Sao chưa xử lí, kết luận về tố cáo hành vi cho vay nặng lãi?
Đơn thư bạn đọc 29/10/2021 08:19
Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2019/DS-GĐT ngày 4/10/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh |
Mặc dù, nguyên đơn bà Trần Bích Trâm không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông Lê Minh Nguyên (bị đơn) có ký hợp đồng vay tiền của bà Trâm hoặc có ký xác nhận hoặc ủy quyền cho bà Võ Thị Thúy Hiền (bị đơn, vợ của ông Nguyên) thực hiện giao dịch vay tiền của bà Trâm, bà Trâm cũng không chứng minh được bà Hiền vay tiền của bà Trâm là nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc góp vốn vào hoạt động kinh doanh chung của gia đình. Thế nhưng, Bản án số 56 của và Quyết định giám đốc thẩm số 195 lại xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyên là “bị đơn” và buộc ông Nguyên có trách nhiệm liên đới với bà Hiền trả nợ cho bà Trâm, như vậy là thể hiện trái quy định pháp luật, có dấu hiệu vi phạm Điều 24, 25, 26, 27, 30 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyên.
TAND TP Xuyên, tỉnh An Giang đưa vụ án xét xử tranh chấp hợp đồng vay tài sản ngày 3/10/2018 cũng chưa làm rõ nhiều nội dung liên quan đến việc bà Trâm cho bà Hiền vay tiền, như: Bà Trâm cho bà Hiền vay tiền để làm gì? Nguồn tiền bà Trâm cho vay là từ đâu? Khi cho vay thì ai là người giao nhận tiền? Việc cho vay, giao nhận tiền này có ai chứng kiến hay không? Từ năm 2014 cho đến khi khởi kiện thì bà Trâm đã thu tiền lãi suất của bà Hiền là bao nhiêu? Lãi suất cho vay có phù hợp quy định pháp luật hay vượt trần lãi suất cho vay? Nếu bà Trâm cho bà Hiền vay tiền vượt quá quy định pháp luật thì có phải là cho vay nặng lãi hay không?
Đồng thời, hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2014 cho đến đầu năm 2017, bà Trâm cho bà Hiền vay tiền là có lãi, với nhiều mức lãi suất khác nhau, từ 0,3%/ngày (tương ứng 108%/năm) đến 0,45%/ngày (tương ứng 162%/năm), mức lãi suất cho vay này là vượt quá quy định pháp luật, thể hiện vi phạm khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Các bút lục từ số: 389 – 398, 400 – 450). Cũng theo điều khoản này quy định thì “Lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Số tiền thu lợi vượt quá quy định pháp luật lên đến hàng tỷ đồng, như vậy, đã có đủ cơ sở chứng minh bà Trâm có dấu hiệu thực hiện hành vi “Cho vay lãi nặng”, thế nhưng các cấp Tòa án không xem xét và cũng không chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, làm rõ, xử lý hành vi thể hiện “Cho vay lãi nặng” là không đúng quy định pháp luật, là có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Khoản 1 Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Như vậy TAND TP Long Xuyên phải xác định từ năm 2014 đến ngày 11/2/2017, bà Hiền đã trả cho bà Trâm bao nhiêu tiền lãi suất? Đồng thời, phải tính lại số tiền lãi suất mà bà Trâm đã nhận này, xem số tiền lãi suất nào phù hợp pháp luật thì công nhận cho bà Trâm, còn số tiền lãi suất nào vượt quá quy định pháp luật thì không có hiệu lực, và phải tuyên xử khấu trừ vào số nợ gốc còn phải trả cho bà Trâm, như vậy mới phù hợp quy định pháp luật.
Mặc dù, bà Trâm không cung cấp được chứng cứ, chứng minh ông Nguyên (bị đơn) có ký hợp đồng vay tiền của bà Trâm hoặc có ký xác nhận hoặc ủy quyền cho bà Hiền (bị đơn, vợ của ông Nguyên) thực hiện giao dịch vay tiền của bà Trâm; bà Trâm cũng không chứng minh được bà Hiền vay tiền của bà Trâm là nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc góp vốn vào hoạt động kinh doanh chung của gia đình.
Thế nhưng cả 2 cấp tòa Sơ thẩm TAND TP Long Xuyên và Phúc thẩm TAND tỉnh An Giang lại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản chung của ông Nguyên và bà Hiền, là thể hiện làm không đúng khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tại Điều 133 quy định: “Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”. Trong khi chưa xác định được giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và nghĩa vụ tài sản mà bà Hiền và ông Nguyên phải thực hiện, nhưng Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản chung của ông Nguyên và bà Hiền là thể hiện làm trái pháp luật.
