Làng người cao tuổi làm bánh khô mè
Đời sống 25/01/2024 10:51
Làng Quang Châu ở cửa ngõ phía Nam TP Đà Nẵng, nằm gần sát Quốc lộ IA. Xã Hòa Châu nổi tiếng cả nước bởi có đình làng Thần Nông, có lễ hội Mục đồng cùng với không gian cổ kính ít có nơi nào có thể so sánh.
Các bậc cao niên nơi đây cho hay, làng nghề làm bánh khô mè nổi tiếng đã hơn 100 tuổi. Những ngày cận Tết cổ truyền, gian bếp của gần mươi hộ nơi đây lại đỏ lửa hoạt động hết công suất để cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon phục vụ thị trường Tết. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà những NCT trong làng có thêm việc làm với thu nhập ổn định, đồng thời thu hút nhiều khách du lịch đến đây tham quan, trải nghiệm, check in, chuyện trò… với những người già làm bánh.
Bà May (bên trái) và bà Nghĩ (bên phải) đang tiếp đường thắng. |
Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan lò bánh của gia đình ông Trần Xử (68 tuổi) - người gắn bó với nghề làm bánh khô mè được 40 năm, hiện đang thuê hơn 10 NCT hối hả hoàn thành các đơn đặt hàng, không khí rất nhộn nhịp, nồng ấm bên các bếp lửa hồng vào những ngày giáp Tết.
Vừa xếp bánh vào bao bì, ông Xử cho hay, hằng năm, từ ngày 15/11 (Âm lịch) lò bánh của ông cùng các lò bánh khác trong thôn đã bắt đầu rộn ràng đỏ lửa liên tục để sản xuất bánh phục vụ Tết. Mỗi ngày lò bánh của gia đình ông sản xuất bình quân khoảng 150 hộp (gói) bánh tương đương với 7.000 đến 7.500 chiếc bánh để kịp cung ứng ra thị trường.
Khi được hỏi về các công đoạn làm bánh khô mè, bà Nguyễn Thị Nghĩ (64 tuổi), vợ ông Trần Xử và cũng là người làm bánh lâu năm của thôn Quang Châu cho hay, muốn làm ra bánh khô mè thơm ngon, đạt yêu cầu về chất lượng thì phải sử dụng nguyên liệu 100% là gạo 13/2 (hay còn gọi là xuyệt), chỉ có loại gạo này mới làm cho bánh nở xốp. Nếu trộn lẫn những loại gạo khác sẽ khiến chiếc bánh bị bể, không được giòn và xốp. Đặc biệt, đường thắng phải vừa tới và dùng đường cát trắng của Quảng Ngãi, mè Thanh Hóa.
Trong gian bếp, lửa hừng hực đỏ vào những ngày giáp Tết, hơi nóng trong lò bốc lên, nhưng những người phụ nữ cao tuổi chuyện trò vui vẻ trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt cho ra những mẻ bánh khô mè thơm ngon.
Cũng theo bà Nghĩ, gạo xuyệt sau khi xay phải rây thật mịn rồi cho vào một chút nước để bột dính lại. Sau đó rây gạo vào khuôn có các ô vuông sẵn đều nhau, dưới cùng lót một lớp vải thô rồi đưa khuôn hấp cách thủy trên bếp lò. Tiếp đó là công đoạn nướng trên lửa than, nhúng (tắm) nước đường đã thắng với gừng, ủ với mè rang, trải bánh để nguội và đóng gói.
Công đoạn nướng bánh khô mè trên lửa than |
“Để làm bánh khô ngon, công đoạn thắng đường là một bí quyết để bánh khi ăn, bẻ ra thấy có tơ. Ngày trước người ta dùng đường bát để thắng, bây giờ người tiêu dùng thích màu trắng của bánh, nên dùng đường cát Quảng Ngãi. Để cho thơm, có nơi thêm gừng. Bánh khô mè đạt tiêu chuẩn khi ăn bánh có màu sắc tự nhiên, đẹp, khô ráo, khi bẻ ra phải có độ xốp nhất định, bánh thơm đặc trưng…”, bà Nghĩ cho hay.
Không chỉ các lò làm bánh, đây cũng là dịp để người dân có thêm việc làm mùa vụ, tăng thu nhập. Bà Nguyễn Thị May (76 tuổi, công nhân tại lò bánh khô mè nhà bà Nghĩ) cho hay, ngày thường thì chúng tôi làm lai rai nhưng cao điểm là “mùa Tết” làm không hết việc, chúng tôi tranh thủ làm để có thêm chút thu nhập dịp Tết với tiền công từ 300.000 đồng - 400.000 đồng/ngày công.
Bà Nghĩ cho hay, giá bánh khô mè loại nhỏ hiện có giá 40.000 đồng/hộp, loại lớn 70.000 đồng/hộp (50 chiếc bánh), thường được mọi người mua về thờ cúng, chưng trên bàn thờ ngày Tết. Đối với du khách mua bánh về làm quà sẽ dùng loại được bọc bằng giấy với giá 60.000 đồng/gói.
Hiện nay, làng nghề bánh khô mè Quang Châu tuy không còn đông đúc như những năm trước, nhưng những người dân nơi đây vẫn đau đáu giữ nghề thủ công của ông cha để lại để ra lò những chiếc bánh với hương vị ngọt thơm đặc trưng thấm đậm hương vị phù sa của đất, của nước, của nắng gió, của củi lửa hòa quyện cùng sự tần tảo, chịu thương chịu khó dân dã của người dân quê hương Quang Châu.
“Khi xưa, khi Tết đến, Xuân về, người dân xứ Quảng làm các loại bánh truyền thống để dâng cúng tổ tiên ông bà. Song, làm bánh khô mè với nhiều công đoạn khá vất vả và kì công cho nên hiện nay, nhiều người mua bánh ở các lò hoặc mua ở các quầy hàng cho tiện. Cho nên cái không gian “nhà nhà, người người” làm bánh khô mè ấy đã mất dần trong sự lãng quên của người đời. May mắn các lò bánh thủ công vẫn còn đỏ lửa khi Tết dến Xuân về góp phần giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại.