Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống ở Cà Mau
Đời sống 13/10/2023 09:25
Mục tiêu cụ thể, huyện phấn đấu bảo tồn ít nhất 1 nghề truyền thống; có 30% nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 100% người lao động nghề truyền thống được đào tạo, nâng cao kĩ năng nghề, kĩ năng vệ sinh an toàn lao động; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,2 lần so với năm 2023; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất nghề truyền thống đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Chính quyền địa phương xã Nguyễn Phích vận động người dân trồng trúc, khôi phục lại nghề đan lát truyền thống. |
Ðể hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; vận động người dân sử dụng, trưng bày các sản phẩm tại địa phương; đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi của nghề, tổ chức hội thi về các sản phẩm của nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ thực hiện 3 dự án bảo tồn, phát triển nghề truyền thống thành làng nghề, gồm: Nuôi cá lóc bống, trồng trúc nguyên liệu, xây dựng nguồn nguyên liệu mật ong kết hợp tour du lịch sinh thái. Tổng kinh phí 2,4 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1,2 tỉ đồng, đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình 1,2 tỉ đồng.
Ðối với những nghề truyền thống có khó khăn, huyện sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cá đồng là 1 trong 4 ngành hàng chủ lực của huyện, trong đó cá lóc là một trong những loại cá đồng đặc trưng của U Minh. Hiện nay, các địa phương vùng ngọt hoá duy trì và phát triển mô hình nuôi cá lóc theo hình thức lúa - cá, rừng - cá tự nhiên. HTX Ðồng Thuận (xã Khánh Thuận) đang phát triển mô hình nuôi cá lóc và hướng đến sản xuất khô cá lóc bống, phát triển sản phẩm OCOP.
Ðối với nghề đan đát truyền thống, việc duy trì và phát triển gặp khó khăn do người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, từ đó nguồn nguyên liệu từ cây trúc giảm. Mặt khác, do nông dân đã cải tạo vườn chuyển sang nuôi tôm, nuôi cá đồng kết hợp trồng cây ăn trái nên nguồn nguyên liệu cũng giảm dần. Ðể bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đan đát, Phòng NN&PTNT phối hợp xây dựng phương án phát triển nguồn nguyên liệu cây trúc tại các ấp: 3, 4, 5, 6, xã Nguyễn Phích, để duy trì và phát truyền nghề đan đát truyền thống trên địa bàn.
Huyện tiếp tục duy trì bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” do Hội Nông dân huyện quản lí; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao xây dựng dự án cách bảo quản nguồn nguyên liệu mật ong và tiến tới xây dựng nhãn hiệu OCOP; phối hợp với HTX 19/5 duy trì và phát triển nghề gác kèo ong để bảo đảm nguồn nguyên liệu, đồng thời hướng đến kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch.