Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (địa phận TP Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh: Mở đường mà lòng dân không vui, vì sao? (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 24/05/2019 10:29
Khoản 1, Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại…”. Về hỗ trợ, Luật Đất đai quy định gồm các khoản: Ổn định đời sống và sản xuất; đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm…
(Điều 88). Việc hỗ trợ được hướng dẫn cụ thể tại các Điều 19; 20; 21; 22; 23; 24 và 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Đối chiếu các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, thì toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Lê Cao Nguyên thuộc trường hợp được bồi thường, hỗ trợ về đất, vì đất do gia đình ông Nguyên khai hoang, phục hóa, không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 76 Luật Đất đai năm 2013, không phải được Nhà nước giao để quản lí, càng không phải trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Do đó, việc chính quyền TP Móng Cái xác định một diện tích lớn đất của gia đình ông Nguyên thuộc diện không bồi thường, mà chỉ hỗ trợ, là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai. Đặc biệt, diện tích hơn 1.000m2 gia đình ông Nguyên trồng keo và bạch đàn trên đất nông nghiệp, lại bị quy là đất rừng sản xuất, là chưa đúng, cần phải xem xét lại. Ngoài trường hợp gia đình ông Nguyên, Báo Người cao tuổi cũng nhận được đơn của các hộ ở thôn 2, xã Quảng Nghĩa gồm các ông: Nguyễn Văn Trại, Bùi Văn Ngọc, Nguyễn Văn Quảng, Hoàng Văn Oanh và ông Lương Văn Cảnh, thôn 1, xã Quảng Nghĩa, phản ánh các nội dung: Không bồi thường, hỗ trợ theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013; Bồi thường thiếu diện tích đất bị thu hồi; Bồi thường thiếu diện tích, không được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật; Áp giá bồi thường đất nuôi trồng thủy sản không đúng vị trí; Xác định sai nguồn gốc đất; Thu giữ tài sản sau cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật. Điều rất lạ là, người sử dụng đất càng kiến nghị, mức bồi thường càng bị rút xuống… Qua xác minh, phản ánh của các hộ dân là có cơ sở. Theo đó, hộ ông Nguyễn Văn Trại bị thu hồi 1.542,6m2 đất nông nghiệp gia đình sử dụng từ năm 1987, không tranh chấp nhưng chỉ được bồi thường, hỗ trợ cho 74,1m2, với số tiền 2.148.900 đồng, sau đó hỗ trợ thêm hơn 10 triệu đồng. Số diện tích còn lại không được bồi thường, hỗ trợ với lí do “Căn cứ Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013”. Hộ ông Bùi Văn Ngọc có 2.600m2 đất khai hoang để canh tác nông nghiệp. Năm 2012, do diện tích đất này bị ngập mặn, gia đình có đơn xin chuyển đổi sang mô hình ao đầm nuôi trồng thủy sản, được UBND xã xác nhận. Gia đình ông đã đầu tư tiền bạc, công sức đào ao, xây dựng một số công trình phục vụ sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc gồm: 700m2 bạt lót bờ ao, 1 nhà chòi, 1 nhà máy, giếng đào, giếng khoan, 60m2 đường bê tông, máy nổ, củ phát 15kw, 6 guồng chạy khí, 2 máy bơm… Thực hiện Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ao đầm của gia đình ông bị thu hồi hết, nhưng chính quyền TP Móng Cái cho đây là đất sai phạm, nên không bồi thường. Như vậy là không đúng quy định pháp luật.
Hộ ông Nguyễn Văn Quảng bị thu hồi 1.107,1m2 trên tổng diện tích 2.617,7m2 ao đầm do gia đình mua lại của người cùng thôn năm 2010, mở rộng diện tích năm 2011. Thế nhưng, gia đình ông chỉ nhận được bồi thường, hỗ trợ số tiền 19 triệu đồng. Thấy mức bồi thường, hỗ trợ chưa được bằng 1/10 số tiền gia đình đầu tư, ông Quảng chưa nhận tiền và bản giao mặt bằng, đồng thời gửi đơn đến các cấp.
