Kê khai tài sản cần chế tài chặt chẽ, minh bạch
Nghiên cứu - Trao đổi 20/02/2023 14:42
Ai cũng biết rất rõ tiền lương của cán bộ, công chức giới hạn thế nào. Dù là cán bộ cao cấp nếu thu nhập từ lương, giỏi lắm chỉ đủ sống cho bản thân, một phần chi tiêu cho đời sống gia đình, nuôi con ăn học ở mức tùng tiệm. Lương của Bộ trưởng nếu không dùng vào việc gì thì phải dành dụm 120 năm mới có thể xây được biệt thự trị giá 30 tỉ đồng. Và, muốn cho một đứa con đi du học ở Mỹ thì lương của hàm Thứ trưởng phải tích cóp trong 20-25 năm. Vậy mà có những quan chức sở hữu biệt thự 50 tỉ đến 100 tỉ đồng, có người sở hữu 2-3 biệt thự (vợ, con đứng tên), một số người có 1-3 con đẻ (thậm chí con dâu, con rể) cho sang Mỹ, Anh học. Có ông lớn con vừa nhập học ở Mỹ đã mua kèm theo biệt thự sang trọng trên đất Mỹ…
So sánh như thế có vẻ “khập khiễng”, nhưng hiện nay “một bộ phận không nhỏ” các quan chức trong bộ máy hành chính các cấp giàu nhanh, có khối tài sản “khủng”. Nguồn gốc số tài sản đó của không ít người là do tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ mới giàu kinh khủng như thế!...
Ảnh minh hoạ |
Cách đây gần 10 năm, báo chí rộ lên khối tài sản “lộ thiên” của 2 ông cựu Tổng Thanh tra Nhà nước là Trần Văn Truyền, Nguyễn Phong Tranh và ông Phó tổng Ngô Văn Khánh… Thế nhưng các ông chỉ bị cảnh cáo, hoặc chỉ “được nhắc nhở”, rồi tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, tiếp tục có nhiều tài sản nữa và hạ cánh an toàn. Mới đây, ông Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà (chỉ là người đứng đầu cấp huyện) sau khi bị khởi tố bị can, phát hiện có khối tài sản hàng trăm tỉ đồng. Ngoài căn biệt thự trị giá gần 100 tỉ đồng thì ông có 4 chiếc xe sang tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng. Người ta đồn rằng, ở Đồng Nai hai ông Trần Văn Thành (cựu Bí thư Tỉnh uỷ), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) có khối tài sản hàng nghìn tỉ đồng. Điều đó chắc không ngoa vì chỉ riêng cái dự án Bệnh viện đa khoa mỗi ông đã nhận hối lộ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Giám đốc Công ty AIC) 14,5 tỉ đồng. Trong những năm hai ông đứng đầu địa phương này, có hàng loạt dự án nhóm A, nhóm B sử dụng ngân sách và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân đến đầu tư.
Người dân rất bức xúc khi thấy biệt phủ khổng lồ của ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái; cũng như dinh thự của nhiều cán bộ cao cấp ở hầu khắp các tỉnh, điển hình như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Thuận… Kê biên tài sản của Cựu Chủ tịch UBND TP Nà Nội có 3 căn nhà lớn, nhiều đất tại trung tâm thành phố. Có ông luân chuyển từ tỉnh về trung ương, lúc đầu vợ chồng ở nhà công vụ, dần dà chỉ trong một khoá ông đã sở hữu 2 biệt thự, 4 căn hộ chung cư hạng 5 sao, vài lô đất trong dự án. Thực hư không rõ nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Những tài sản “khủng” kia ở đâu mà có? Khi cơ quan chức năng yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản, một vài quan chức phân bua rằng, là do công sức lao động “thối cả móng tay”, là từ “buôn chổi đót”, từ “mò cua bắt ốc”, “nuôi lợn”...
