Khu nhà ở thương mại An Phát có dấu hiệu “vẽ” dự án để thu tiền!
Pháp luật - Bạn đọc 12/04/2020 18:15
Dự án Khu nhà ở thương mại An Phát hạ tầng dở dang, pháp lí chưa hoàn thiện.
Chủ đầu tư Đất Lành An Phát và sàn phân phối Hưng Nguyên GS “bắt tay” lách luật huy động vốn.
Dự án Khu nhà ở thương mại An Phát toạ lạc tại 537A đường 3/2, khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích 7.165 m2 gồm 55 căn nhà phố 3 tầng, do Công ty TNHH MTV Đất Lành An Phát làm Chủ đầu tư (CĐT), được Công ty CP Bất động sản Hưng Nguyên GS “gắn” tên thương mại là An Phát Stown đưa ra thị trường để kinh doanh.
Trong vài một khách hàng, phóng viên Tạp chí Ngày mới online được nhân viên bán hàng tên H cho biết, sàn phân phối Hưng Nguyên GS cho giữ chỗ 100 triệu đồng/nền, tính đến ngày 11/4 đã có 15 lượt giữ chỗ, khoảng 1 tháng sau mở bán. Hiện CĐT chưa hoàn tất nghĩa vụ thuế sử dụng đất và chưa tách sổ riêng từng nền, hạ tầng dự án chưa hoàn thiện.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mua nhà khi chưa đủ điều kiện mở bán là một “canh bạc” của các nhà đầu tư để có ưu đãi về giá, vị trí căn hộ nhưng việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, để có thể mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai, CĐT phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng, văn bản xác nhận cho phép bán nhà của Sở Xây dựng, được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của CĐT đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định, không cho phép CĐT kí hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng kí hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai.
CĐT hoàn thiện đầy đủ những điều kiện trước khi mở bán cũng là sự khẳng định năng lực triển khai dự án cả về tài chính và yếu tố pháp lí. Tuy nhiên, hiện nay, cũng có những CĐT lách luật mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện, nhằm huy động vốn để thực hiện dự án, một số khách hàng chấp nhận mua nhà trên giấy để thu được lợi nhuận khi đầu tư hoặc để hưởng ưu đãi.
Nếu CĐT đã thiếu năng lực tài chính, phải huy động vốn khi chưa đủ điều kiện mở bán thì liệu có đảm bảo được tiến độ dự án? Việc đảm bảo các quy chuẩn thiết kế có được thực hiện, chất lượng công trình như thế nào? Đây là những vấn đề rất rủi ro cho người mua nhà của dự án vì thực tế đã có rất nhiều công trình bị “treo” do CĐT không có năng lực thực hiện.
Việc CĐT bất chấp quy định của pháp luật để lách luật huy động vốn là thể hiện vi phạm pháp luật, cần xử lí nghiêm để tránh việc các CĐT “tay không bắt giặc” và khi không được ngân hàng giải ngân vốn vay sẽ không thể triển khai dự án và sẽ xảy ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Như chúng ta đã biết, rất nhiều dự án thời gian vừa qua trong cả nước đã bỏ hoang nhiều năm cũng chính là hệ lụy của việc huy động vốn.