Bà chúa thơ Nôm và nghi vấn về “ông Phủ Vĩnh Tường”
Nghiên cứu - Trao đổi 21/09/2022 10:05
Trong cuốn “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng cũng đưa ra giả thuyết về hai nhân vật, mà nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng đó là “ông Phủ Vĩnh Tường”, cụ thể đó là các ông: Phạm Viết Ngạn và Trần Phúc Hiển. Trước hết nói về ông Phạm Viết Ngạn, tư liệu nghiên cứu thể hiện như sau:
Ông Phạm Viết Ngạn sinh ngày 13/8 năm Nhâm Tuất (Gia Long nguyên niên – 1802), quê gốc ở Sơn Tây. Ông nội ông Phạm Viết Ngạn đến làng Trà Lũ, xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định dạy học. Đến năm Bính Ngọ (1786) gia đình di cư hẳn về làng Trà Lũ, nên trở thành người làng Trà Lũ. Ông Phạm Viết Ngạn sinh năm 1802, đến năm 1824 đỗ Tú tài. Năm Thiệu Trị thứ hai (1842) ông thi đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định, khoa thi Nhâm Dần. Năm Mậu Thân (Tự Đức nguyên niên – 1848) ông được hậu bổ. Tháng 4 năm Kỷ Dậu (1849) ông được điều giữ chức Nhiếp biện ấn vụ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa ngày nay), rồi nhậm chức Giáo thụ phủ Thiệu Hóa. Khoa thi hương năm Canh Tuất (1850), ông được sung sơ khảo trường Nghệ An. Khoa thi năm Giáp Dần (1854) ông được sung phúc khảo trường Nghệ An. Năm Mậu Ngọ (1858), ông được bổ làm tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đầu năm Nhâm Tuất (Tự Đức thứ 15 - 1862), ông được thăng chức Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường… Đến ngày 14/4 cùng năm, ông mất tại lị sở, thọ 61 tuổi.
Chân dung bà chúa thơ Nôm |
Nhân vật thứ hai là ông Trần Phúc Hiển. Ông Trần Phúc Hiển làm Tri phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm 1813 ông chuyển đi nhậm chức Tham hiệp Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh). Năm 1822 vùng đất phủ Tam Đái được vua Minh Mạng cho đổi tên thành phủ Vĩnh Tường. Từ năm 1822 đến năm 1862, phủ Vĩnh Tường có 3 đời quan tri huyện, ông Phạm Viết Ngạn là tri phủ thứ 3 của phủ Vĩnh Tường. Năm 1816 ông Trần Phúc Hiển cưới nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm lẽ, khi đó ông đang giữ chức Tham hiệp Yên Quảng.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có tên “cúng cơm” là Hồ Phi Mai, sinh năm 1773, con cụ Hồ Phi Diễn, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với người phụ nữ họ Hà, quê ở Bắc Ninh. Cụ Hồ Phi Diễn có vợ cả ở quê nhà, nhưng không có con. Khi ra Bắc dạy học, cụ kết hôn với người phụ nữ họ Hà và sinh ra duy nhất một người con gái đặt tên là Hồ Phi Mai, biểu tự là Xuân Hương. Như vậy, Hồ Xuân Hương chỉ là tên tự (tên chữ) của nữ sĩ. Công trình nghiên cứu của nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng chỉ rõ, bà Hồ Phi Mai sinh ngày 13 tháng 7 âm lịch, tức ngày 30 tháng 8 năm 1773 dương lịch. Năm 1802 bà Hồ Phi Mai theo về làm lẽ ông Nguyễn Bình Kình (còn gọi là ông Tổng Kình), ở làng Gáp, nay thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông Tổng Kình khi đó đã có hai bà vợ ở quê, như vậy nữ sĩ về làm lẽ đồng nghĩa là người vợ thứ ba.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm lẽ ông Tổng Kình được hai năm, với bao khúc nhôi, cay đắng. Do đó, sau hai năm chung sống, bà chủ động chia tay với ông Tổng Kình (còn gọi là Tổng Cóc). Khi chia tay với ông Tổng Kình, nữ sĩ để lại bài thơ “Khóc Tổng Cóc”, với những lời lẽ, thái độ dứt khoát, nhưng vẫn phảng phất sự nuối tiếc: Tổng Cóc ơi, Tổng Cóc ơi!/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi. Bà quay trở lại Thăng Long, hơn 7 năm theo bạn bè buôn bán và mở hiệu bán sách ở phố Nam, lấy tiền trang trải nuôi mẹ già. Năm 1811, bà được mời về dạy học ở làng Nghi Tàm, thay thầy Tử Minh vừa mất. Cũng năm đó nàng rời nhà từ thôn Tiêu Thị về ở nhà mới Cổ Nguyệt Đường ven Hồ Tây. Sau đó, bà lại kết hôn, làm lẽ “ông Phủ Vĩnh Tường”. Vậy, “ông Phủ Vĩnh Tường” là ai? Ông Phạm Viết Ngạn hay ông Trần Phúc Hiển?
Tư liệu ghi rất rõ, không thể tranh cãi, bà Hồ Phi Mai (nữ sĩ Hồ Xuân Hương), sinh năm 1773, ông Phạm Viết Ngạn, sinh năm 1802. Như vậy, ông Phạm Viết Ngạn kém “bà chúa thơ Nôm” 29 tuổi. Nữ sĩ chết năm 1822, khi vừa 49 tuổi, đến năm 1862, ông Phạm Viết Ngạn mới nhậm chức Tri phủ Vĩnh Tường, khi nữ sĩ đã chết 40 năm trước. Giả định bài thơ ghi “Hai bảy tháng trời đà mấy chốc”, chỉ thời gian nữ sĩ sống với “ông Phủ Vĩnh Tường” 3 năm, lùi đi 3 năm tức năm 1859 nữ sĩ về làm lẽ, khi đó ông Phạm Viết Ngạn mới 57 tuổi, còn cụ Hồ Xuân Hương (Hồ Phi Mai) đã 86 tuổi, không thể có chuyện ông Phạm Viết Ngạn lấy bà già 86 tuổi về làm vợ lẽ. Nếu để chỉ thời gian mãn tang, thì ông Phạm Viết Ngạn chết năm 1862, cộng thêm 3 năm nữa, khi đó cụ Hồ Xuân Hương đã 92 tuổi, trong khi nữ sĩ đã chết năm 1822, đủ thấy đó là sự phi lí. Vì vậy, ông Phạm Viết Ngạn không thể là “ông Phủ Vĩnh Tường” lấy nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Hồ Phi Mai) làm lẽ được.
Như vậy, “ông Phủ Vĩnh Tường” trong bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” của bà chúa thơ Nôm không phải ông Phạm Viết Ngạn, thì còn lại là ông Trần Phúc Hiển. Nếu nữ sĩ cưới người chồng thứ hai năm 1816, lúc đó chưa có Phủ Vĩnh Tường, mà khi đó ông Trần Phúc Hiển đang làm quan Tham hiệp Yên Quảng. Ông Trần Phúc Hiển được bổ làm Tri phủ Tam Đái năm 1810, năm 1813 được điều chuyển làm quan Tham hiệp Yên Quảng, năm 1819 bị xử tử hình, do bị quy kết tội nhận hối lộ. Tư liệu lưu giữ cũng cho thấy, bà chúa thơ Nôm từng chạy đôn, chạy đáo đi kêu oan cho chồng là ông Trần Phúc Hiển nhưng không được. Lịch sử cũng ghi lại, Hồ Xuân Hương viết đơn xin ân xá cho chồng, được vua Gia Long chấp thuận cho “tự xử”, nghĩa là được sống thêm 60 ngày, trong 60 ngày ấy giam ở đâu cũng được chuẩn theo ý của người làm đơn, đến ngày thứ 61 phải chết bằng cách tự xử, cách nào cũng được. Đến tháng Giêng năm 1822 phủ Tam Đái được vua Gia Long đổi tên thành phủ Vĩnh Tường, trùng thời gian năm nữ sĩ mãn tang chồng và sáng tác bài “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”, sau đúng 27 tháng (3 năm). Đến tháng 8 âm lịch năm đó, bà Hồ Xuân Hương (Hồ Phi Mai) từ trần ở tuổi 49.
Như vậy, người chồng thứ hai, “ông Phủ Vĩnh Tường” trong bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” của bà Hồ Xuân Hương, không ai khác, chính là quan Tham hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Điều này thật rõ, với những dữ liệu về lịch sử, về các mốc thời gian, chứ không phải ông Phạm Viết Ngạn được bổ Tri phủ Vĩnh Tường khi nữ sĩ đã từ trần được 40 năm.