Miếng bánh mì cháy
Cùng suy ngẫm 18/03/2022 14:05
Người ông nêu lí thuyết về lời nói trên, rồi dạy đàn cháu: “Vui mừng với ai trong công việc gì, trước hết mình phải có lời động viên người ta. Phê bình ai về điều gì, trước hết mình phải cân nhắc lòng tự tôn của người ta. Bực mình với ai chuyện gì đó, trước hết phải nhớ chớ nặng lời”.
Nghe ông nói vậy trong “Ngày Phụ nữ quốc tế 8/3”, bà liền yêu cầu ông kể cho cả nhà một câu chuyện thú vị về ứng xử đối với phụ nữ. Thế là ông thuật lại câu chuyện “Miếng bánh mì cháy” của một nhà văn nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Nhà văn ấy viết rằng: “Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài, liền đi nhanh vào bếp làm bữa tối cho cha con tôi. Lát sau, bà dọn ra bàn mấy lát bánh mì bị nướng cháy, không phải cháy sém mà là cháy đen. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi lời nhận xét của cha về bữa ăn bất thường ấy.
Cha tôi cầm nhanh miếng bánh ăn ngon lành và dành thời gian hỏi tôi về những bài tập lớp 5 cô giáo giao cho học sinh cũng như những việc ở trường học. Tôi không còn nhớ tôi đã trả lời cha những gì hôm đó, nhưng lại nhớ lời mẹ tôi xin lỗi cha tôi vì đã nướng cháy bánh mì và lời đáp của cha tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.
Đêm đó, tôi đến bên cha chúc ông ngủ ngon và hỏi ông có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày. Cha nhận ra mẹ rất mệt. Một vài lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ. Con có nhận ra điều gì thực sự gây tổn thương cho mẹ không? Những lời chê bai trách móc của chúng ta đấy!”. Ông nói tiếp: “Trên đời chẳng ai hoàn hảo được mọi thứ. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên mối quan hệ lành mạnh và bền vững con ạ”.
Nghe ông kể câu chuyện này, bà mủi lòng rơi lệ, nói: “Trong cuộc sống, ai cũng cần biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với tính cách của mọi người dễ tạo cho mình có cuộc sống dung hòa cần thiết. Chính sự cảm thông là bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình và kết nối bạn bè. Những lời nói tốt đẹp chẳng khác gì phép màu khiến người khác cảm thấy được thấu hiểu, được động viên mà vui vẻ”.
Nghe lời ông, lời bà, cậu cháu nội thưa rằng mình cũng là học sinh lớp 5, hẳn cùng tuổi với cậu bạn trong câu chuyện “Miếng bánh mì cháy”. Cậu còn khoe cô giáo ở trường vừa cho học câu ca dao “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”