Trong khi đơn chưa được giải quyết, thì ngày 19/2/2019, ông Quảng nhận được quyết định cưỡng chế. Ngày cưỡng chế, 9/4/2019, mặc dù ngồi cách khu vực cưỡng chế khoảng 10m, nhưng ông Quảng lấy máy ghi lại hình ảnh cuộc cưỡng chế, để làm tư liệu khiếu nại sau này, lập tức bị lực lượng chức năng trấn áp, đưa về Công an TP Móng Cái giữ từ sáng tới hơn 19 giờ tối mới cho về. Điều này là trái pháp luật. Ông Quảng cho biết: “Có 5 - 6 người lao ra bắt tôi, đấm, đá… như tội phạm, nhốt và xóa toàn bộ hình ảnh tôi quay được. Vậy thử hỏi công lí ở đâu?”. Hộ ông Hoàng Văn Oanh có 5.627m2, nguồn gốc do bố ông nhận chuyển nhượng của các gia đình khác từ năm 1992, sau đó chia cho ông sử dụng. Năm 2010 và 2012, ông Oanh quy hoạch lại, đào ao, đắp bờ để nuôi trồng thủy sản, sử dụng ổn định, không tranh chấp. Gia đình ông bị thu hồi 4.067m2 cho Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nhưng chỉ được bồi thường, hỗ trợ 2.855,4m2 với đơn giá đất nuôi trồng thủy sản ven biển là 10.000 đồng/m2. Số diện tích còn lại chỉ được hỗ trợ 30%.
Ngoài ra, không bồi thường, hỗ trợ công lót bạt, bờ đầm; Bồi thường không đủ khối lượng bờ đê, đường đi xung quanh các đầm nuôi trồng thủy sản; Không bồi thường, hỗ trợ guồng, sục, máy bơm, máy phát điện, giếng đào… Không được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp. Ban đầu, phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Oanh tổng cộng 241.552.008 đồng, nhưng sau đó lại bị cắt bớt còn 188.963.647 đồng, gây thiệt hại cho gia đình ông. Hộ ông Lương Văn Cảnh, 78 tuổi, ở thôn 1 còn éo le hơn. Gia đình ông có 32.000m2 đất, nguồn gốc năm 2009 nhận chuyển nhượng 5 đầm nuôi trồng thủy sản của ông Phạm Huy Cầm đào, đắp sử dụng từ năm 1991, trong đó có nhà ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và hơn 1.000 cây keo cùng một số cây ăn quả lâu năm, theo mô hình vườn - ao - chuồng.
Năm 2011, diện tích đất trồng lúa của gia đình ngập mặn, nên gia đình chuyển đổi thành 3 đầm nuôi trồng thủy sản, được chính quyền địa phương phê duyệt, nâng lên thành 8 đầm, với diện tích như hiện tại. Trong diện tích này, gia đình ông gồm 10 người, 4 thế hệ chung sống bằng trồng trọt, chăn nuôi. Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thu hồi của gia đình cụ 14.000m2, đi qua trực tiếp 7 đầm cùng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, vườn cây. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Móng Cái 3 lần xây dựng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi của gia đình ông Cảnh: Lần 1 tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 880 triệu đồng; gia đình ông có ý kiến, lần 2 rút xuống chỉ còn 219 triệu đồng; tiếp tục kiến nghị, lần 3 giảm xuống còn 208 triệu đồng.
Trong khi đó, từ khi bị cưỡng chế thu hồi đất, gia đình ông rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Không chỉ thiệt thòi về bồi thường, hỗ trợ, trong buổi cưỡng chế, người nhà ông Cảnh còn bị lực lượng chức năng trấn áp đưa về Công an TP Móng Cái tạm giữ và tịch thu toàn bộ giấy tờ, tài liệu.
Ông Cảnh cho biết: “Trước khi cưỡng chế, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế. Thế nhưng, lực lượng chức năng của TP Móng Cái vẫn thu giữ, mang đi đâu không rõ. Những gì ăn được thì cán bộ mang chia nhau (hơn 200 trái dừa), rồi các ao hồ có một phần diện tích nằm trong dự án, họ cho người đánh bắt mang đi, còn lại họ phá bờ và tháo cống để tôm, cá trôi hết ra biển; gà, vịt trong trại của gia đình cũng mất gần hết, chỉ còn lại vài con…”.
Không ai không vui mừng khi thấy quê hương, đất nước khởi sắc. Việc mở đường cao tốc đi thẳng đến Vân Đồn, tạo điều kiện giao thông thông suốt, đáng ra dân phải mừng vui đón nhận. Thế nhưng, lòng dân vẫn không vui, vì việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ làm chưa đúng, gây khó khăn cho người dân bị thu hồi đất khi dự án đi qua. Họ mất tư liệu sản xuất, lại không nhận được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, đúng pháp luật để ổn định cuộc sống, đó chính là lí do lòng dân nơi đây không vui. Được biết, đây là dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, thuộc Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần rà soát lại toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB của Dự án này trên địa bàn TP Móng Cái. Giải quyết dứt điểm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân theo đúng quy định của pháp luật, còn là vấn đề đạo lí.