Động lực cho mô hình tăng trưởng năm 2022
Nghiên cứu - Trao đổi 05/01/2022 11:10
Đột phá thể chế kinh tế
Năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra. Thời gian tới, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới.
Việt Nam có độ mở cửa nền kinh tế ở mức 200% GDP, là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, những chuyển động của thế giới ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam rất lớn.
Để thoát bẫy thu nhập trung bình, quan trọng nhất là thể chế, cụ thể là tổ chức vận hành nền kinh tế. Chúng ta đang thiếu hai khâu rất quan trọng trong áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Một là, không xây dựng được đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa như các nước Đông Bắc Á. Hai là, không có công nghệ. Phải có công nghệ Việt Nam mới vươn từ “thế giới thứ ba” lên “thế giới thứ nhất”.
Các chính sách cần hướng tới phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Để sánh vai với 5 châu, kinh tế Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng rất cao trong một giai đoạn dài. Theo tính toán mô phỏng, tăng trưởng GDP/người từ 7% trở lên chỉ có thể đuổi kịp Thái Lan hay Malaysia trong thời gian tới. Muốn bắt kịp Trung Quốc, Việt Nam phải tăng trưởng 10,48% và muốn sánh ngang Hàn Quốc thì phải đạt 11,08% trong 30 năm tới.
Mô hình tăng trưởng mới gồm 2 yếu tố chính: Thứ nhất, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Thứ hai, phân bổ lại nguồn lực hiện có bằng đột phá thể chế, tháo gỡ khó khăn. Trong đó cần phát triển dựa trên lợi thế vùng miền, lấy nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm; tập trung phát triển nền kinh tế địa phương nhưng phải kết nối với nhau…
Năm 2022: Động lực cho mô hình tăng trưởng mới
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức là tạo lực đẩy tốt hơn cho phục hồi kinh tế. Xây dựng mô hình tăng trưởng mới cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, lao động, vốn, khoa học và công nghệ cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người để tạo ra tăng trưởng. Để làm được điều này, phải dựa trên nền tảng của chính sách vĩ mô, đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế và có sự hậu thuẫn từ Nhà nước dựa trên các động lực tăng trưởng kinh tế sẵn có.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài không chỉ về quy mô vốn đầu tư và thị trường mà các yếu tố này còn đóng vai trò neo giữ kì vọng cho các nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Đồng thời, với chiến lược hướng ngoại của nền kinh tế thì giới hạn tăng trưởng chủ yếu đến từ phía cung. Khả năng tăng cung sẽ đóng vai trò quyết định. Vì vậy, bên cạnh việc thay đổi mô hình tăng trưởng, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam là đầu tư để vừa tăng cầu, vừa tăng cung; xuất khẩu; tiêu dùng trong nước. Trong đó đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, còn tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm.
Tuy nhiên, động lực đầu tư là yếu tố nền tảng. Động lực xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố thuận lợi của thị trường bên ngoài và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, thị trường bên ngoài rất thuận lợi cho xuất khẩu khi hầu hết các nước đều thực hiện các gói kích cầu hào phóng làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Việc tận dụng nhu cầu này phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lại phụ thuộc rất lớn vào đầu tư.
Trong trung và dài hạn, cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới như đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ, đô thị hóa, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực.
Hiện nay, nếu khống chế được dịch Covid-19 và kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng 6 - 7% thì Việt Nam có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 2025 - 2026. Đến năm 2045, Việt Nam có thể phát triển đến mức thu nhập cao của một nước tiên tiến hay không? Thời gian 20 năm không ngắn. Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ mất trên dưới 10 năm cho giai đoạn này nhưng đã xây dựng được một thể chế kinh tế làm tiền đề cho giai đoạn tiến lên mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các vấn đề về phát triển thị trường vốn, đất đai, chấn hưng khoa học và công nghệ, hiệu suất hóa bộ máy hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp, xác lập quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp… hiện còn hạn chế. Trong 4 - 5 năm tới, Việt Nam cần hoàn thiện những điều kiện đó mới có thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế và cân nhắc việc sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc về tính hiệu quả trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ. Đây là yếu tố quan trọng trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam.