Người cao tuổi hãy cảnh giác với việc kí hợp đồng giả cách để vay tiền
Pháp luật - Bạn đọc 17/06/2023 09:00
Ngày 12/6/2012, ông Dũng nói với ông Bảo và bà Toán phải làm giấy ủy quyền tài sản cho ông Dũng. Ông Dũng đưa ông Bảo, bà Toán đến văn phòng công chứng để kí một số giấy tờ. Do thấy có nội dung chuyển nhượng đất, nên ông Bảo, bà Toán không kí, mà chỉ đồng ý thế chấp sổ đỏ để vay tiền. Ông Dũng động viên, giải thích đây chỉ là thủ tục, hình thức chuyển nhượng nhằm bảo đảm cho việc vay tiền, chứ không phải là chuyển nhượng thật, khi nào trả hết nợ ông Dũng sẽ giao trả sổ đỏ. Tin lời ông Dũng, ông Bảo, bà Toán kí vào Hợp đồng chuyển nhượng đất cho riêng một mình ông Dũng.
Ngôi nhà tầng xây trên thửa đất để ở và thờ cúng tổ tiên. |
“Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chúng tôi kí chỉ là giả cách, nhằm thay thế cho việc chúng tôi thế chấp đất để vay tiền ông Dũng, chứ chúng tôi không chuyển nhượng thửa đất này, vì trên đất còn nhà chúng tôi xây và một phần đất chúng tôi đã chuyển nhượng cho hai hộ nữa để họ xây nhà ở” - bà Toán khẳng định.
Ông Dũng không giải ngân hết khoản tiền hứa cho vay, mà chi theo nhiều đợt, cụ thể ngày 6/6/2012, ông Dũng đưa cho ông Bảo, bà Toán 250 triệu đồng; ngày 12/6/2012, ông Dũng lại đưa thêm 531 triệu đồng nữa, đồng thời bảo ông Bảo, bà Toán kí vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; sau khi ông Bảo, bà Toán kí vào Hợp đồng chuyển nhượng, ngày 24/7/2012, ông Dũng đưa cho họ 100 triệu đồng nữa. Cảm thấy không yên tâm khi kí kết vào Hợp đồng chuyển nhượng, ông Bảo, bà Toán mời vợ chồng ông Dũng đến nhà nói chuyện. Ngày 10/8/2012, tại nhà ông Bảo, bà Toán, ông Lương Ngọc Bảo và ông Nguyễn Tuấn Dũng lập Biên bản thỏa thuận vay vốn, trong đó ghi rõ: “…Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản của bên A (bên vay tiền) cho bên B (bên cho vay tiền) không có giá trị chuyển nhượng thật, mà là để tạo điều kiện thuận lợi cho bên A được vay vốn với thời hạn 5 năm. Số tiền bên A được vay của bên B là 1 tỉ đồng…”. Ngày 27/8/2012, ông Dũng giao cho ông Bảo, bà Toán thêm 104 triệu đồng, đồng thời nhận lại 15 triệu đồng tiền lãi đến hết tháng 8/2012.
Bà Trương Thị Toán trình bày sự việc với phóng viên. |
Bỗng dưng khoảng tháng 11/2012, có ông Nguyễn Văn Bình đến đòi lấy nhà. Hỏi ra mới biết, ông Dũng cùng vợ là bà Mai Thị Diễm Hằng kí Hợp đồng ủy quyền cho ông Bình, toàn quyền xử lí quyền sử dụng đất của gia đình ông Bảo, bà Toán. Ông Bảo, bà Toán không đồng ý giao nhà với lí do không bán nhà, bán đất mà chỉ kí hợp đồng giả cách để vay tiền.
“Ông Bình nhận ủy quyền của vợ chồng ông Dũng, nhưng có lần đưa đến nhà tôi rất nhiều người, vào nhà ngồi tôi pha nước tiếp, nói chuyện. Nhưng khi tôi mời họ ra khỏi nhà thì họ nhất định không ra, buộc tôi phải mời Công an phường và Công an 113 đến xử lí” - bà Toán bức xúc.