Một số quan chức còn “tích cóp” tiền mặt, ngoại tệ, vàng, kim cương trong két sắt, tủ tài liệu ở cơ quan... Ở tỉnh Kon Tum, tháng 1/2013, ông Đặng Xuân Thọ (Giám đốc Sở Tài chính tỉnh), vợ là bà Trần Thị Xuân Lan (Trưởng phòng Tổ chức Cục Thuế tỉnh Gia Lai) trong khi đi du lịch, kẻ trộm vào nhà lấy 1 va-li vàng cất dưới gầm giường, gồm nhiều thỏi vàng miếng, nhiều nhẫn, bông tai, lắc tay, dây chuyền trị giá 2,792 tỉ đồng. Ở TP Hồ Chí Minh, ngày 8/8/2014 ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bị mất trộm 1,6 tỉ đồng ngay tại phòng làm việc. Ngày 5/12/2011, ông Trương Công Chiến (Chi cục Thuế quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và vợ là Phạm Thị Thanh Loan (Kế toán trưởng Trung tâm dạy nghề huyện Bình Chánh) bị đạo chích lấy đi 12 sổ tiết kiệm, 6.000 USD, 10 lượng vàng SJC, tổng trị giá 6 tỉ đồng. Ở tỉnh Thanh Hoá cách đây 6 năm cũng xảy ra vụ trộm đêm. Kẻ gian cậy tủ phòng làm việc của một cán bộ lấy đi nhiều tỉ đồng. Ngày 7/5/2014, Công an tỉnh Bắc Kạn bắt 3 tên trộm cuỗm 40.000 USD, 5 lượng vàng SJC, 1 lắc tay vàng, đôi nhẫn cưới và 100 triệu đồng từ nhà ở của ông Lăng Văn Hoà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Ở Đà Nẵng, một nhóm đạo trích trong nhiều năm chỉ nhằm trộm cắp nhà các quan chức. Chúng tiến hành trót lọt 36 vụ với số tài sản nhiều chục tỉ đồng, trong đó có nhà ông Nguyễn Thanh Quang, từng là Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Hoàng Dương Việt Anh, con trai cựu Chủ tịch UBND thành phố. Tương tự ngày 25/6/2017, kẻ gian đột nhập nhà bà Trần Thị Anh Đào, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (chồng là Cảnh sát giao thông) lấy đi 57 lượng vàng, 60 triệu đồng tiền mặt. Trên thực tế còn nhiều quan chức bị mất trộm tài sản nhưng đành “ngậm tăm” không khai báo.
Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội ngũ cán bộ cấp cao thân cận của Người đều rất trong sáng, liêm khiết, chỉ ở nhà công vụ và hầu như không có tài sản riêng… Tổng Bí thư Trường Chinh khi qua đời duy nhất có một sổ tiết kiệm giá trị tương đương vài bốn chục triệu đồng bấy giờ là tiền nhuận bút viết báo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi cưới con trai không đủ tiền mua chiếc nhẫn vàng tặng con dâu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không có tài sản riêng gì đáng kể cho các con. Ông có nhiều kỉ vật, quà lưu niệm được thế giới, trong nước biếu, tặng nhưng không giao cho tổ chức nào, hoặc chia cho con cháu. Tất cả được cất giữ để trưng bày nhà lưu niệm hay Bảo tàng Võ Nguyên Giáp sau này…
Theo luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020?NĐ-CP của Chính phủ quy định việc kê khai tài sản áp dụng đối với cán bộ, công chức thì chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên. Sự bất cập này khiến không ít người chuyển cho các con đã lập thân, người nhà (bố mẹ, vợ, anh em, họ hàng), thậm chí bạn bè đứng tên tài sản. Xem ra luật còn nhiều kẽ hở nên 10 năm qua công cuộc chống tham nhũng giành nhiều kết quả quan trọng nhưng vấn đề kê khai tài sản và kiểm tra, giám sát tài sản, thu hồi tài sản bất minh còn nhiều khoảng trống lớn.
Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức kê khai tài sản hằng năm chỉ là hình thức, không thực chất, kém hiệu quả. Tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, không phát hiện kịp thời, chưa có cơ chế thu hồi tài sản. Luật của ta cũng chưa có chế tài xử lí tài sản bất minh, tài sản không kê khai, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp như ở các nước tiên tiến, năng lực chống tham nhũng hiệu quả cao…