Bà Trâm có hành vi thể hiện “Cho vay lãi nặng”, thế nhưng, ở phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Long Xuyên xét xử ngày 3/10/2018 và phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh An Giang xét xử ngày 10/4/2019 đã không xem xét và cũng không chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, làm rõ, xử lý hành vi thể hiện “Cho vay lãi nặng” của bà Trần Bích Trâm.
Trong khi, hành vi thể hiện “Cho vay lãi nặng” của bà Trâm được Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khẳng định trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 108/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 29/7/ 2019.
Dấu hiệu cho vay nặng lãi
Trong đơn tố giác tội phạm về hành vi cho vay nặng lãi gửi Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Trưởng Công an TP Long Xuyên tố cáo bà Trần Bích Trâm cư trú tại số 88/2 Trần Hưng Đạo, khóm Đông Thịnh 2, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có hành vi có dấu hiệu phạm tội cho vay nặng lãi quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; ông Lê Minh Nguyên phản ánh: “Trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ cho thấy, bà Trâm là đối tượng cho vay nặng lãi. Hành vi cho vay nặng lãi bằng việc thể hiện 9%/tháng, tương ứng 108% năm. Trong khi theo quy định của pháp luật chỉ áp dụng 13,5%/ năm."
Ngày 9/10/2019, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an có “Phiếu chuyển đơn” số 1082/C0-P1 do Thiếu tướng Trần Minh Lệ gửi Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, có nội dung: “Nguồn đơn: Bưu điện. Tóm tắt nội dung đơn: Tố cáo bà Trần Bích Trâm, trú tại số 88/2 Trần Hưng Đạo, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có hành vi cho vay nặng lãi; đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển đơn đến đồng chí để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Cơ quan điều tra Bộ Công an biết.”
“Phiếu chuyển đơn” số 1082/C0-P1 ngày 9/10/2019, của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an |
Ngày 22/11/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang ra “Thông báo về việc chuyển đơn” số 75 do Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra ký, với nội dung: “ Kính gửi ông Lê Minh Nguyên: Địa chỉ số 128, khóm Đông An 5, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang nhận được “Giấy đề nghị” ghi tên ông đề ngày 29/10/ 2019. Nội dung: Yêu cầu sớm giải quyết đơn của ông đối với bà Trần Bích Trâm, ngụ 82/2, Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên tỉnh An Giang có hành vi cho vay nặng lãi. Sau khi xem xét nội dung đơn, thấy vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang chuyển đơn đến đồng chí Trưởng Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Thông báo về việc chuyển đơn của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang |
Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng
Thượng tá Lê Hữu Nhàn, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang kí, ban hành “Thông báo về việc tiếp nhận tố giác về tội phạm” số 237/TB-CQCSĐT- ĐTTH ngày 27/4/2020, có nội dung: “Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Long Xuyên tiếp nhận đơn tố giác của ông Lê Minh Nguyên, nội dung tố giác bà Trần Bích Trâm, cư trú: số 88/2 Trần Hưng đạo, khóm Đông Thịnh 2, phường Mỹ Phước TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có hành vi cho vay nặng lãi, trong việc cho vợ ông là bà Võ Thị Thúy Hiền cư trú: Số 128 Võ Thị Sáu, khóm Đông An 5, phường Mỹ Xuyên TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vay tiền trong thời gian từ năm 2014 đến 2016. Căn cứ các Điều 36, 145, 146 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Long Xuyên tiến hành kiểm tra xác minh, nội dung nêu trên”.
“Thông báo về việc tiếp nhận tố giác về tội phạm” số 237/TB-CQCSĐT- ĐTTH ngày 27/4/2020, của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Long Xuyên |
Hành vi “Cho vay lãi nặng” của bà Trâm đã được Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khẳng định trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 108/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 29/7/2019.
Từ khi ông Nguyên, bà Hiền làm Đơn tố giác tội phạm để tố cáo hành vi “Cho vay lãi nặng” có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Trâm ngày 27/09/2019, đến nay đã hơn 2 năm, nhưng chỉ mới có Thông báo thụ lý Đơn tố giác tội phạm đối với hành vi “Cho vay lãi nặng” của bà Trần Bích Trâm, mà chưa có quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Ông Nguyên cho biết, đã gửi Đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm đối với Bản án số 56/2018/DS-ST ngày 3/10/2018 của TAND TP Long Xuyên và Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2019/DS-GĐT ngày 4/10/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh từ tháng 5/2020. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết; và tất cả những nghi vấn, có dấu hiệu khuất tất nêu trên đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Chính vì vậy ông Nguyên và gia đình đang rất trông chờ một quyết định tái thẩm công minh, đúng pháp luật của TAND Tối cao để xem xét lại toàn bộ vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa bà Võ Thị Thúy Hiền với bà Trần Bích Trâm.