Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - “Thanh bảo kiếm” phòng, chống tham nhũng
Nghiên cứu - Trao đổi 29/06/2024 11:08
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Người coi kiểm soát là một trong ba chức năng quan trọng nhất của lãnh đạo là: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng... 3. Phải tổ chức sự kiểm soát...”(1). Những lời chỉ dẫn của Bác là kim chỉ nam trong công tác cán bộ.
Quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt của quyền lực chính trị trong thể chế chính trị nước ta, là yếu tố không thể thiếu để duy trì trật tự xã hội nhằm bảo đảm lợi ích chung. Nói đến quyền lực là nói đến khả năng, năng lực của một tổ chức, cá nhân tác động đến hành động, hành vi của những chủ thể khác, buộc họ phải chấp hành theo ý chí của chủ thể có quyền lực.
Ảnh minh hoạ. Nguồn IT |
Công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng là vấn đề căn bản và cốt lõi, không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng mà còn góp phần quyết định đến sự thành bại trong quá trình lãnh đạo và tổ chức sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa tình trạng chạy chức, chạy quyền. Trong đó, vấn đề trọng yếu là “Việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lí các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”(2).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, “Việc kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”. Nghị quyết nhấn mạnh một trong ba giải pháp đột phá về công tác xây dựng Đảng là “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”.
Đảng ta đã đưa vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc đến trên 20 lần trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Và Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỉ luật, kỉ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(3) nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực.
Đây là lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội, Đảng ta nêu rõ kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ - bước đột phá mạnh mẽ, quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo Đại hội XIII của Đảng là kiểm soát bằng thể chế, kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát của cấp trên với cấp dưới và ngược lại; kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát của cơ quan chức năng với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội… nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kiểm soát trong Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Song, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả sẽ đưa hoạt động thực thi quyền lực trong công tác cán bộ dễ dẫn đến tha hóa, biến chất.
Thực trạng kiểm soát quyền lực công tác cán bộ
Thực tiễn đã chứng minh, công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, được Đảng đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận về công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ như: Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỉ luật của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lí nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”,… nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lí các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian qua, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, kịp thời triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Xây dựng cơ chế bảo đảm công tác cán bộ thực sự dân chủ, công khai, minh bạch; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng hoặc buông lỏng quyền lực trong công tác cán bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ và quản lí đội ngũ cán bộ. Xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên một cách thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kì phát triển mới.
Ảnh minh hoạ. Nguồn IT |
Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như hiện nay; đã để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tham nhũng, nhất là tham nhũng trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đạt được những kết quả trên, do các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; những quy định liên quan đến người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hầu hết người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã quyết liệt trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm minh hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, Đảng ta đã chỉ rõ: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”(4); việc điều tra, phát hiện, xử lí những vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế.
Quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta thời gian qua cũng có lúc, có nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực chưa quyết liệt, hiệu quả; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhiều khâu của công tác cán bộ vẫn còn thiếu công khai, minh bạch, thiếu dân chủ; quy hoạch cán bộ còn có nơi, có chỗ thiếu khách quan, thiếu chính xác. Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong chính sách cán bộ, tham nhũng, lợi ích nhóm có diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi ở một số nơi. Việc chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng nhân danh “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thậm chí có cả người thân, người nhà chưa đủ uy tín, bỏ qua mọi quy trình, tiêu chuẩn để tuyển dụng, đưa vào quy hoạch, đưa đi đào tạo, luân chuyển, “cả nhà làm quan” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận.
Công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chậm, xử lí chưa kiên quyết triệt để những tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc phát hiện và xử lí vi phạm, kể cả truy tố trách nhiệm hình sự đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn, nhất là cán bộ cấp cao trong hoạt động hành pháp thời gian qua, đó là không ít người biết có hành vi tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền, mất dân chủ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ... đang diễn ra ở cơ quan, đơn vị mình hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm hại nhưng không dám lên tiếng khiếu nại, tố cáo.
