Kỳ án “một cú đạp gây đứt bán phần nhiều dây chằng” ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh: Bản án sơ thẩm có dấu hiệu oan sai
Pháp luật - Bạn đọc 23/07/2020 14:44
Ông Hoàng Ngọc Oánh viết đơn kêu oan cho con rể |
Đơn của ông Hoàng Ngọc Oánh |
Đơn của ông Hoàng Ngọc Oánh |
Từ Giám định pháp y “siêu tốc”…
Ngày 30/1/2019, ông Trần Tuấn Dũng, Phó Viện trưởng Viện KSND quận 5, ký bản cáo trạng số 37/CT-VKS truy tố ông Thanh về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng, ông Trần Trung Trinh ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh và ông Thanh có mối quan hệ quen biết từ năm 2016. Ngày 6/4/2018, ông Thanh đi công việc thì gặp ông Trinh trước nhà số 018 lô F chung cư Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, ông Thanh yêu cầu ông Trinh trả 400.000.000 đồng nhưng ông Trinh không đồng ý nên hai bên xảy ra cự cãi. Ông Thanh dùng tay đấm vào mặt ông Trinh nên ông Trinh dùng tay đánh lại. Ông Thanh dùng chân đạp vào người ông Trinh làm ông Trinh ngã ngửa về phía sau xuống đường, sau đó cả hai được người dân can ngăn.
Sau sự việc, ông Trinh đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám thì được biết bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, tổn thương khớp ngón 5 bàn tay phải.
Ngày 13/4/2018, ông Trinh có đơn yêu cầu xử lý hình sự. Tại Cơ quan điều tra, ông Trinh khai nhận: Sự việc ông bị Thanh đánh có bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung chứng kiến. Liên quan đến chuyện tiền bạc, ngày 28/10/2016, ông Trinh có nhận của ông Thanh 450.000.000 đồng, trong đó 400.000.000 đồng để giúp làm hồ sơ cho Nguyễn Văn Tuấn (cháu ông Thanh) đi nghĩa vụ công an và 50.000.000 đồng là tiền vay để ông Trinh sử dụng cá nhân.
Ông Trinh đã liên hệ với một người bạn tên Hưng để làm thủ tục đi nghĩa vụ công an nhưng chưa thực hiện được. Ngày 5/12/2017, Công an quận Gò vấp đã giải quyết thỏa thuận giữa ông Thanh và ông Trinh về việc trả số tiền 450.000.000 đồng. Tại thời điểm ngày 6/4/2018, ông Trinh không còn nợ tiền của ông Thanh, nhưng ông Thanh nhiều lần gặp ông đòi tiền và đánh.
Ông Thanh khai: Vào ngày 6/4/2018, do mâu thuẫn trong việc ông Trinh nợ tiền nên hai bên có xảy ra cự cãi. Trong lúc giằng co, ông bị ông Trinh dùng chân đạp vào người. Do ông né tránh dẫn đến ông Trinh mất thăng bằng, tự té ngã xuống đường. Xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát là do ông Trinh nợ ông 850.000.000 đồng. Trong đó, 400.000.000 đồng, ông Trinh hứa lo cho cháu ông Thanh vào nghĩa vụ công an; còn lại là 450.000.000 đồng ông Trinh mượn tiêu xài cá nhân nhưng không trả lại nên ông Thanh làm đơn tố cáo. Ông Trinh đã trả lại cho ông 450.000.000 đồng; còn lại 400.000.000 đồng chưa trả. Ông không đánh hay đe dọa gì gia đình ông Trinh.
Ngày 31/5/2018, Công an quận 5 ra Quyết định số 371/QĐ-CAQ-ĐTTH trưng cầu Trung tâm Pháp y TP Hồ Chí Minh giám định tỷ lệ thương tật của ông Trinh. Chẳng biết Trung tâm Pháp y nhận được Quyết định 371 khi nào mà sốt sắng tiến hành giám định cho ông Trinh lúc 10 giờ 20 ngày 31/5/2018, tại Trung tâm (?!)
Ngày 15/6/2018, Trung tâm Pháp y có Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18, xác định: Ông Trinh bị tổn thương 16%, trong đó đứt dây chằng chéo trước gối phải 13% và chấn thương phần mềm ngón 5 tay phải 3%.
Ngày 20/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5 ra Quyết định khởi tố ông Thanh về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. đến này 18/1/2019 có kết luận điều tra.
Trong suốt quá trình tố tụng, ông Thanh liên tục kêu oan. Phó Viện trưởng Trần Tuấn Dũng quy kết: Mặc dù Thanh không thừa nhận hành vi nhưng có đủ căn cứ để xác định bị can đã đạp ông Trinh té ngã gây ra thương tích 16% mang tính hung hãn, côn đồ.
… Đến bị hại quyết không giám định lại thương tật (?!)
Vụ án được TAND quận 5 đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26/4/2019 với HĐXX do bà thẩm phán Lê Thị Minh Loan làm chủ tọa phiên toà. Do vắng mặt nhiều nhân chứng, giám định viên của Trung tâm Pháp y nên hoãn phiên toà.
Vụ án tiếp tục xét xử ngày 21/5/2019. Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh bị cáo kêu oan là có căn cứ. Nhận thấy vụ án còn nhiều điểm cần được làm rõ, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà, trả hồ sơ để Viện KSND quận 5 điều tra bổ sung:
Một, giám định lại tỷ lệ thương tích của bị hại. Hai, tại phiên toà, có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau, do đó cần cho các nhân chứng, bị cáo, bị hại đối chất, làm rõ việc đánh nhau. Ba, thu thập hai bản phim chụp MRI (bản chính) ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Trung tâm Pháp y cùng bản chính Giấy chứng nhận thương tích do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp.
Ngày 3/6/2019, Phó Viện trưởng Trần Tuấn Dũng ký Quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung ba nội dung trên.
Cả ba nội dung gần như không thực hiện được, do bị hại từ chối giám định lại; Cơ quan điều tra không triệu tập được người làm chứng quan trọng Trần Văn Cu ngụ khu phố 6, phường Thới An, quận 12, nên không thể lấy lời khai và tiến hành đối chất… Không điều tra bổ sung được gì nhưng ngày 26/8/2019, Phó Viện trưởng Trần Tuấn Dũng ký văn bản, giữ nguyên bản cáo trạng ngày 30/01/2019, tiếp tục sử dụng kết quả giám định cũ để truy tố ông Thanh. Trong khi bị can một mực khiếu nại kêu oan vì kết quả giám định này; HĐXX thấy có căn cứ mới yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 7/10/2019, TAND quận 5 mở phiên toà lần thứ ba nhưng vắng mặt nhiều nhân chứng, bác sĩ chụp MRI…Cả kết quả giám định lại theo yêu cầu tòa cũng không có. Phải chăng kết quả giám định có vấn đề bất thường nên bị hại quyết không giám định lại?
Phiên tòa lần tư được mở 5/11/2019, HĐXX gồm chủ toạ Lê Thị Minh Loan cùng hai Hội thẩm nhân dân Trần Thị Tuyết và Đoàn Hồng Hải; thư ký phiên toà Nguyễn Đức Thành; kiểm sát viên Nguyễn Quang Đẩu. Vấn đề “nóng” vẫn là kết luận giám định tỷ lệ thương tật. Theo Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông Trinh bị “đứt bán phần” dây chằng, trong khi kết luận của Trung tâm Pháp y thì “đứt dây chằng” nhưng không xác định đứt hoàn toàn hay đứt bán phần. Sau khi xem xét, HĐXX lại tạm hoãn để điều tra bổ sung …
Bất ngờ Hội đồng xét xử bị “phế” (!)
TAND quận 5 ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 14/1/2020, với HĐXX hoàn toàn mới, gồm thẩm phán chủ toạ Vũ Kim Liên cùng hai Hội thẩm nhân dân Lương Thị Bạch và Phan Ngọc Hạnh; thư ký phiên toàn Hoàng Thị Cẩm Vân; kiểm sát viên Đoàn Văn Thắng. Như vậy, toàn bộ HĐXX cũ bị thay thế.
Tại phiên toà ngày 14/1/2020, HĐXX lại được điều chỉnh gồm chủ toạ Vũ Kim Liên cùng hai Hội thẩm nhân dân Lương Thị Bạch và Đào Thị Ánh Tuyết. Một lần nữa, phiên toà lại bị hoãn vì kiểm sát viên bệnh đột xuất (!).
Gần 4 tháng sau, thẩm phán Kim Liên ký Quyết định ghi ngày 6/5/2019 (đúng phải là 6/5/2020) đưa vụ án ra xét xử vào ngày 27/5/2020 với HĐXX gồm chủ toạ Kim Liên cùng hai Hội thẩm nhân dân Lương Thị Bạch và Phan Ngọc Hạnh.
