Khơi lên và phát huy giá trị chân, thiện, mĩ
Nghiên cứu - Trao đổi 02/07/2024 09:48
Với quan điểm xuyên suốt đó, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là qua gần 40 năm đổi mới, việc phát triển văn hóa được các cấp, ngành, địa phương chú trọng xây dựng con người có nhân cách tốt và hình thành môi trường văn hóa lành mạnh; đồng thời đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế.
Thành tựu nổi bật là nhận thức về văn hóa của các cấp, ngành, địa phương ngày càng sâu sắc và toàn diện; các sản phẩm văn hóa thêm đa dạng, phong phú; hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Đặc biệt, các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển, đã và đang thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Trong những năm gần đây, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc và nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển. Chúng ta đã, đang khẳng định công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ quan trọng tạo ra sức mạnh mềm, cũng như góp phần không nhỏ gia tăng sức mạnh cho các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao… Đây được xem là lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, từ đó thúc đẩy không chỉ công nghiệp văn hóa mà còn các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cùng phát triển.
Ảnh minh họa |
Văn hóa trong lĩnh vực chính trị và kinh tế đã được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Nổi bật là việc xây và hình thành văn hóa công chức, văn hóa công vụ trong các cơ quan, đơn vị đã rất chú trọng đến tính nêu gương của cán bộ, đảng viên về đạo đức công vụ và thực hiện chức trách được giao.
Hơn thế, công tác đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được quan tâm. Theo đó, việc xây dựng con người Việt Nam đang trở thành trung tâm của chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội…
Rõ ràng, vai trò của văn hóa đã được khẳng định trong tiến trình phát triển của đất nước, vì thế, chúng ta phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tinh thần nhất quán này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong chuyến thăm, khảo sát công trường xây dựng dự án Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ vừa qua, khi nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội và muốn phát triển văn hóa thì phải phát triển con người, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa.
Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua biết bao biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa, làm nên hồn cốt của dân tộc. Tiếp tục phát huy những giá trị của cha ông, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học. Do vậy, hơn lúc nào hết, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt giải pháp tăng cường mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên cơ sở hình thành hệ giá trị văn hóa quốc gia và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam.
Đi vào từng nhiệm vụ cụ thể, đó là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị; xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh nơi công cộng, khu dân cư, trường học và trong cộng đồng doanh nghiệp… Đặc biệt, để khai thác tốt tiềm năng văn hóa, cần quan tâm tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước và tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật…
Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là các Bộ, ngành chức năng và địa phương cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa. Từ đó, góp phần mở rộng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” chính là giá trị khai sáng, dẫn dắt, hình thành nền sức mạnh cho dân tộc từ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình, với những giá trị chân, thiện, mĩ của con người Việt Nam luôn được khơi lên và phát huy mạnh mẽ dù ở bất cứ đâu và trong hoàn cảnh nào cũng đạt kết quả.