BIDV triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người trẻ có nhà

Kinh tế 26/03/2025 15:03
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8 - 10% trong năm 2025 đặt ra một thách thức lớn với chính sách tiền tệ, do phải “bơm” một lượng tiền đủ lớn ra nền kinh tế. Nhưng nếu “bơm tiền” ồ ạt, sẽ gây áp lực lên tỉ giá, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và chỉ số lạm phát.
Trong hai tháng đầu năm 2025, nhìn chung thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm và có dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 để các tổ chức tín dụng tự chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tăng trưởng tín dụng 2025 được giao là 16%.
Số liệu thống kê từ NHNN đến ngày 18/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,62 triệu tỉ đồng, tăng 0,02% so với tháng 12/2024, tăng 16,35% so với cùng kì.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chưa cao, trong bối cảnh NHNN thường xuyên cung cấp thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng không có áp lực về thanh khoản để dẫn đến việc tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.
![]() |
Thời gian tới, NHNN sẽ điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn ra nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tập trung theo dõi sát động thái của hệ thống tổ chức tín dụng để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Mặt bằng lãi suất cho vay tại thời điểm cuối năm 2024 thấp hơn 1,24% so với cuối năm 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.
Trong bối cảnh Chính phủ đặt kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 16%, dựa trên nguyên tắc “trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng giúp tăng trưởng GDP thêm 1%”. Như vậy, nếu tăng trưởng GDP khoảng 10%, thì tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 18 - 20%.
Định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo, cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế.
Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khoá, chính sách xuất - nhập khẩu, chính sách thương mại.
Tuy nhiên, khác các năm trước, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 dự kiến khó khăn hơn, với yêu cầu vừa đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa ổn định được vĩ mô trong nước, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động theo diễn biến của “thương chiến thời Trump 2.0”.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8 - 10% trong năm 2025 phải bơm một lượng tiền đủ lớn ra nền kinh tế mới đạt được mục tiêu. Nhưng nếu “bơm tiền ồ ạt”, sẽ gây áp lực lên tỉ giá, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và chỉ số lạm phát, bởi không có quá nhiều dư địa để thực hiện nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề của hệ thống ngân hàng là để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong bối cảnh tiền gửi có thể chưa tăng trưởng tương ứng. Trước đó, các ngân hàng thương mại phải gia tăng huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá để bảo đảm thanh khoản trong năm 2024, nhưng điều này dẫn đến chi phí vốn tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng.
Về lãi suất, Chính phủ, NHNN cần chờ đợi thời điểm tốt để giảm lãi suất, tránh tác động đến hai yếu tố ổn định vĩ mô là tỉ giá và lạm phát. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường như tỉ lệ dự trữ bắt buộc, cửa sổ chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở, nhằm tăng tính hiệu quả và giảm độ trễ cho chính sách tiền tệ.
Lãi suất huy động cuối năm 2024 đã bắt đầu nhích tăng khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút “dòng tiền nhàn rỗi”. Xu hướng này dự kiến tiếp tục trong năm 2025 khi nhu cầu tín dụng gia tăng.
Một thách thức khác Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt là vừa kiểm soát lạm phát, vừa duy trì ổn định tỉ giá trong giai đoạn Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, dẫn tới cạnh tranh xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gay gắt hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải giữ được sự ổn định của tỉ giá để bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, đồng thời duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với dòng vốn quốc tế.
Xác định chính sách tiền tệ sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, NHNN cần tập trung phân bổ vốn cho các ngành kinh tế then chốt, được hưởng lợi từ biến động địa - chính trị thế giới, cũng như định hướng phát triển mới của các quốc gia lớn. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, trước làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể gia tăng.
Bên cạnh đó, NHNN cần giám sát chặt chẽ các khoản vay rủi ro cao, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, nhằm tránh tình trạng nợ xấu gia tăng và dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản và chứng khoán.