Một số bài báo nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết 100 năm trước
Nghiên cứu - Trao đổi 21/06/2024 08:00
Còn nhớ, những năm tháng đầu tiên xa nước, đặt chân lên các nước Âu-Phi-Mỹ La tinh, được tiếp xúc với nền báo chí phát triển, người đã nhận thấy sức mạnh to lớn của báo chí đối với đời sống xã hội. Từ đó Người luôn dành thời gian trong quỹ thời gian quý báu của mình để tự học viết báo. Năm 1919, Người đã có bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Versailles đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong bản Yêu sách, Người đã thay mặt toàn thể Nhân dân Việt Nam yêu cầu chính quyền thực dân Pháp phải cho “Tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Bản Yêu sách gây tiếng vang lớn tại Pháp và được Báo Dân Chúng (Le Populaire), Báo Nhân Đạo (L' Humanité) và Nghị Xã Báo (Trung Quốc) đăng tải.
Năm 1921, sau khi được tiếp xúc với bản Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, Người tham gia Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên, Người đã có ngay những bài báo đầu tiên về vấn đề Đông Dương và được đăng trên Tạp chí Cộng sản (số ra ngày 14/4 và 15/5/1921). Tháng 10/1921, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pa-ri. Hội đã cho xuất bản báo Le Paria làm cơ quan ngôn luận của Hội. Và Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm, kiêm chủ bút, chỉ đạo biên tập và trình bày báo.
Bác Hồ với phóng viên báo chí. |
Cách đây đúng 100 năm (1924-2024), nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã có những bài báo gây tiếng vang lớn ở châu Âu nói chung và trên đất Pháp nói riêng. Ngay ngày đầu tiên của năm, ngày 1/1/1924, Người viết bài: “Phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ” đăng trên báo Nhân đạo. Ngày 4/1/1924, Người tiếp tục viết hai bài báo về “Tình cảnh nông dân Việt Nam” và “Tình cảnh nông dân Trung Quốc”, đăng trên báo Đời sống thợ thuyền. Ngày 25/1/1924, trên báo Đời sống công nhân tiếp tục xuất hiện bài viết “Phong trào công nhân ở Viễn Đông”…
Những bài báo trên, Người đề cập đến cuộc sống cùng khổ và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Những cuộc đấu tranh đó đã thu hút hàng trăm, hàng ngàn người vào các cuộc đình công, bãi công, đòi cải thiện đời sống, tăng tiền lương, giảm giờ làm, chống những luật lệ hà khắc của bọn chủ tư bản, đồng thời nâng cao ý thức đoàn kết giai cấp, phát triển và củng cố các tổ chức công hội. Thông qua các bài viết, Người đã xác định rõ kẻ thù chung của giai cấp công nhân quốc tế là chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Muốn đánh đổ chủ nghĩa đế quốc quốc tế, giai cấp công nhân quốc tế phải tăng cường tình hữu ái giai cấp, đẩy mạnh đấu tranh giai cấp hơn nữa.
Nhà báo Nguyễn Ái Quốc còn chỉ rõ, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân các nước thuộc địa và phụ thuộc phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở chính quốc. Ngoài ra, tác giả còn chỉ rõ, các cuộc đấu tranh muốn giành được thắng lợi, phải bỏ ngay tính chất đấu tranh “phường hội”, nâng cao ý thức tổ chức và tính kỉ luật. Riêng các bài viết về tình cảnh nông dân Việt Nam và Trung Quốc, Người khẳng định, họ đều phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản, họ phải làm việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch, họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng… Và Người chỉ ra: Muốn xóa bỏ tất cả những điều đó, những người nông dân phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, và có đủ khả năng thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả ruộng đất về tay nông dân”. Sau ngày mất của Lênin (21/1/1924), với tất cả sự kính phục, thương tiếc sâu sắc, Người đã viết nhiều bài báo về Lênin. Ngày 27/1/1924, Người có bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Sự Thật (Pravda) của Liên Xô. Bài viết nhấn mạnh: “…Người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa…. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể”. Ngày 1/7/1924, Người viết bài “Lênin và các dân tộc phương Đông”, đăng trên Báo Người Cùng Khổ (Le Paria): “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.
Những năm sau đó, Người có rất nhiều bài viết nữa về Lê-nin. Những bài viết này đều có nhận định chung: “Lê-nin mất là một cái tang chung cho khắp mọi người”; rằng “Lê-nin là người đầu tiên đã mở ra một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”; “Các dân tộc thuộc địa yêu Lê-nin vì đạo đức vĩ đại và cao cả của Người, coi khinh sự xa hoa, yêu lao động, trong sạch về đời sống riêng …” … Từ sự kính phục, tin yêu, các dân tộc thuộc địa dần hiểu biết và đặt sự tin tưởng, hi vọng vào Đảng theo chủ nghĩa Lênin, những Đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản do Lê-nin sáng lập.
Cũng trong năm 1924, Người viết bài “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Đời sống thợ thuyền (La Vie Ouvrière). Bài viết nêu ra luận điểm hết sức quan trọng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Vậy nên làm cách mạng phải có sự phối hợp ở cả chính quốc và thuộc địa, giống như một con chim hai cánh, một cánh vỗ ở thuộc địa, một cánh vỗ ở chính quốc. Quả là những hình ảnh ẩn dụ đắt giá!
Cuối tháng 3/1924, Người viết bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, đăng trên Tạp chí Thư tín Quốc tế, tiếp tục nói lên quan điểm của mình về vấn đề thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc. Bài báo đã phân tích một cách sâu sắc chính sách phản động nham hiểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương và Thái Bình Dương cùng với những hậu quả nghiêm trọng của nó. Người chỉ rõ: “Ngày nay chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dùng những người vô sản ở các thuộc địa thống trị những người vô sản da trắng”… Những chính sách đó “không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương; nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa”. Từ đó, Người đi đến kết luận: Vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương (và vấn đề thuộc địa nói chung) có liên quan mật thiết đến phong trào công nhân châu Âu và quốc tế. Giai cấp vô sản quốc tế phải quan tâm, phải có trách nhiệm đối với vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương. Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước tư bản phải kết hợp chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa để cùng đánh đổ một kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Bài viết còn đưa ra một tiên đoán thiên tài: “Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quang Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới”.
Với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể và sinh động, bài viết đã góp phần làm sáng tỏ luận điểm của Lê-nin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Cùng với bài báo trên, Người còn có bài viết khác gióng lên một hồi chuông báo động cho toàn thể loài người biết trước cội nguồn xuất phát của tai họa phát xít - bài báo “Hành hình kiểu Lyn-sơ, một hiện tượng hiếm có của nền văn minh Mỹ”- một kiểu hành hình man rợ, ghê tởm với những hình phạt không cần xét xử, không cần tuyên án theo một luật lệ nào cả… “Trên mảnh đất nhầy nhụa mỡ và khói, một đầu lâu đen nát bét, bị thui cháy không ra hình thù gì nữa, nhăn nhó một cách đáng sợ và hình như muốn hỏi vầng mặt trời đang sắp lặn rằng: “Văn minh là như vậy đó sao?”. Những vụ hành hình “kiểu Lyn-sơ” này được bọn cầm quyền và nhất là báo chí phản động bao che. Báo chí thực dân còn nhân cơ hội này để tăng số phát hành mà “không có một tiếng trách móc nào đối với bọn giết người, không có một lời thương xót nào đối với những nạn nhân. Không một lời bình luận nào”. Quả là “Hành hình kiểu Lyn-sơ thật đáng chiếm chiếm một vị trí vinh dự trong toàn bộ những tội ác của nền “văn minh” nước Mỹ” (Đăng trên Tạp chí Thư tín Quốc tế, số 59-1924). Tuần báo Chân trời của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) số 37 năm 1974, đã đăng lại toàn bộ bài này và cho rằng: “Với bản cáo trạng này, Hồ Chí Minh đã xuất hiện như một chiến sĩ chân chính của chủ nghĩa quốc tế vô sản và người bảo vệ nhân quyền và tự do của tất cả những người bị áp bức dù họ cư trú ở bất kì nước nào”.
Cũng trong năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Tại diễn đàn Đại hội, Người khẳng định: “Báo chí chủ nghĩa cộng sản có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản”.
Chính vì vậy mà ngày 21/6/1925, Người đã sáng lập ra tờ “Thanh niên” - tờ báo đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người trực tiếp chỉ đạo viết bài và tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí. Và chính Người đã trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí của giai cấp vô sản Việt Nam và thế giới…
Tròn 100 năm, dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh - dấu ấn của nhà báo thiên tài và những bài báo của Người vẫn còn đó, lấp lánh và tỏa ra những thứ ánh sáng diệu kì. Tuy nhiên, nói như cách nói của cố nhà văn Sơn Tùng: “Những chuyện Bác Hồ - cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn!”. Nói như vậy để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, khám phá tầm vóc vĩ nhân của Người - một con Người suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng luôn vì dân và lấy dân làm gốc. Vâng, “Hồ Chí Minh của chúng tôi trước hết là một con người, sau cùng cũng là một con người, dù Người vĩ đại như thần thánh!” (Phạm Văn Đồng)… TLTK: Những sự kiện lịch sử Đảng - tập I (1920-1945) của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương- Nxb Sự thật-HN 1976).