Hồ Xuân Hương: Từ vợ ba Tổng Cóc trở thành Danh nhân Văn hóa
Nghiên cứu - Trao đổi 03/12/2022 09:37
“Kén cá chọn canh” nữ sĩ trở thành vợ ba Tổng Cóc
Hồ Xuân Hương sống cuối thế kỉ XVIII, khi đó chế độ phong kiến cho phép người đàn ông có năm thê bảy thiếp, còn người phụ nữ bị trói buộc vào tư tưởng đạo giáo, trong tình yêu, hôn nhân gia đình.
Thời ấy, Nguyễn Bình Kình (Tổng Cóc) người làng Gáp, Phong Châu - đất Tổ Vua Hùng, là cháu đích tôn của Tiến sĩ Nguyễn Quang Thành. Gia đình Tổng Cóc có sản nghiệp lớn, có địa vị danh giá trong vùng. Bình Kình đã từng theo học ở Quốc Tử Giám (Kinh thành Thăng Long) đậu tú tài, giỏi thơ văn, lại là người giỏi võ, nhiều lần giật giải thi võ của làng Gáp, nên dân làng gọi là Tổng Cóc. Dáng to khỏe, điển trai, Bình Kình là giấc mơ của bao thiếu nữ trong vùng. Năm 18 tuổi, chàng đã lấy vợ, 5 năm, nàng vẫn chưa có con, thuận theo ý mẹ, Tổng Cóc đã lấy vợ lẽ.
Còn Xuân Hương nữ sĩ, nàng tài sắc, nổi danh chịu làm vợ ba Tổng Cóc không chỉ vì chàng là cháu đích tôn của tiến sĩ Nguyễn Quang Thành danh giá, không vì gia cảnh giàu có, mà vì chàng - chính mẫu người lí tưởng, là duyên phận của nàng.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương |
Những bài thơ mang dấu ấn nữ quyền của Hồ Xuân Hương khi làm vợ ba ông Tổng Cóc
Trong cảnh ấy, tình ấy, những bài thơ đặc sắc, có tiếng nói nữ quyền của Hồ Xuân Hương, đã vút lên công phá thành trì những hủ tục, những ràng buộc về tình yêu, về hôn nhân gia đình với người phụ nữ.
Khi đang yêu Tổng Cóc, nữ sĩ có bài thơ “Mời trầu”, đó là tiếng nói của tình yêu, người con gái không chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nàng thơ lên tiếng: Có phải duyên nhau thì thắm lại. Thời ấy lễ giáo phong kiến không chấp nhận người phụ nữ tỏ tình trước, kiểu như “trâu đi tìm cọc”. Vậy mà Xuân Hương đã vượt lên lễ giáo phong kiến, để đòi sự bình đẳng trong tình yêu cho phái yếu, đó là tuyên ngôn về nữ quyền đòi bình đẳng trong tình yêu.
Khi đã lấy chồng, Xuân Hương cảm thông cho những cảnh đời người phụ nữ “Không chồng mà chửa” với cái nhìn cảm thông độ lượng: Cả nể cho nên hóa dở dang/ Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?/ Thiên nhiên chưa thấy nhô đầu dọc/ Phận liễu sao đà phẩy nét ngang/ Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa/ Mảnh tình một khối thiếp xin mang/ Quản bao miệng thế lời chênh lệch/ Không có nhưng mà có mới ngoan. Đọc thơ Hồ Xuân Hương lại nhớ ca dao cổ có câu: Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường. Vận ý này của ca dao cổ, Xuân Hương khẳng định phụ nữ: Không có nhưng mà có mới ngoan”. Tư tưởng tiến bộ của nữ sĩ từ thế kỉ XVIII, đã “đòi” cho người phụ nữ được quyền làm mẹ, dù có chồng hay không, ý tưởng ấy đã trở thành hiện thực, phù hợp với đời sống hôm nay.
Bấy giờ rất nhiều phụ nữ chịu cảnh chồng chung, người ta hầu hết cam chịu, còn nữ sĩ thì không, sự phản kháng của Xuân Hương thể hiện qua bài thơ “Làm lẽ”: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Năm thi mười họa chăng hay chớ?/ Một tháng đôi lần có cũng không/ Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn, mướn không công/ Thân này giá biết dường này nhỉ/ Thà trước thôi đành ở vậy xong. Có hiểu, có cảm thông cảnh chồng chung, mới cảm nhận được nỗi đau, khi nàng thơ phải thốt lên Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, đó chính là tiếng nói nữ quyền của Hồ Xuân Hương cách nay đã ba thế kỉ.
Những vần thơ đó của vợ ba ông Tổng Cóc, chính là dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp thi ca của Hồ Xuân Hương, để đúng 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ, ngày 23/11/2021, Tổ chức UNESCO đã vinh danh “Danh nhân văn hóa” cho nàng thơ.
Mối tình vợ ba Tổng Cóc và mảnh đất làng Gáp, chính là điểm tựa cho những bài thơ mang tính chiến đấu, bảo vệ nữ quyền của nữ sĩ vút lên, trong dòng thơ độc đáo của nữ sĩ, một “Danh nhân văn hóa” rạng danh cho phụ nữViệt Nam, cho thơ ca Việt Nam.