Tại phiên toà mở lần thứ 6 ngày 27/5/2020, HĐXX lại được thay mới, gồm chủ toạ Kim Liên cùng hai Hội thẩm Phan Ngọc Hạnh và Nguyễn Thị Kim Hoàng (?!). Xuyên suốt phiên toà, bị cáo Thanh tiếp tục kêu oan. Trong đó, những vấn đề mấu chốt của vụ án mà HĐXX trước đây yêu cầu điều tra bổ sung thể hiện tại Quyết định số 22/2019/HSST-QĐ do chủ toạ Lê Thị Minh Loan ngày 5/11/2019 vẫn chưa được Viện KSND quận 5 thực hiện.
Cụ thể, Quyết định 22 nêu rõ:“Tại phiên tòa, bị cáo Thanh yêu cầu giám định lại vì cho rằng bị cáo không đánh, không gây ra thương tích cho bị hại; kết quả giám định không đúng.
Tại hai phiên tòa ngày 21/5/2019 và hôm nay (ngày 5/11/2019), Giám định viên Mai Quang Trường trình bày: Khi thực hiện giám định thương tích của bị hại Trần Trung Trinh, tài liệu phục vụ giám định không có bản phim chụp cộng hưởng từ (MRI) do Phòng khám đa khoa Vietlife chụp. Tuy nhiên, tại “Bản kết luận giám định pháp y về thương tích” số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018 của Trung tâm Pháp y lại ghi nhận: “...Có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước gối phải trên phim MRI chụp khi vào viện...” là chưa chính xác. Việc thiếu tài liệu (bản phim chụp cộng hưởng từ MRI do Phòng khám đa khoa Vietlife chụp) khi thực hiện giám định có thể làm kết quả giám định không chính xác.
Ngoài ra, căn cứ Công văn số 441-GT3/TgT.18 ngày 17/10/2019 của Trung tâm Pháp y thì “chấn thương của ông Trinh không tự phục hồi được, có thể để lại di chứng nếu không điều trị. Vậy cần làm rõ với thương tích của ông Trinh chi phí để hồi phục là bao nhiêu?
Những vấn đề trên, HĐXX không thể làm rõ tại phiên toà nên trả hồ sơ cho Viện KSND quận 5 để điều tra bổ sung, làm rõ”.
Không thể làm rõ những vấn đề mà chính TAND quận 5 yêu cầu, thế nhưng thẩm phán Vũ Kim Liên vẫn tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, xử phạt Nguyễn Văn Thanh 2 năm tù giam.
Theo HĐXX, thương tích của bị hại do chính bị cáo gây nên, có tính chất côn đồ. HĐXX căn cứ vào bút lục số 67 ngày 21/6/2018 (biên bản ghi lời khai của người làm chứng Nguyễn Thị Tuyết Nhung) và bút lục số 63 ngày 21/6/2018 (biên bản ghi lời khai của người làm chứng Trần Tấn Vinh) để quy kết tội bị cáo. Ngoài ra, HĐXX còn căn cứ vào lời khai bị hại, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản đối chất cùng Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018 và biên bản giải thích kết quả giám định pháp y…để kết tội.
Một điểm đáng lưu ý, HĐXX chấp nhận lời giải thích tại phiên tòa của Giám định viên “không cần thiết phải có phim MRI của Vietlife”; cũng không cần phải xác định là dây chằng “đứt bán phần” hay “toàn phần”, chỉ cần giám định “có đứt” là được (???)
Coi chừng oan sai !
Dấu hiệu oan sai rõ nhất trong vụ án này chính là Kết luận giám định pháp với thương tổn của bị hại Trần Trung Trinh 16%. Bị cáo liên tục kêu oan, cho rằng mình không đánh nên đề nghị giám định lại nhưng bị hại quyết không thực hiện.
Những bất thường liên quan đến thương tật của bị hại đã được bị cáo và Luật sư chỉ rõ tại phiên toà ngày 27/5/2020 cũng như nhiều phiên toà trước đó. Chính ông Trinh khai tại Công an phường 8 ngay sau khi sự việc xảy sáng 6/4/2018: “Qua sự việc trên, tôi bị sưng ở mặt và tay”. Đến 14 giờ chiều, ông Trinh vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thăm khám và ra viện lúc 15 giờ. Mãi đến ngày 9/4/2018, ông Trinh mới đi chụp phim MRI tại Phòng khám Vietlife.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có Trung tâm chụp MRI nhưng bác sĩ không chỉ định chụp tại chỗ mà giới thiệu ông Trinh đến Phòng khám Vietlife, không thuộc Bệnh viện. Rồi 3 ngày sau khi xảy sự việc, ông Trinh mới đi chụp MRI. Trong thời gian dài như vậy, bị hại đi đâu, làm gì, thậm chí có những hành động gây bất lợi cho bị cáo, cũng không ai biết được.