Bà Toán cho biết, vợ chồng bà nhiều lần đến tìm ông Dũng nhằm làm rõ sự việc, nhưng không thể gặp được. Đến khoảng tháng 11/2013, họ mới gặp được ông Dũng, đề nghị cho trả tiền vay để nhận lại sổ đỏ. Ông Dũng hẹn mấy ngày nữa sẽ giải quyết, nhưng sau đó lại cắt liên lạc. Đến tháng 9/2014, bà Toán mới gặp lại được ông Dũng, hai bên cò kè trao đi đổi lại mãi mới chốt nợ cả gốc và lãi là 1.550.000.000 đồng. Trong hai ngày 22 và 28/10/2014, bà Toán nộp trả cho ông Dũng 100 triệu đồng. Đến ngày 5/12/2014, ông Dũng kí Bản cam kết với bà Toán, có nội dung: “… Tính đến thời điểm hiện tại bên B (bên vay tiền) nợ bên A (bên cho vay tiền) là 1.550.000.000 đồng. Bên B đã trả cho bên A là 100 triệu đồng.
Bên B cam kết trong vòng không quá 90 ngày làm việc, kể từ thời điểm này sẽ thanh toán toàn bộ khoản tiền nợ còn lại cho bên A. Bên A cam kết trong vòng không quá 90 ngày làm việc kể từ thời điểm này, sẽ hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng lại bất động sản cho bên B”.
Ông Bảo, bà Toán nhiều lần đề nghị gặp ông Dũng để trả nợ theo cam kết, nhưng ông Dũng khất lần, rồi cắt đứt liên lạc. Bỗng dưng trong nhiều ngày ông Bình và bà Lê Mai Khanh liên tục đưa người đến đòi nhà của gia đình ông Bảo, bà Toán. Lúc đó ông Bảo, bà Toán mới biết ông Bình đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất này cho bà Khanh. Về phần ông Dũng, từ đó ông Bảo, bà Toán không thể gặp được. Sự việc cứ thế lằng nhằng không giải quyết, buộc ngày 4/7/2022, bà Toán phải làm Đơn khởi kiện vụ án dân sự gửi TAND quận Hoàng Mai. Thế nhưng từ đó đến nay, họ chỉ gặp sự “im lặng”, không thấy Toà án trả lời có thụ lí giải quyết hay không!?
Theo các chuyên gia pháp lí thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gia đình bà Toán cho rằng giả cách, là có căn cứ. Thứ nhất, xác minh thực tế cho thấy, trên thửa đất có xây nhà tầng để ở. Thửa đất này là đất hương hỏa, ông bà để lại cho gia đình ông Bảo ở và thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, trên thửa đất không chỉ có hộ ông Bảo, bà Toán ở, mà còn hai hộ khác đã xây nhà và ở chung ổn định. Tài liệu cho thấy, ngày 14/9/2006, ông Lương Ngọc Bảo lập Giấy cho quyền sử dụng đất cho con gái, là chị Lương Như Phượng, với diện tích 70m2, nằm trong 194m2 đất ở sử dụng riêng của thửa đất. Ngày 19/5/2010, chị Phượng thông qua bố mẹ chuyển nhượng 25m2 cho vợ chồng ông Trịnh Quốc Uy, bà Vũ Thị Thúy. Đến ngày 21/1/2011, lại chuyển nhượng 26m2 cho vợ chồng ông Trương Quang Thuận, bà Nguyễn Thị Nhạn. Khó có thể có chuyện ông Bảo, bà Toán chuyển nhượng đất cho ông Dũng. Thứ hai, căn cứ giá chuyển nhượng đất cho hai gia đình trước đó, thì tính ra giá đất từ 21 - 22 triệu đồng/m2. Nếu ông Bảo, bà Toán chuyển nhượng đất cho ông Dũng tổng diện tích 246m2, thì bỏ rẻ cũng phải từ 4 - 5 tỉ đồng (kể cả biến động giá thị trường bất động sản theo, không thể chỉ lấy 1 tỉ đồng, rồi phải trả lãi và kết lại phải nhận nợ cả gốc lẫn lãi là 1.550.000.000 đồng. Còn nếu cho rằng đó không phải hợp đồng giả cách, thì hợp đồng cũng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Thế nhưng, ông Dũng sử dụng Hợp đồng chuyển nhượng đó để đăng kí biến động đất đai, sang tên ông Dũng ngày 25/7/2012. Sau đó ngày 5/3/2013 lại đăng kí biến động sang tên bà Lê Mai Khanh.
Bài học rút ra từ câu chuyện của gia đình ông Bảo bà Toán, nếu người cao tuổi có nhu cầu vay tiền, mà không liên kết vay được ở ngân hàng, thì phải dùng hình thức khác, như kí hợp đồng vay tiền, hợp đồng thế chấp tài sản, không nên kí hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (dù là Hợp đồng giả cách). Nên chăng, TAND quận Hoàng Mai sớm đưa vụ án ra xét xử, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình người cao tuổi.