Do vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ngày càng là nhu cầu, cấp bách, cần được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, với những giải pháp thiết thực, hữu hiệu.
Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Để tăng cường việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trong tình hình mới như sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và xã hội về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, ý thức tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức phù hợp, sáng tạo nhằm tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phản ánh, đấu tranh và ngăn chặn những dấu hiệu tha hóa quyền lực. Đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng. Nghiêm cấm hành vi “nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự”. Để cán bộ “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ các khâu đánh giá cán bộ.
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế bằng hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng về công tác cán bộ ở tất cả các khâu nhằm quản lí chặt chẽ, hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên để những đối tượng cơ hội không thể “chạy” và không dám “chạy”. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của cán bộ; xác định đúng tiêu chuẩn từng loại cán bộ, có thước đo cụ thể hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thật sự coi trọng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ hằng năm, gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với đánh giá cán bộ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, phát huy tính nêu gương người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Ba là, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Cần sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lí các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền. Phải công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy chế, quy trình, yêu cầu, thủ tục và hồ sơ nhân sự cho từng khâu của công tác cán bộ, gắn với giải trình trách nhiệm nhằm phát hiện những người có đức, có tài phân công, sắp xếp họ theo đúng tinh thần “dụng nhân như dụng mộc”, khoa học, dân chủ để trao quyền lực đúng người, đúng chỗ; kịp thời phát hiện, thay thế những người yếu kém về phẩm chất, năng lực, vi phạm nghiêm trọng kỉ luật của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước không để đến hết nhiệm kì. Phải “kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỉ luật, kỉ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”.
Bốn là, đổi mới, hoàn thiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, hoàn thiện từ các đạo luật liên quan đến rà soát các quy định, quy chế của Đảng, của Nhà nước, tránh chồng chéo, tạo khuôn khổ thể chế, pháp lí cho đấu tranh chống “chạy chức, chạy quyền”, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là cơ sở xác định trúng, đúng và phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt với Nhà nước. Đồng thời, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải gắn kết, song hành với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện chiến lược cán bộ; nằm trong mối quan hệ cấp thiết với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn xã hội.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm; không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm kỉ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kì, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lí đội ngũ cán bộ theo chuyên đề, chuyên ngành các cơ quan tham mưu, giúp việc và những người trực tiếp làm công tác cán bộ. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa và xử lí nghiêm việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai phạm trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, tha hóa, thoái hóa quyền lực… theo kỉ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kịp thời hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ. Xem xét trách nhiệm, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người làm công tác cán bộ có nhiều phản ánh, dư luận về việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch, đối tượng lợi dụng việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm xuyên tạc, kích động, gây rối nội bộ, chống phá Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông và các thiết chế dân chủ từ cơ sở trong công tác cán bộ.
Phát huy tốt vai trò giám sát của báo chí, truyền thông, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử,… để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa, thoái hóa quyền lực. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng về công tác cán bộ, xây dựng và quản lí đội ngũ cán bộ.
Bảy là, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ công an, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; nhân lên những nhân tố gương điển hình, tiên tiến.
Tăng cường công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,... Thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, phát huy đầy đủ về vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… trong việc nâng cao đạo đức phẩm chất, nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ trong tình hình mới. Có cơ chế bảo vệ những người thông tin, tố cáo đúng các hành vi lạm dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đề cao liêm sỉ, trọng danh dự, nêu gương cá nhân điển hình có thành tích tiêu biểu, tích cực của đội ngũ làm công tác cán bộ.
Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - “Thanh bảo kiếm” phòng, chống tham nhũng; có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ. Yêu cầu đặt ra phải có sự phối hợp đồng bộ của Đảng, Nhà nước, báo chí, dư luận xã hội, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân là “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, thực hiện thành công khát vọng phát triển nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 325
(2) Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”
(3)(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118, 91.