Xứng danh chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
Tuổi cao gương sáng 27/12/2024 15:12
Đang học cấp III phổ thông, ông cùng bạn bè xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Trung đội thông tin thuộc Tiểu đoàn 14 pháo hỏa lực mặt đất, thuộc Sư đoàn 325 tham gia hàng trăm trận đánh trong Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Năm 1975, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Do bị thương, không đủ sức khỏe, ông được ra quân và thi đỗ học đại học, tốt nghiệp về làm chuyên viên rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Lê Quang Trọng (thứ nhất bên trái) tại đại hội Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. |
Chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, ông gia nhập Hội CCB, Hội NCT thôn; được bầu vào Ban chấp hành (BCH) Chi hội CCB và được phân công làm Chi hội trưởng kiêm Chi hội phó Chi hội NCT thôn. Ông tâm sự: “Nhận 2 nhiệm vụ, tôi lo lắm nhưng hết sức cố gắng để không phụ lòng tin của anh chị em hội viên”.
Ông cùng với BCH chủ động phối kết hợp với Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân phát động phong trào làm kinh tế gia đình, trong đó lấy CCB, NCT làm nòng cốt. Ông đề nghị với Hội cấp trên tạo điều kiện để các hội viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Liên tiếp nhiều vụ, sản phẩm của thôn luôn đạt tiêu chuẩn an toàn, sản xuất, đời sống sinh hoạt ổn định nên hội viên rất phấn khởi, từ đó tích cực đóng góp xây dựng quỹ Hội.
Ông cùng BCH xây dựng quy chế quản lí, sử dụng quỹ Hội đúng quy định, đúng mục đích, dành phần lớn cho thăm hỏi, trợ cấp hội viên ốm yếu, khó khăn. Để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, ông thành lập các CLB dưỡng sinh, bóng chuyền hơi... vận động bà con và hội viên tập luyện, thi đấu giao lưu vừa tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, vừa góp phần rèn luyện giữ gìn sức khỏe.
Năm 2015, xã thành lập Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và ông được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, sau đó làm Chủ tịch Huyện hội, tham gia BCH Tỉnh hội và được phân công làm Phó Chủ tịch Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên cho đến nay. Ông chia sẻ: “Hội Truyền thống là nơi sinh hoạt của các CCB đã từng sống, chiến đấu trong “Mùa Hè đỏ lửa” 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ năm 1972”.
Ông cùng BCH xây dựng quỹ Hội quan tâm giúp đỡ hội viên sức khỏe yếu, bệnh tật, kinh tế khó khăn. Hằng năm, ông cùng BCH tổ chức cho hội viên thăm lại chiến trường, đến các nghĩa trang viếng liệt sĩ trong đơn vị còn nằm lại ở huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng cùng nghĩa trang các xã mà xưa kia là trận địa pháo của đơn vị. Sự cố gắng của ông đã góp phần xây dựng Hội Truyền thống của tỉnh là một trong những Hội hoạt động tích cực trên cả nước.