"Liên đội Thiếu niên Tiền phong xã Thanh Lương quận 7 Hà Nội" 70 mùa Xuân
Nhịp sống 01/10/2024 16:01
Đây là vùng nông nghiệp với nghề chính là trồng rau và thả cá. Loại rau phổ biến là rau muống, su hào, bắp cải. Sáng sáng, từ đây hàng đoàn các bà, các chị kìn kìn gánh rau vào nội thành tiêu thụ. Nơi nuôi cá gồm hồ Bè, hồ Hàn Tốn, hồ Chánh Toàn, hồ Cổ Ngựa, hồ Đình Hương Thể, hồ Đình Lạc Trung, ao Bếp và một số đầm, ao nhỏ rải khắp xã. Đây cũng là nơi vườn hoặc ven ao ở mỗi nhà đều trồng doi và ổi, trong đồng có nhiều rặng ổi và được xem là nơi có cây đặc sản là doi và ổi cung cấp đi các nơi.
Liên đội Thiếu niên Tiền phong Thanh Lương năm 2024. |
Cuối năm 1954. Ban cán sự Đoàn quận 7 đã chỉ đạo để Liên đội Thanh Lương ra đời sớm, riêng đội Trần Phú được tập hợp từ tháng 8- 1954. Do thành lập trước ngày tiếp quản Thủ Đô, nên nhiều thiếu niên “Trái tuyến”, trong xã gia nhập đội Trần Phú. Đội đã tham gia vận động đồng bào không di cư vào Nam, viết khẩu hiệu lên các bờ tường có nội dung hoan nghênh chính sách của Đảng và Chính phủ đối với Hà Nội trước và sau tiếp quản, làm cờ và hoa chuẩn bị đón bộ đội vào tiếp quản Thủ Đô, và ngày 10/10/1954, đội Trần Phú đã lên phố Huế đón Đoàn quân giải phóng trở về Hà Nội từ mũi Ô Cầu Dền (nay còn nhiều đội viên của ngày đó tuổi từ 78 đến 81) nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh Đội của mình đứng ở hàng đầu ngay cửa chợ Hôm, vẫy cờ và hoa mừng Đoàn quân chiến thắng trở về. Sau đó là các đội La Văn Cầu, Kim Đồng và Trần Văn Ơn, được thành lập để hình thành Liên đội Thiếu niên Tiền phong xã Thanh Lương, tên đội đã đi vào lịch sử của Thủ đô.
Xã Thanh Lương có trục đường Đông - Tây chạy từ nhà thờ Thông Chí đến Ô Cầu Dền. Từ Đông sang Tây lần lượt có đội La Văn Cầu thuộc khu vực Lạc Trung, đội Kim Đồng thuộc khu vực Lãng Yên, đội Trần Phú thuộc khu vực Lương Yên và đội Trần Văn Ơn thuộc khu vực Thanh Nhàn. Ngày đó, cả Thiếu niên và Nhi đồng đều sinh hoạt trong một đội, riêng thiếu niên có thể tới 17 em.
Liên đội Thiếu niên Tiền phong Thanh Lương năm 1954. |
Ngay từ ngày thành lập, Liên đội đã có nhiều hoạt động đoàn thể và xã hội rất tích cực, cả đội có 250 đội viên, nay còn 40 đội viên. Ở mỗi đội, tối tối tập trung để học hát, tập múa hoặc đi thành hàng khắp làng theo nhịp trống rồi hô khẩu hiệu cổ động cho phong trào đấu tranh thống nhất đất nước, đóng thuế nông nghiệp, xóa nạn mù chữ và đợt cải cách ruộng đất năm 1955-1956. Các đội đều có Ban văn nghệ, ngoài hát và múa Sạp còn có cả đội kịch để biểu diễn trong những đêm liên hoan sau các buổi mít tinh ở thôn, ở xã. Thời kì này biểu diễn văn nghệ trong dân là do thiếu nhi đảm trách, về sau, có thêm đội văn nghệ “Thông reo”, của thanh niên thêm phong phú của "cây nhà, lá vườn".
Trong phong trào xóa nạn mù chữ, mỗi đội đều có hàng chục đội viên tham gia. Các đội viên được phân công tới nhà dân hoặc ra các lớp Bình dân học vụ để xóa mù chữ cho những học viên chưa biết đọc, biết viết. Những thiếu niên đó đều được phong danh hiệu “Chiến sĩ diệt dốt”, trong đó một số đội viên được nhận thư khen của Bác Hồ như: Nguyễn Văn Nghiên, Lê Thị Đệ, Dương Thị Việt thuộc đội La Văn Cầu. Nguyễn Thị Côi, Phí Thị Minh Phượng thuộc đội Kim Đồng. Phạm Thị Tuyết, Nguyễn Thị Vòng, Đào Công Thìn thuộc đội Trần Phú. Trần Quang Hùng, Lê Quốc Thành, Ngô Văn Vượng thuộc đội Trần Văn Ơn. Đẹp làm sao hình ảnh của những chiến sĩ này cứ tối đến lại tay cặp vở, tay cầm đèn dầu tới từng nhà dân hoặc các lớp học ở đình, ở trụ sở ủy ban để xóa mù chữ cho nhiều bà, nhiều bác, nhiều chị.
