Hai cựu bộ trưởng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt nào trong “Thương vụ AVG”?
Pháp luật - Bạn đọc 04/09/2019 07:32
Cơ quan CSĐT Bộ công an công bố kết luận điều tra cho thấy: Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận, vào dịp lễ, tết, đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone. Cụ thể, ông Son nhận 200 triệu đồng từ ông Hải dịp 30/4/2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone dịp Tết âm lịch 2016. Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc của ông Tuấn, đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236.
Ông Nguyễn Bắc Sơn và ông Trương Minh Tuấn |
Theo Th.s, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Thông tin từ Cơ quan điều tra cho thấy, ông Tuấn và ông Son đều thừa nhận hành vi nhận tiền từ ông Vũ để thực hiện việc ký hợp đồng mua bán theo yêu cầu của ông Vũ; thừa nhận hành vi nhận hối lộ và bồi thường khắc phục một phần hậu quả đã gây ra, hoàn trả một phần số tiền do phạm tội mà có. Bởi vậy, theo quy định của pháp luật, hai cựu Bộ trưởng này sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS); Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác theo quy định tại điểm v, Khoản 1, Điều 51 BLHS. Ngoài ra, nếu số tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là "đáng kể" thì hai cựu Bộ trưởng này còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, Khoản 1, Điều 51 BLHS. Các tình tiết giảm nhẹ khác cũng có thể được áp dụng như: "lập công chuộc tội" (nếu có) và một số tình tiết có thể được áp dụng theo Khoản 2, Điều 51 BLHS.
Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, với vai trò là người đứng đầu, là cán bộ cao cấp nhưng không tuân thủ pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước (số tiền lên tới 7000 tỷ đồng) nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Với “Tội nhận hối lộ” có mức hình phạt cao nhất là tử hình (nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên). Số tiền 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) ông Tuấn nhận và 3 triệu USD (hơn 64 tỷ đồng) ông Son nhận là số tiền rất lớn. Bởi vậy, nếu không khắc phục hậu quả được 3/4 số tiền do phạm tội mà có, thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng không có gì đảm bảo là các vị cựu Bộ trưởng này sẽ thoát khỏi mức án cao nhất của tội danh này là tử hình.
Với "Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 220 BLHS, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 20 năm tù.
Việc kết tội và ấn định mức hình phạt thì người phạm tội sẽ bị tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc: Nếu hình phạt cao nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu các hình phạt ở các tội danh đều là tù có thời hạn thì sẽ tổng hợp là tổng cộng thời gian của các tội danh nhưng không quá 30 năm tù...
“Về nguyên tắc theo khoa học pháp lý, hình phạt chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có phạm tội. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo, từng tội danh và việc tổng hợp hình phạt sẽ do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa”, Luật sư Cường khẳng định.
Thực tiễn cho thấy đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người bị buộc tội là người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí là lãnh đạo cao cấp, lại thành khẩn nhận tội, lời nhận tội phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được thì rất khó có thể là một vụ án oan cho dù nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn được đặt ra trong mọi vụ án hình sự. Trong trường hợp tòa án xác định các bị can là có tội thì với những bị can chủ mưu, vai trò chủ yếu sẽ khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình. Với nguyên tắc cá biệt hóa vai trò trong đồng phạm thì những người vai trò thứ yếu, không hưởng lợi nhiều, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả... sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật với mức hình phạt thấp hơn, có thể là tù chung thân hoặc tù có thời hạn tùy thuộc vào hành vi và vai trò của từng bị cáo đối với vụ án này.
Việc quyết định mức hình phạt cụ thể cho từng bị cáo sẽ phụ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó có thể phân thành 2 yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó yếu tố nhân thân bao gồm: Hoàn cảnh, nhân thân, công lao, thành tích, khả năng nhận thức, khả năng cải tạo... Yếu tố hành vi là tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, sự tác động của hành vi tới xã hội. Thông thường khi lượng hình, yếu tố hành vi sẽ quyết định nhiều hơn đến mức và loại hình phạt. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh, phòng và chống tham nhũng như hiện nay, chính sách xét xử đối với tội phạm tham nhũng là "nghiêm minh", "nghiêm trị", thiệt hại do các bị can, bị cáo gây ra cho Nhà nước lên tới 7.000 tỷ đồng thì mức hình phạt trong vụ án này sẽ hết sức nghiêm khắc. Dù kết quả vụ án thế nào thì đó cũng là một sự ngậm ngùi, một bài học lớn trong công tác cán bộ, về đạo đức của người lãnh đạo trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều phức tạp, nhiều cám dỗ như hiện nay.