Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào qua các “địa chỉ đỏ”
Đời sống 31/07/2024 15:35
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đó chính là đôi bờ Hiền Lương lịch sử. Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, sông Bến Hải dẫu cắt hai miền đất nước, là hiện thân của nổi đau dân tộc. Suốt 20 năm “Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Nơi đây đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng. Năm tháng đi qua nhưng kí ức về miền đất lửa thì khó phai nhòa. Trước mắt chúng tôi những công trình mang biểu tượng tôn vinh chiến thắng đã làm dịu lại nỗi đau và thúc giục chúng ta trên hành trình ra Bắc vào Nam.
Điểm thứ 2 trên hành trình ấy là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở trên khu đồi Bến Tắt, cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi an nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều người con ưu tú của Quảng Nam. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sĩ, Nhân dân đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Trên khu đồi Bến Tắt bát ngát thông reo, anh Nguyễn Hồng Thoại, Bí thư Đoàn xã Duy Trung xúc động nói: “Qua chuyến đi này chúng tôi thấy rất có ý nghĩa. Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã độc lập tự do, chúng tôi được ăn no mặc ấm, được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm, càng biết ơn các thế hệ đi trước đã nếm trải gian khổ hi sinh. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn cảm phục sâu sắc, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, để góp một phần vào công cuộc xây dựng đất nước”.
Tiếp nối hành trình, chúng tôi đến viếng và dâng hương Tượng đài Thành cổ Quảng Trị - Bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm. Quảng Trị được coi như “người lính đi đầu” trong chiến dịch Xuân-Hè 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại. Số quân Mỹ -Ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần số dân của tỉnh. Cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn “không còn một viên gạch nào dính được vào nhau”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau thì còn đó. Cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ quả là quá sức tuởng tượng của tội ác và sự chịu đựng. Điều này không những được cả thế giới biết đến mà còn làm chấn động dư luận và lương tri loài người. 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và kí kết hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cựu tù Phú Quốc, ông Đoàn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên tâm sự: “Nghĩ đến những người đồng đội đã ngã xuống tôi không thể cầm được nước mắt và xin gửi gắm vào những nén tâm hương cùng tiếng chuông thỉnh, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hi sinh được siêu thoát. Tận đáy lòng mình, chúng tôi, những người may mắn còn sống và trở về trong hòa bình, tôi luôn có tâm nguyện còn sức lực còn phải đóng góp xây dựng quê hương”.
Lần đầu tiên chúng tôi được đến với các địa chỉ đỏ này đúng vào dịp kỉ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ cùng với bao câu chuyện cảm động, càng khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Mỗi một chứng tích lịch sử đều thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Thế hệ trẻ chúng tôi khi được đặt chân đến, được tìm hiểu về nơi này là thêm một lần nữa được thắp lửa tự hào, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do.