Phạm Văn Nùng quàng khăn quàng đỏ cho hội viên. |
Liên đội đã nhiều lần tổ chức cho các đội viên sinh hoạt tập thể rất sôi nổi như thi cắm trại, tìm dấu đi đường, thi thổi cơm, thi múa hát tập thể, thi kéo co, thi đấu bóng chuyền, thi bơi... Liên đội có đội bóng chuyền 6 nam và nữ rất mạnh. Thời đó phong trào này chỉ có ở một số trường nội thành như: Trưng Vương, Nguyễn Du, Tân Trào, Nguyễn Văn Tố, Ngô Sĩ Liên và xã Thanh Lương. Trong những lần đấu giao hữu hoặc đấu giải, đội của liên đội Thanh Lương thường có thành tích cao hơn đội bạn và từng đoạt chức vô địch Thành. Với đội Trần Phú, đã thành lập Hợp tác xã Măng Non, có Ban quản trị do Nguyễn Văn Phú làm chủ nhiệm. Các đội viên đã trồng ngô, trồng khoai ụ, thả rau và gơ xơ muống, nuôi vịt, tuy chưa tạo ra nhiều sản phẩm, nhưng đã góp phần làm tăng của cải cho xã hội.
Liên đội Thanh Lương cũng được xếp là Liên đội xuất sắc của phong trào thiếu nhi quận 7, thường xuyên được tuyên dương và nhận cờ thi đua trong những lần tổng kết hằng năm. Một kỉ niệm thật đặc biệt cho Liên đội Thanh Lương, đó là lần họp Liên đội vào năm 1957, thật vinh dự tất cả đội viên đều được Bác Hồ thưởng kẹo. Chuyện là: Đội Trần Phú có Đàm Thanh và Nguyễn Thị Phương được lên Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác nhân Ngày 19/5, đoàn thiếu nhi Thủ đô được Bác hỏi chuyện, cho xem văn công biểu diễn, Bác cho ăn kẹo, và khi về còn cho mỗi đội viên một gói rồi dặn mang cho các bạn ở nhà cùng ăn. Đàm Thanh được cử đi từ Trường Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Thị Phương được cử đi theo đơn vị xã, khi lên Ấu Trĩ Viên (nay là Cung thiếu nhi Hà Nội), các đội viên được ô tô đón lên Phủ Chủ tịch, và lúc đó mới biết được gặp Bác. Trong buổi họp liên đội đó, Ban thiếu niên đã hòa 2 gói kẹo vào thùng nước vối để các em cùng uống, nhìn các em lần lượt lên uống nước, tôi thấy mắt các em long lanh, mặt rạng rỡ như đang cảm nhận thấy hình ảnh của Bác, vị "Cha già dân tộc" cùng với vị ngọt thơm của kẹo.
Liên đội Thanh Lương chỉ tồn tại 5-6 năm, vì sau đó có chủ trương chuyển sinh hoạt Đội vào trường học, nhưng đã làm được nhiều việc có ý nghĩa với xã hội, được rèn luyện nhiều để trở thành con ngoan, trò giỏi. Khi trưởng thành, đã có đội viên hi sinh cho nền độc lập của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và quân xâm lược phương Bắc, nhiều đội viên là giảng viên, giáo viên, thành đạt trong cuộc sống, lãnh những trách nhiệm cao ở một số cơ quan nhà nước, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội.
Nay một số anh chị phụ trách và một số đội viên đã về với tiên tổ, số khác sống tản mạn trên khắp đất nước, hoặc ở nước ngoài, phần còn lại ở ngay phường Thanh Lương, phường Thanh Nhàn và quanh Hà Nội. Từ năm 1995 đã tổ chức họp mặt thường niên theo tiêu chí "còn răng nào, bừa răng đó" để cùng nhau nhớ lại một thời là Đội viên khăn quàng đỏ, tổ chức thăm hỏi và quan tâm tới nhau, và mỗi lần họp mặt các đội viên đều mừng rỡ, ôn lại kỉ niệm xưa, thấy mình trở lại ngày còn mang tấm khăn hồng trên vai.
Hoạt động của Liên đội Thiếu niên tiền phong xã Thanh Lương cùng với nhiều Liên đội Thiếu niên khác ở Hà Nội ở giai đoạn đó là một nét son trong phong trào Thiếu niên Thủ đô, làm rạng rỡ trang sử Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam.