Loại trừ “vi-rút truyền thông” trên không gian mạng
Nghiên cứu - Trao đổi 04/08/2021 11:18
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống Covid-19, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ hướng về TP Hồ Chí Minh và các địa phương miền Nam ngày đêm vật lộn trong cuộc chiến cam go, quyết liệt không kém gì trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch thuộc các ngành Y tế, Quân dội, Công an, đội ngũ những người tiên phong trên mặt trận báo chí, truyền thông cũng hăng hái vào trận. Nhiều nhà báo xông vào vùng dịch, ổ dịch, khu vực cách li, bệnh viện, khu công nghiệp… phản ảnh nhanh nhạy tình hình diễn biến của dịch bệnh, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân biết sự thật, chính xác, cổ vũ tinh thần và biểu dương người tốt việc tốt, nhất là đối với “đội quân áo trắng”.
Vậy mà, vào những thời điểm dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, trước thách thức nghiệt ngã của tình thế, xuất hiện tràn lan thông tin xấu độc, những clip phản ánh nội dung sai sự thật, không chính xác, thiếu khách quan, chưa kiểm chứng với những hình ảnh ghê rợn một cách tồi tệ, tác động vào cộng đồng gây tâm lí hoang mang, hoảng sợ, giảm lòng tin của Nhân dân đối với công cuộc chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, làm phức tạp thêm tình hình.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên làm việc với cá nhân bình luận thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. |
Thông tin sai trái, lệch lạc nghiêm trọng ấy, vô tình thu hút sự chú ý khá đông đảo người quan tâm, chia sẻ, từ “bán tín bán nghi” đến tưởng là sự thật. Loại thông tin xấu độc ấy, có thể coi là một thứ “vi-rút truyền thông” phát tán vào đời sống xã hội không kém gì đại dịch Covid-19 đang làm tổn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng người dân. Cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, thì “mặt trận” mạng xã hội cũng đang phải đối mặt với hàng loạt tin giả, tin sai sự thật trên Zalo, Facebook, YouTube,… gây hoảng hốt, lo sợ trong Nhân dân.
Vào thời điểm UBND TP Hà Nội quyết định phương án phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì mạng zalo phát tán thông tin “Tối nay, từ 11 giờ 40 phút không ai nên ra đường. Cửa ra vào và cửa sổ nên được đóng lại khi 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng vào không khí để diệt trừ coronavirut…”. Ngày 26/7 lại lan truyền tin giả: “Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lí do cần thiết…”. Trong lúc cao điểm chống dịch ở TP Hồ Chí Minh thì trên YouTube phát tán một số clip lồng ghép về sự chết chóc do dịch bệnh ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia gây cảnh rùng rợn, thậm chí còn bình luận như là xảy ra trong nước. Nghiêm trọng hơn chiều 19/7 trên mạng xã hội tài khoản Facebook Phan Anh Hữu xuất hiện và lan truyền hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, kèm theo bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”…
Dạng tin như thế hầu như xuất hiện trên mạng xã hội ở nhiều địa phương mục đích để câu view, câu like. Có những bài viết “vay mượn” ý tưởng tác giả khác, rồi “xào xáo” giật tít giật gân làm tăng tỉ lệ tương tác, like với mục đích xấu. Có người lấy bài viết từ trang Website khác “dán” vào trang của mình mà không dẫn nguồn, tạo tin giả hưởng lợi bất chính… Trào lưu ấy tạo ra “cơn bão” thông tin xấu độc, tràn lan, lẫn lộn thật giả.
Tại nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có không ít hiện tượng vi phạm. Ví dụ: Tài khoản Facebook của N.T.K.T trong nhóm “Bán giỏi mua khéo” ở chung cư Sixth Elemennt Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Duy (Facebook Hà Nội Phố); tỉnh Đắk Lắk có Facebook HDHMôk viết bài xuyên tạc lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; tại Hải Phòng có Facebook Vũ Thị T; Facebook Nguyễn Đức Vũ và Nguyễn Thanh Hằng (Bắc Ninh), tài khoản Facebook Nhân Lê (Huế),… đưa tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch, về tiêm chủng vaccine, gây tâm lí hoang mang cho người dân. Một số nghệ sĩ có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội cũng đưa tin không khách quan, thiếu trung thực như nghệ sĩ Cát Phượng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên-nhà sản xuất Ngô Thanh Vân… vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội.
Xét về trách nhiệm xã hội, đạo đức công dân không thể chấp nhận được những hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, phụ họa theo những luận điệu chống phá của thế lực thù địch, kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin sai sự thật về dịch bệnh, các loại vaccine, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine, hướng dẫn lệch lạc về dùng thuốc phòng dịch, bóp méo sự thật về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương…
Khắc phục tình trạng xấu độc, gây “ô nhiễm” trong đời sống tinh thần Nhân dân như vừa qua, bên cạnh các biện pháp quản lí Nhà nước, người phát ngôn các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin chuẩn mực; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lí nghiêm không chỉ hành chính (phạt tiền) mà phải tăng mạnh xử lí hình sự theo Luật An ninh mạng để răn đe, ngăn chặn triệt để sự xâm nhập, khuếch tán của “vi-rút truyền thông”, làm trong sạch môi trường thông tin, nhất là trên không gian mạng xã hội.