Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An: Đất đang tranh chấp vẫn đề nghị cấp sổ đỏ.
Pháp luật - Bạn đọc 12/09/2018 09:06
Những bằng chứng kháng án của ông Trọng.
Năm 1995, bà Trần Thị Thục (Ngô Thị Chuân) ở xóm 10 xã Diễn Xuân làm đơn chuyển nhượng cho ông Ngô Tiến Trọng, (người cùng xóm và là cháu gọi bà Thục bằng bác) 189 m2 đất vườn, với giá 10 triệu đồng. Hai bên có làm giấy chuyển nhượng, do là bác cháu với nhau nên ông Trọng và bà Thục chưa làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Diện tích đất chuyển nhượng nằm chung thửa với vườn bà Thục. Sau khi chuyển nhượng, ông Trọng đã xây dựng nhà ở, chuồng trại nuôi lợn, đào giếng, xây nhà vệ sinh, xây xưởng xay xát gạo… Ăn ở ổn định đã được 17 năm, thì mẹ con bà Thục đòi đất và khởi kiện ông Trọng ra tòa, với lý do đất cho thuê 15 năm chứ không phải bán. Mặc dù kiện đòi đất đã chuyển nhượng nay biên thành đất “cho thuê”, nhưng bà Thục không đưa ra được bằng chứng nào nói là đất cho thuê, thế nhưng hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tòa đều xử cho bà Thục thắng kiện. Bà Thục thắng kiện là do TAND huyện và tỉnh đã căn cứ vào sổ đỏ của bà Thục được cấp không đúng quy định (đã bị thu hồi năm 2016) để xử cho bà. Do tòa xử bỏ lọt nhiều tình tiết mới, ông Trọng bị oan nên đã viết đơn kháng án lên TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục Giám đốc thẩm. Những lý do mà ông Trọng kháng án là: Bà Thục và ông Trọng đều không còn giấy chuyển nhượng, cả hai đều trình bày bằng miệng nhưng ông Trọng trình bày "bằng miệng" thì không được Tòa chấp nhận, còn bà Thục trình bày "bằng miệng" lại được tòa chấp nhận. Thứ hai, bà Thục nói đất cho thuê nhưng không bán là không đúng bởi vì, trong gần 20 năm, ông Trọng xây nhà kiên cố, xây chuồng lợn, làm nhà vệ sinh, đào giếng, xây bờ rào bao quanh vườn, bà Thục ở một bên biết nhưng tại sao không phản đối. Nếu đó là đất cho thuê thử hỏi ông Trọng có được xây như thế không? Thứ ba, trong các biên bản họp gia đình của những nhà có đất liền kề để chia tài sản đất cho con đều kê khai mảnh đất 189 m2 là đất ông Trọng và đã được UBND xã Diễn Xuân xác nhận. Đặc biệt trong tờ bản đồ số 4, chỉnh lý năm 2007 được đánh lại số thửa theo hiện trạng, đang lưu giữ tại UBND xã Diễn Xuân thì thửa đất bà Thục là thửa số 649, trên hiện trạng bản đồ lúc này thửa số 649 được chia làm 3 thửa gồm số 765, 766, 767. Thửa số 765 mang tên ông Trọng, thửa số 766 mang tên ông Thịnh, thửa số 767 mang tên bà Thục. Thứ tư, căn cứ mà tòa án xử cho bà Thục thắng kiện là sổ đỏ số A A 172949 do UBND huyện Diễn Châu cấp ngày 11/10/2004. Sổ đỏ này đã bị UBND huyện Diễn Châu thu hồi ngày 31/10/2016, do cấp không đúng với quy định của pháp luật. Như vậy lúc đó bằng chứng duy nhất để tòa phán xét là sổ đỏ của bà Thục, nay phát hiện ra sổ đỏ cấp sai quy định thì bản án cần phải xem xét lại vì có thêm tình tiết mới. Thứ năm, vườn bà Thục có diện tích ban đầu 545 m2. Năm 1995 bán cho ông Trọng 189 m2, với giá 10 triệu đồng. Năm 2004, bà Thục tiếp tục bán cho ông Nguyễn Văn Thịnh 132 m2 đất liền kề ông Trọng, với giá 17.250.000 đồng. Chẳng lẽ năm 1995, ông Trọng ''Thuê'' với giá 10 triệu đồng, 10 năm sau cũng đất như thế liền kề bà Thục bán mà được hơn 17 triệu đồng là hoàn toàn vô lý. Phải chăng ông Trọng có bị "điên" mà thuê đất 15 năm mà lại không mua của bà Thục!
Đất của bà Thục đã được bán cho ba chủ khác nhau và các gia đình đó đã và đang xây nhà ở.
Xin cấp sổ đỏ để làm mất tang chứng.
Người dân xóm 10 cho biết, chồng bà Thục mất sớm, hai mẹ con bà hoàn cảnh khó khăn. Năm 1993, gia đình bà Thục ở trong gian nhà tranh, UBND xã Diễn Xuân đã cho hai gian nhà chăn nuôi tập thể, nhân dân xóm 10 đóng góp ngày công,dựng tạm nhà cho mẹ con bà ở. Năm 1995, để sửa lại nhà, bà đã bán cho ông Ngô Tiến Trọng 189 m2 đất vườn. Năm 1997, bà bán tiếp cho ông Thịnh 132 m2. Sau này chị Tấn trưởng thành, lấy chồng ở rể trong nhà bà Thục, một thời gian sau mẹ con bà Thục bán đất và nhà về xã Diễn Hạnh sinh sống. Sau đó quay về xã Diễn Xuân đòi lại đất đã bán cho ông Trọng, với lý do là đất cho thuê.
Mục đích của bà Thục làm sổ đỏ xong, bán mảnh đất tranh chấp đó cho người khác. Hiện tại bà Thục bị tai biến, nằm một chỗ không biết gì, bà đã ủy quyền việc đòi đất cho con gái bà là Ngô Thị Tấn. Vì thế mục đích của bà Tấn là cố gắng làm được sổ đỏ để bán đất, lúc đó ông Trọng có đi kêu oan cũng khó, vì chủ đất là bà Thục nằm một chỗ không biết gì và ở địa phương khác. Đất thì đã bán cho người khác xây nhà lên trên thì ông Trọng khởi kiện cũng vô ích vì bằng chứng còn đâu mà kiện.
Đất đang khởi kiện ra tòa vẫn được đề nghị cấp bìa đỏ.
Phần đất bán cho ông Trọng đã được gia đình ông xây chuồng trai chăn nuôi kiên cố.
Do biết được mục đích của gia đình bà Thục nên ông Trọng đã viết đơn kêu cứu gửi khắp nơi, đề nghị UBND huyện Diễn Châu chưa làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận thửa đất đang tranh chấp trên cho bà Thục, lý do: Đất đang có tranh chấp, đang có nhà cửa của ông Trọng trên đất. Hiện ông Trọng chưa đồng ý với bản án phúc thầm và đang có đơn gửi lên TAND Tối cao đề nghị xem xét lại do có thêm tình tiết mới. Kèm theo đơn là Giấy biên nhận tiếp nhận đơn của TAND Tối cao, Viện KSND Cấp cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Theo quy định của Luật Đất đai, đất đang có tranh chấp thì chưa được cấp sổ đỏ, thế nhưng không hiểu vì sao, ngày 31/8/2018, thay mặt UBND huyện Diễn Châu, ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã ký Công văn số 1539/CV-UBND-TTr, Công văn thông báo cho ông Trọng biết là UBND huyện Diễn Châu sẽ làm thủ tục cấp giấy sổ đỏ cho bà Thục. Đất đang có tranh chấp vẫn được đề nghị cấp sổ đỏ là vi phạm pháp luật, Báo Người cao tuổi đè nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét và chỉ đạo UBND huyện Diễn Châu làm đúng quy định của việc cấp sổ đỏ. .
Nguyễn Hữu Mai.