hộ; mỗi hộ 1 căn phòng với 4 bức tường, không có những tiện ích thiết yếu như bếp, toalet (cả ngôi nhà chỉ duy nhất 1 “lều” vệ sinh tạm bợ ngoài vườn)... nên ngay sau khi được bố trí, các hộ đã phải cải tạo, sang sửa, mở rộng thêm rất nhiều mới bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Ngôi nhà cấp 4 gia đình bà M tạo lập trên thửa đất hoang số 31 từ những năm 1980 và biên lai nộp thuế nhà - đất (ảnh nhỏ). |
Sau 4 năm cư ngụ tại nhà vắng chủ, gia đình bà Mơ được nhập hộ khẩu vào tháng 5/1991, trước cả thời điểm UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số: 800/QĐ-UB, ngày 11/9/1991, “tiếp nhận, quản lí nhà 13, đưa vào quản lí Nhà nước”. Tiếp theo, ngày 12/4/1993, UBND tỉnh ra Quyết định số: 521/QĐ-UBND cho các hộ thuê nhà.
Ngay sau khi cư ngụ tại nhà 13 (năm 1987), đồng thời với việc cải tạo cơi nới, mở rộng không gian sinh sống, vợ chồng bà Mơ khai phá phần đất hoang (cúc quỳ, ngũ sắc mọc; hằng ngày dân lùa bò lên chăn thả) để canh tác, trồng su su, bơ, mít... Đây là diện tích thuộc thửa 31 (307,4m2, chưa trừ lộ giới) hoàn toàn độc lập với thửa 33 (1.216,7m2, có nhà 13 toạ lạc). Trên thửa 31 này gia đình bà Mơ cất 1 căn nhà nhỏ bằng gỗ tạm và năm 1990 nâng cấp thành nhà xây cấp 4, diện tích gần 40m2. Tiếp đó, gia đình bà xây ta luy, làm hàng rào, làm cổng (cách lối đi của nhà 13, trên thửa 33 tới 50m).
Năm 1992, gia đình bà Mơ làm đơn xin cấp đất và được UBND phường 4 xác nhận đất đang sử dụng, canh tác, “không lấn chiếm thổ cư của ai”. Tương tự, ngày 18/6/1993, Phòng Giao thông - Đô thị TP Đà Lạt cũng tiến hành đo vẽ, lập tờ trình gửi cơ quan chức năng đề nghị cấp cho gia đình bà 280m2 đất ở...
Xin mua nhà và khởi kiện
Ngay khi có hợp đồng thuê nhà, gia đình bà Mơ cùng các hộ cư ngụ kí đơn tập thể xin hóa giá nhà theo chủ trương chung và được Phòng Hóa giá nhà thuộc Sở Xây dựng xuống đo đạc lập hồ sơ, định giá bán. Tuy nhiên, bà Mơ chưa kịp nộp tiền mua (9 triệu đồng) thì việc bán nhà trên địa bàn toàn tỉnh bị tạm ngưng để thanh tra. Một thời gian sau, các hộ lại tiếp tục có đơn và được cơ quan quản lí nhà xuống đo đạc, thẩm tra lại và trả lời: “Chờ định mức đất ở của TP Đà Lạt để tính giá mới”.
Trong khi chờ đợi, ngày 1/10/2002, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số: 2.589/QĐ-UB thu hồi nhà, đất số 13, giao Sở Y tế xây trụ sở. Hơn 2 năm sau, ngày 9/11/2004, UBND tỉnh ra tiếp Quyết định số: 3.102/QĐ-UB thu hồi toàn bộ khuôn viên đất nhà 13 giao Sở Y tế (Quyết định 2.589 đã thu hồi đất rồi nay lại thu nữa). Do Sở Y tế có trụ sở mới tại địa điểm khác nên ngày 16/1/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số: 132/QĐ-UB thu hồi nhà đất tại nhà số 13 giao lại cho cơ quan quản lí nhà là Trung tâm Quản lí (QL) Nhà TP Đà Lạt quản lí. Gần 12 năm sau, ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số: 2.641/QĐ-UBND, theo đó nhà 13 “giữ lại tiếp tục sử dụng theo Luật Nhà ở và Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ”.
UBND phường xác nhận đất gia đình bà M khai phá, không lấn chiếm thổ cư... trước thời điểm Luật Đát đai 1993 có hiệu lực thi hành |
Có thể thấy, 2 Quyết định số: 132 năm 2009 và Quyết định số: 2.641 năm 2020) đã “hóa giải” 2 Quyết địnhsố: 2.598 năm 2002 và Quyết định số: 4.102 năm 2004. Tức, không thu hồi, phá bỏ nhà 13 để xây trụ sở Sở Y tế nữa mà giữ lại quản lí theo pháp luật nhà ở. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn “kéo dài” không đáp ứng yêu cầu chính đáng của gia đình bà Mơ, bất chấp việc ông Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã “chỉ đạo” tại 1 buổi tiếp dân vào giữa năm 2019: “Sẽ giải quyết dứt điểm trong vòng 6 tháng, thậm chí sớm hơn”. Tương tự, UBND TP Đà Lạt nhiều lần ra văn bản, khẳng định: “Các hộ đủ điều kiện mua nhà theo Khoản 2, Điều 63 Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP”!
Trước sự “dây dưa” nhiều năm của UBND tỉnh, bà Mơ chính thức phát đơn khiếu nại. Tuy vậy, phải tới 8 tháng sau, ngày 16/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp (vừa bị khởi tố, bắt giam bởi hành vi nhận hối lộ) mới ra quyết định số: 2.166/QĐ-UBND bác đơn, khiến vợ chồng bà Mơ phải “đáo tụng đình”. Điều đáng nói, khi tòa đã thụ lí thì ngày 15/5/2023, UBND TP Đà Lạt ra Thông báo số: 129/TB-UBND “thu hồi, giải tỏa nhà, đất số 19 (13 cũ) Huỳnh Thúc Kháng” để... “bán đấu giá” (!).
“Ông Trần Văn Hiệp bị chúng tôi kiện vì lí do bác đơn vô cùng phi lí, mâu thuẫn. Đã thế, UBND TP Đà Lạt lại ban hành thông báo thu hồi trái luật khiến chúng tôi phải kiện cả cơ quan này” - bà Mơ bức xúc!