Ngày 10/4/2018, Bệnh viện cấp Giấy chứng nhận thương tích, ghi nhận ông Trinh bị “đứt bán phần” dây chằng chéo. Trung tâm Pháp y thì kết luận “đứt dây chằng” kèm thêm bong gân ngón V tay phải. Đến toà thì chỉ cần xác định bị hại “có đứt”, còn đứt như thế nào thì HĐXX miễn xét (?!).
Bị cáo cho rằng thương tích của bị hại có dấu hiệu bị nguỵ tạo nên yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tích nhưng bị hại nhất quyết không đi. HĐXX trước đây do thẩm phán Loan làm chủ toạ đã nhận ra điểm cốt yếu này nên nhiều lần yêu cầu giám định lại là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, có dấu hiệu thể hiện HĐXX mới của thẩm phán Vũ Kim Liên “tước đoạt” yêu cầu hợp pháp, chính đáng của bị cáo, không cần giám định lại mà xử tuốt, rồi kết án thể hiện sự thiếu công tâm, khách quan.
Dấu hiệu oan sai thứ hai trong vụ án chính là HĐXX căn cứ vào lời khai bất nhất, đầy mâu thuẫn của hai người làm chứng Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Trần Tuấn Vinh để buộc tội bị cáo. Cụ thể lời khai ngày 21/6/2018 của hai người làm chứng này mâu thuẫn với chính lời khai của họ tại Công an phường 8 ngày 6/4/2018. Theo bị cáo, có dấu hiệu người làm chứng bị tác động thay đổi lời khai theo hướng buộc tội, gây bất lợi cho bị cáo. Đây là dấu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Cũng liên quan đến nhân chứng, trước đây, HĐXX yêu cầu triệu tập lấy lời khai ông Trần Văn Cu là người đi cùng xe với bị cáo. Ông Cu chứng kiến toàn bộ sự việc, đứng ra can ngăn đồng thời có lời khai “ông Trinh đá ông Thanh”. Cho tới ngày mở phiên toà 27/5/2020, Cơ quan điều tra vẫn chưa triệu tập, lấy lời khai của ông Cu, cũng như tiến hành đối chất. HĐXX cho rằng ông Cu đã được Cơ quan điều tra triệu tập làm việc nhưng không đến để lấy lời khai là không có căn cứ.
Ngoài ra, trong đơn tố cáo dài 10 trang, ông Thanh còn trình bày nhiều vấn đề kèm theo các tài liệu chứng cứ để minh chứng Bản án số 53/2020/HS-ST ngày 27/5/2020 của TAND quận 5, do thẩm phán Vũ Kim Liên làm chủ toạ lộ rõ oan sai, đẩy ông vào cảnh tù tội, gia đình rơi vào đường cùng…Bị cáo đang trông chờ phiên toà phúc thẩm sẽ làm rõ bản chất vụ án.
Qua Tạp chí Người cao tuổi, ông Hoàng Ngọc Oánh (cha vợ bị cáo) tha thiết khẩn thỉnh TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm một cách công tâm, khách quan, đúng quy định của pháp luật, để giải oan cho con rể, cứu một gia đình sắp bị sụp đổ…
Ông Nguyễn Văn Thanh |
Luật sư Huỳnh Phi Hùng, Công ty Luật Kỳ Việt, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Việc nhiều lần tòa án phải hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện không đúng so với quy định của luật tố tụng hình sự, có dấu hiệu oan sai. Đối chiếu hồ sơ vụ án và vấn đề được nêu trong đơn kêu oan của bị cáo Thanh, luật sư chúng tôi cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ sót nhiều khâu luật quy định, không làm rõ vấn đề còn mâu thuẫn khi đánh giá chứng cứ.
Đặc biệt, bị cáo khẳng định bị hại ngụy tạo thương tích, yêu cầu giám định lại nhưng cả ba lần bị hại đều vắng mặt. HĐXX không làm rõ lý do vì sao bị hại từ chối giám định lại, theo luật tố tụng mới có thuộc trường hợp này có bắt buộc phải dẫn giải không? Sự việc xảy ra sau 3 ngày bị hại mới đi chụp MRI, vậy làm sao có thể kết luận vết thương do bị cáo gây ra? Rồi căn cứ quy định pháp luật nào để kết luận 3% thương tích do bị “bong gân ngón 5 tay phải”?...