Làng nghề mì Chũ vào vụ Tết
Nhịp sống văn hóa 26/12/2019 09:56
Vừa đến đầu làng nghề chúng tôi bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên mì trắng trải dài thẳng tắp, trước sân các hộ dân cũng là một màu trắng của những phên mì nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Bên đường là những quầy hàng bày bán nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của huyện Lục Ngạn nhưng nhiều nhất vẫn là những gói mì Chũ được gói bọc trong túi và trong hộp. Nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia làm mì, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, một hộ làm mì ở thôn Thủ Dương cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đã trải qua 4 đời. Trong quá trình chế biến mì, khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng, bên cạnh đó do không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng và đã có mặt ở khắp nơi trong tỉnh và nhiều địa phương. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm từ 80-120 kg gạo, trừ chi phí còn lãi 300- 400 nghìn đồng. Dịp gần Tết Nguyên đán nhu cầu tăng, có gia đình làm tới 300- 400 kg gạo, tăng gấp đôi so với ngày thường”.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất của bà Hoàng cho ra lò hàng chục mẻ mì phục vụ khách hàng |
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn cho biết: “Sở dĩ gọi là mì Chũ bởi vì phần lớn người làm nghề mì ở thị trấn Chũ “thủ phủ” của nghề làm mì. Trước đây sản xuất nhỏ lẻ phục vụ tại địa phương trong dịp Tết. Dần dần do chất lượng, uy tín nên khách hàng mua tăng lên. Hiện nay sản lượng mì làm ra nhiều hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn phục vụ các đơn đặt hàng đi khắp các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội… và thậm chí theo chân khách du lịch ra nước ngoài”.
Để làm được những sợi mì ngon “nức tiếng” người làm mì phải trải qua cả chục công đoạn như: Chọn gạo, vo gạo, ngâm gạo, xay gạo, ủ bột, tráng mì rồi phơi mì... Một mẻ mì thường cần ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng mì lo cho mì chín đúng độ, người cắt mì lo cắt sao cho đều, người đem phơi, ủ và thái thành những sợi mì đều đặn. Anh Trịnh Văn Hoà, người có thâm niên trong nghề làm mì Chũ xã Nam Dương, cho biết: “Nhờ có đầu ra ổn định nên gia đình luôn yên tâm sản xuất, với mức thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, gia đình tôi đã được hỗ trợ đầu tư 1 lò tráng hơi công nghệ mới với tổng trị giá 140 triệu đồng. Nhờ đó đã tiết kiệm công sức, nhân lực và sản lượng, chất lượng của mì cũng được nâng lên. Hiện nay, để cung cấp đủ hàng cho các cơ sở phải sản xuất từ 5 - 6 tạ gạo, vào những ngày giáp Tết thì số lượng hàng đặt nhiều hơn, có ngày gia đình làm 7 - 8 tạ gạo… Gia đình tôi phải thuê thêm hàng chục lao động để phục vụ sản xuất cho kịp tiến độ giao hàng”.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Hiện nay, làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương có trên 300 hộ sản xuất, chiếm tới 85% số hộ của làng nghề. Đa số các hộ đều tham gia các hội và hợp tác xã. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 30 tấn mì gạo, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, giá trị thu được đạt trên 8 tỉ đồng mỗi năm”.
Khi Tết Nguyên đán Canh Tý cận kề, các hộ gia đình làm nghề mì Chũ ở xã Nam Dương gần như phải hoạt động hết công suất. Ngoài đường làng, xe máy, ô tô ra vào lấy hàng tấp nập. Với những bí quyết gia truyền, người dân làng nghề làm mì Chũ đã tạo nên những sợi mì trắng, dai, nấu không bị nát nên được người dân gần xa ưa chuộng, nhờ đó mà thương hiệu mì Chũ ngày càng được khẳng định trên thị trường.