TP Hồ Chí Minh: Khơi thông dòng kênh, chung tay vì môi trường xanh - sạch - đẹp

Đời sống 04/03/2025 09:48
Đất võ Bình Định có nhiều làng nghề nổi tiếng. Một trong số đó là nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, đây là nghề truyền thống của địa phương. Với lịch sử hình thành hơn 200 năm tại xứ dừa Hoài Nhơn, làng nghề chiếu cói này được Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh.
Đại bộ phân cư dân ở đây chuyên trồng cói và dệt chiếu cói từ nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Ngoài thôn Chương Hòa còn có nhiều địa phương khác làm nghề dệt chiếu cói như thôn Gia An, Gia An Đông, Quy Thuận, Tam Quan Bắc,…
Chiếu cói được hình thành từ những ruộng trồng cói ở từng địa phương. Người nông dân trồng cói và thu hoạch mỗi năm hai lần. Có vùng thu hoạch cói ba lần một năm, trong đó vụ chiêm rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 và vụ mùa kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9 âm lịch. Đi qua địa bàn các xã, ngoài những ruộng lúa có nhiều đồng cói nằm trải dài xanh ngút mắt.
![]() |
Đồng cói nhiều nơi gọi là đồng lác, loại cây thân mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc được trồng phổ biến ở những cánh đồng nhiễm phèn nặng. Cánh đồng cói thường gây ấn tượng mạnh với mọi người bởi màu xanh ngút mắt xen lẫn màu nâu nhạt của hoa cói tựa như những tấm lụa đào. Với diện tích khoảng 50ha đồng cói, bạn sẽ cảm nhận được sự rộng lớn ngút ngàn của khu vực trồng cói tại đây. Đứng giữa cánh đồng cói có cảm giác nhẹ nhàng với khung cảnh vùng quê yên bình. Người nông dân Hoài Nhơn đã có một hành trình biến vùng đất bị nhiễm phèn chua ở xứ dừa thành những cánh đồng cói xanh bạt ngàn, mát rượi tầm mắt.
Cói sau khi thu hoạch xong sẽ được người nông dân lựa chọn những sợi cói chất lượng, sau đó dùng dao chẻ nhỏ rồi phơi khô đủ nắng để sợi cói bền và chắc, thường thì khi sợi cói khô chừng 70% là được. Sau đó, người ta chia cói từng phần để nhuộm phẩm màu và một số sợi cói thì không nhuộm.
![]() |
Chiếu cói thường có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn được dệt từ cói trắng nguyên chất, còn chiếu hoa được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm màu để tạo ra một chiếc chiếu có hoa văn, hoặc theo mẫu đặt hàng của người mua. Chiếu hoa ở Hoài Nhơn thường có các loại như: Chiếu gấm, chiếu rằng, chiếu vảy ốc, chiếu long phụng, chiếu hoa râm, chiếu cờ, chiếu cổ lồi… Cói nhuộm thường có màu đỏ, xanh, vàng, tím... Người ta nấu những nồi phẩm màu rồi nhúng từng bó cói vào đó cho màu đều và thấm vào từng sợi cói rồi mang ra phơi nắng, sau đó là công đoạn dệt thành chiếu cói.
Chiếu cói ngày trước thường được dệt bằng thủ công là chính, tuy nhiên hiện nay nhờ ứng dụng công nghệ kĩ thuật nên các nghệ nhân dùng máy dệt chiếu để tạo ra sản phẩm. Theo tìm hiểu của người viết, một chiếc chiếu cói dệt bằng máy chưa đến một giờ đồng hồ, trung bình một người thợ làm từ 12- 15 chiếc mỗi ngày. Tuy vậy, chiếu dệt bằng khung tay, theo cách truyền thống vẫn được thị trường, và người sành điệu ưa chuộng hơn.
![]() |
Muốn dệt một chiếc chiếu hoa, các nghệ nhân phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ ghép từng sợi cói đã nhuộm màu để cho ra các hoa văn theo mẫu đã được khách hàng yêu cầu. Một chiếc khung máy dệt thường có hàng chục cuộn chỉ nên người thợ phải thực sự lành nghề mới có thể cho ra đời một chiếc chiếu có độ thẩm mĩ cao như: Chiếu hoa có chữ song hỉ, chữ trăm năm hạnh phúc hoặc chữ Phúc - Lộc - Thọ… Xung quanh chiếc chiếu hoa thường được dệt nhiều hoa văn đặc sắc. Khi chiếu dệt xong sẽ được phơi ngoài nắng cho khô trước khi bán cho người tiêu dùng.
Thị trường chiếu cói Bình Định trong vài năm gần đây có giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng tùy theo chủng loại. Sử dụng chiếu cói là nét văn hóa truyền thống của từng gia đình Việt Nam nói chung và cũng là sản phẩm đặc trưng của cư dân đất võ.
Chiếu cói Bình Định xưa nay đã rất nổi tiếng và được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, Chiếu cói Bình Định đã xuất khẩu ra các thị trường Đông Âu, Asean, Hoa Kỳ… mang lại nguồn ngoại tệ và việc làm thường xuyên cho người nông dân Hoài Nhơn. Mặc dù lợi nhuận không cao, nhưng người nông dân các địa phương ở Hoài Nhơn, Bình Định vẫn lưu giữ nghề truyền thống này, họ coi đó là nét tinh hoa mà ông cha đã trao truyền cho con cháu đời sau...