Dân vận và “quan vận”
Nghiên cứu - Trao đổi 15/10/2021 10:05
Cách đây tròn 72 năm, trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z. Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Người cũng khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang nỗ lực làm tốt công tác dân vận, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước vào thời kì bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều nội dung hình thức mới và được thể hiện cụ thể trong rất nhiều Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể, địa phương đơn vị. Nhiều chủ trương công tác dân vận được đề ra như: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền với các chủ đề “Dân vận khéo”, “Năm dân vận chính quyền”… theo tinh thần “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (71960). Ảnh Tư liệu TTXVN |
Đặc biệt, trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua, quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và cụ thể hơn là “Không để dân đói, đứt bữa, người bệnh thiếu oxy”… được Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang và chính quyền các địa phương thực hiện quyết liệt, đem lại niềm tin trong Nhân dân. Nói chung, công tác dân vận ở đâu cũng được đề cập, đề cao và đạt nhiều kết quả tốt.
“Quan vận” phải nghiêm
Công tác “quan vận” là cách nói nôm na, dân dã về công tác giáo dục, rèn luyện, quản lí của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thực sự là “công bộc của dân”.
Về công tác này, Bác Hồ khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”, nên “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trước Nhân dân và chỉ rõ: “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Song Người cũng nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản là được người ta yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức”. Vì vậy, uy tín của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt đối với công tác dân vận. Cán bộ, đảng viên có uy tín càng cao thì hiệu quả công tác dân vận càng lớn và ngược lại, uy tín thấp thì nói chả ai nghe, thậm chí còn làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín chung của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác “quan vận” xem ra chưa hiệu quả. Bằng chứng là đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vi phạm kỉ luật và pháp luật.
Đáng buồn là trong số đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và cán bộ đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tướng lĩnh quân đội, công an... Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang đối với Nhân dân, làm giảm sút hiệu quả của công tác dân vận. Trong thực tế, nhiều khi công tác dân vận phải đi giải quyết hậu quả do công tác “quan vận” để lại. Chỉ cần một vụ việc vi phạm dù nhỏ của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, là người dân thấy mất niềm tin vào Đảng, chính quyền. Lúc ấy, công tác dân vận có bỏ bao công sức, tiến hành hàng trăm buổi tuyên truyền, làm hàng nghìn cây số đường, tặng hàng vạn suất quà… thì cũng khó lấy lại được niềm tin của Nhân dân.
Dân vận phải gắn liền với “quan vận”
Công tác dân vận phải đi đôi với công tác “quan vận”, thậm chí nhiều nơi công tác “quan vận” phải được đặt lên hàng đầu. Nghĩa là phải tập trung giáo dục, quản lí cán bộ, chỉnh đốn tổ chức, làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo trước khi nói đến việc đẩy mạnh công tác dân vận.
Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”. Một trong những nguyên nhân chủ quan là: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỉ cương, kỉ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của Nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác”.
Vì vậy, Trung ương yêu cầu “phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỉ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lí nghiêm những hành vi vi phạm kỉ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lí đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, của báo chí, của công luận. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước Nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện”.
Rõ ràng, đây chính là những nội dung, nhiệm vụ công tác “quan vận” cấp bách mà cả hệ thống chính trị cần thực hiện, để yêu cầu đổi mới, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt hiệu quả, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân.